Anh tôi và cánh đồng
Vậy mà đã có lúc tôi giận anh, trách anh vì anh đã sai hẹn với tôi, anh để tôi cứ phải chờ,... chờ mãi...
Đã bao lần tôi khóc tức tưởi khi bị đám con trai bắt nạt mà không có anh bảo vệ.
Đã bao lần anh không đưa tôi qua cái dốc nhà ông Lan Mười có ba con chó dữ mà cứ để tôi phải chờ người qua mới dám đi cùng nên có hôm muộn cả học...
Một đứa bé năm, sáu tuổi như tôi đâu có hiểu sự tàn khốc của chiến tranh. Tôi chỉ nghĩ ngày ấy anh đi xa và sẽ có ngày quay trở lại, sẽ thực hiện những điều hứa với tôi.
Kỷ niệm với người anh cả của một cô bé học lớp hai như tôi không nhiều, nhưng vẫn làm tôi nhớ trong suốt cuộc đời này.
Đó là lần đầu tiên tôi được các anh, chị cho chơi trốn tìm ngoài cánh đồng gần nhà.
Những tiếng đếm: Năm... mười... mười lăm.. hai mươi... của một chị vang lên là mọi người tản ra trốn khắp nơi. Mình tôi đứng giữa đám ruộng loay hoay không biết chạy đi đâu. Bất ngờ một bóng người lao đến vác tôi chạy như bay khiến tôi “hồn xiêu phách lạc”. Định hét toáng lên chợt nghe tiếng thầm thì: “Đừng sợ, anh đây!”. Và lần ấy tôi thắng cả các chị lớn hơn.
Đó là lần đi bắt cá cùng anh. Thay vì đi xa như mọi bữa thì anh chỉ dẫn tôi ra mấy thửa ruộng gần nhà.
Tôi đội cái nón “tốt hỉn” lũn tũn đứng trên bờ, cười như nắc nẻ mỗi lúc anh bị cua cắp, mặt nhăn nhó. Hai anh em nói chuyện vang đồng. Thỉnh thoảng tôi đòi xuống ruộng nhưng anh nói:
- Em còn bé quá chưa xuống bùn sâu được, mai ngày lớn anh sẽ dạy.
Tôi chán và phụng phịu đòi về. Anh liền khoét một cái hố con ở ruộng trên, múc một ít nước thả vài con cá bé tẹo vào rồi bảo:
- Hình như chỗ này có cá, em thử bắt xem.
Tôi thò tay xuống và bắt được con cá bé xíu quẫy lách chách nên thích thú vô cùng, không đòi về nữa.
Lần đi mót khoai cũng vậy. Anh cầm cái cuốc đằng trước, tôi bê cái rổ theo sau. Anh giả vờ quên một củ “nửa kín nửa hở” để tôi nhặt được và reo lên:
- Củ khoai này to tướng mà anh không biết, anh thấy em giỏi không?
Anh tủm tỉm cười.
Một lần, anh chăm chú, tỉ mẩn đục thủng cái đui bóng điện cháy, đổ nước và chọn con cá cờ màu ngũ sắc có cái đuôi dài, rồi lấy dây buộc lên hai cái ngạnh ở đui đèn, để tôi nuôi cá trong đó. Tôi thích quá, đung đưa cái bóng điện như bể cá di động, chẳng may bị va vào cửa vỡ tan tành. Tôi tiếc và nỉ non khóc đến tận tối chưa nguôi. Anh hứa: “Khi nào có bóng điện cháy anh sẽ làm lại cho cái khác”. Khiến từ đấy tôi thường xuyên ngước nhìn cái bóng điện treo giữa nhà chỉ mong nó bị cháy để anh làm “bể cá” cho mình.
Vậy mà cái bóng điện của nhà tôi chưa cháy thì anh đã lên đường nhập ngũ...
Trước khi đi anh hẹn:
- Em là đứa mà anh lo nhất vì cái tính “mít ướt”. Cứ động một cái là khóc. Phải cố gắng lên, chịu khó nghe lời bố mẹ, khi nào về anh sẽ làm cho em một cái bóng điện to đẹp hơn, tha hồ mà nuôi cá.
Từ đó cứ mỗi lần bóng điện nhà tôi bị cháy tôi lại để vào một góc và hình dung mình sẽ có rất nhiều chiếc “bể cá tý hon”.
Mong mãi không được. Tôi đã nhờ bố dạy viết thư cho anh. Kể cho anh nghe nhà mình mới xây cái nhà tắm, cả nhà vệ sinh nữa. Rồi kể với anh tôi đã ra ruộng bắt được mấy con cua, con cá... và không quên khoe mấy cái bóng điện đang để dành chờ anh về... Tôi đợi từng ngày chờ thư anh hồi đáp. Cứ luôn mồm hỏi chị gái sao anh lâu gửi thư về.
Cuối cùng chị đã mang bản đồ ra trấn an tôi: “Tỉnh Tây Ninh rất xa em ạ! lại còn chiến tranh, giặc dã ác liệt. Nhưng chắc vài ngày nữa nhà mình sẽ nhận được thư thôi mà”.
Vậy mà cái buổi chiều oan nghiệt ấy... Tôi bê rổ rau lợn từ ruộng trở về. Vừa đến cổng đã thấy trong nhà có mấy người hàng xóm lao xao. Tôi ngơ ngác khi thấy ai cũng nhìn tôi mà không hỏi han gì cả.
