Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
22:55 (GMT +7)

Ân đền oán trả

VNTN - Fernando Sorrentino là một nhà văn người Argentina, sinh ngày 8 tháng 11 năm 1942 tại Buenos Aires. Tác phẩm của ông đã được in trong nhiều hợp tuyển bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, đồng thời được dịch sang nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Việt.

Năm 1965, lúc đó tôi hai mươi ba tuổi và đang học để làm giáo viên dạy ngữ văn cấp ba. Tháng chín năm đó trời vào xuân và vào một sớm mai nọ, tôi đang học trong phòng. Nhà tôi là căn chung cư duy nhất trong khu và chúng tôi sống trên tầng sáu.

Tôi đang thấy hơi lười nhác và thỉnh thoảng lại lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ. Từ đó tôi có thể nhìn thấy con phố và ngay lối đi bộ bên kia đường là khu vườn được cắt tỉa cẩn thận của ông Cesareo với ngôi nhà áng ngữ lô đất ở góc đường, với chỗ góc bị cắt vát qua. Vì vậy mà nhà của ông ấy có hình năm góc kì lạ.

Kế bên nhà ông Cesareo là ngôi nhà xinh đẹp của gia đình Bernasconi, những con người dễ thương từng làm những điều tốt bụng. Họ có ba cô con gái và tôi thì đang yêu cô lớn là Adriana. Vậy nên đôi khi tôi lại hướng ánh mắt về phía lối đi bộ bên kia đường, phần nhiều là do lòng có thói quen như vậy chứ cũng không hẳn là mong nhìn thấy nàng vào cái giờ sớm sủa đến thế.

Theo như thói quen, ông Cesareo đang tưới nước và chăm sóc khu vườn yêu dấu của mình; nó được ngăn cách khỏi mặt đường bởi một hàng rào sắt thấp và ba bậc đá.

Con phố khá vắng nên lẽ đương nhiên là tôi chú ý đến một người đàn ông xuất hiện ở khu nhà bên cạnh và đang tiến về phía khu chúng tôi trên chính lối đi bộ chạy qua trước nhà ông Cesareo và Bernasconi. Sao người đàn ông đó lại khiến tôi chú ý được khi mà ông ta là một người hành khất, một nhúm giẻ rách màu sắc quả là sặc sỡ như cầu vồng chứ?

Ông ta có bộ râu xồm xoàm và cơ thể gầy đét, đầu đội một chiếc mũ rơm màu vàng nhạt chẳng ra hình thù gì. Mặc cho cái nóng, ông ta vẫn khoác trên mình cái áo bành tả tơi có màu xam xám. Thêm vào đó, ông ta còn mang một cái bao tải bẩn thỉu to đùng mà tôi nghĩ là đựng đồ bố thí và phần thức ăn thừa kiếm được.

Tôi quan sát tiếp thì thấy người lang thang dừng lại trước nhà ông Cesareo và hỏi xin gì đó qua hàng rào sắt. Ông Cesareo là một lão già keo kiệt có tính rất khó chịu; chưa cần biết gì hết là ông ta đã đơn giản phủi tay như thể đuổi người này đi rồi. Nhưng người ăn xin có vẻ như đang khe khẽ cố nài xin, và rồi tôi nghe thấy lão già hét lên rõ ràng:

“Này, đi đi, biến khỏi đây chứ đừng làm phiền tao!”

Dù vậy, kẻ lang thang vẫn kiên trì và lúc này ông ta thậm chí còn bước lên ba bậc tam cấp và nắm lấy cánh cổng sắt lay một chút. Lúc đó, lão Cesareo mất hết cả chút nhẫn nại ít ỏi và hung bạo đẩy người kia đi. Người hành khất trượt ngã trên nền đá ướt, cố nắm lấy một thanh hàng rào nhưng không được và ngã mạnh xuống đất. Ngay lập tức chỉ trong chớp mắt, tôi thấy chân ông ta chổng lên trời và nghe thấy tiếng sọ ông ta nứt toác ra lúc nó đập xuống bậc đá trên cùng.

Lão Cesareo chạy xuống đường, cúi xuống nhìn và sờ vào ngực ông ta. Lão già hoảng sợ ngay tức thì nắm lấy bàn chân kéo ông ta ra để trên lề đường. Sau đó lão đi vào nhà và đóng cửa lại, lòng chắc mẩm là không ai chứng kiến tội ác không có chủ tâm của mình.

Nhân chứng duy nhất là tôi. Chẳng mấy chốc đã có một người đàn ông đi ngang qua và dừng lại bên người ăn xin đã chết. Rồi có những người khác tới và cảnh sát nữa. Kẻ ăn xin được bỏ lên một chiếc xe cứu thương và mang đi.

Chuyện chỉ có