Rổ rau rơi xuống đất khi thấy mẹ ngất xỉu. Các chị tôi gào khóc nức nở. Bố tôi ngồi lặng im như hóa đá, tôi đến bên cạnh vẫn không hay biết gì. Tôi lờ mờ hiểu có chuyện chẳng lành nhưng không dám hỏi ai. Thì ra đơn vị anh đã báo tử về: Trong trận đánh ác liệt ngày 21/2/1978 anh tôi cùng hai đồng đội trinh sát đã mất tích trên chiến trường Tha Mát - Tây Ninh...
Tôi đã lớn dần và hiểu mọi chuyện hơn, tôi không giận anh nữa, mà càng thương anh thật nhiều khi cô giáo giảng cho lớp tôi nghe về gương anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bản thân để bảo vệ gia đình, quê hương đất nước... Họ đã gác lại bao nhiêu ước mơ hoài bão để làm nhiệm vụ thiêng liêng cao cả vì Tổ quốc...
Nghe cô giảng, tôi càng xúc động và òa khóc nức nở. Cô giáo đã ngừng giảng để an ủi tôi. Tiết học dừng lại giữa chừng, nhưng hôm đó cô vẫn cho giờ tốt.
Hàng ngày, ngoài giờ học tôi ra đồng kiếm rau lợn, bắt cua cá với đám bạn. Có lần gặp con rắn nước, tôi sợ quá bỏ chạy vấp ngã làm đổ cả cái xoong đựng cá xuống ruộng, mất công bắt cả buổi. Tôi nhớ lại và hình dung những lúc đi cùng anh. Rồi lại lấy bàn tay lem luốc lau mồ hôi và nước mắt.
Rất nhiều lần tôi nín thở, thót tim khi thấy bố mình là thương binh mà vẫn phải trèo cây hoặc mắc điện trên cao với cái chân tập tễnh và bàn tay thiếu ngón một cách khó khăn. Những lúc đó tôi rất thương bố và nhớ anh vô cùng. Tôi ước mình là con trai để có thể giúp được bố nhiều việc nặng như anh.
Những khi mẹ cầm di ảnh của anh ôm vào lòng, tôi mong có một phép màu nhiệm bất chợt một ngày nào đó anh sẽ trở về. Mặc dù biết điều đó là không thể.
Mỗi lần các bạn kể về anh của mình tôi đều quay mặt đi chỗ khác, và mong cái giấy báo tử kia là một sự nhầm lẫn nào đó.
Thỉnh thoảng tôi được gặp anh trong giấc mơ. Anh luôn động viên tôi phải cứng rắn hơn, không được khóc nhiều. Khi tỉnh dậy tôi bồi hồi luyến tiếc khôn nguôi.
Mười tám tuổi...
Tuy đã lớn nhưng tôi luôn cắt tóc ngắn như con trai. Ngoài những giấy tờ quan trọng thì tôi viết đủ tên mình, còn lại như trong sổ tay, nhãn vở... tôi đều bỏ chữ “Thị”. Bên ngoài cố tình tỏ ra cứng rắn nhưng bên trong tôi là một đứa thật yếu mềm. Vì tôi rất thèm có một người anh để tâm sự, để động viên trong những lúc buồn vui...
Tôi đã chứng kiến bố đến đơn vị anh không biết bao nhiêu lần để tìm tung tích xem mộ phần anh ở đâu, và cũng là bấy nhiêu lần trên gương mặt bố càng buồn hơn khi trở về. Chị em tôi hỏi, bố lại lắc đầu thất vọng.
Mẹ và chị vào tận Tây Ninh tìm từng nghĩa trang, đọc tên từng ngôi mộ mà vẫn vô vọng vì anh tôi hy sinh nhưng mất tích trong trận đánh hôm đó...
Hơn mười năm trôi qua, gia đình tôi rất hiếm có tiếng cười. Đôi mắt bố thâm quầng vì mất ngủ. Có hôm bố ngồi thâu đêm hút cả bao thuốc lá. Mẹ đã khóc nhiều, kiệt sức lực và ốm liên miên.
Nhìn bố mẹ buồn tủi, tôi luôn ước một người con trai cùng họ bố đến với tôi. Tôi sẽ đồng ý làm bạn đời với người đó để con tôi vẫn được mang họ bố mình. Nhưng trên đất Thái Nguyên nơi tôi sống đâu có nhiều người cùng chung họ với mình.
Gần bốn mươi năm chờ đợi mỏi mòn, gia đình tôi cũng tìm được anh do đồng đội anh chỉ dẫn. Gia đình và chính quyền địa phương đã đưa anh về yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim. Nơi tuổi thơ anh đã lớn lên trên mảnh đất Thái Nguyên này...
Bước trên con đê chạy qua cánh đồng năm ấy. Kỷ niệm tuổi thơ hiện về trong tôi như một giấc mơ. Có thể đó chỉ là một cánh đồng không tên như bao cánh đồng khác trên mảnh đất Vó Ngựa này. Nhưng nó là một dấu ấn cuộc đời mãi mãi khắc ghi trong trái tim tôi.
Thắp nén hương lên bàn thờ đặt di ảnh anh. Khói hương nghi ngút hòa dòng lệ nghẹn ngào, hình ảnh tươi rói yêu thương của anh hiện về cùng lời cô giáo trong giờ giảng văn lại như vang vọng: “Những anh hùng liệt sĩ là những người con bất tử. Máu thịt của các anh, chị hòa vào non sông đất nước mãi mãi đẹp tươi”.
Tôi tự hào vì có một người anh bất tử.
Hồ Quỳnh Châu
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...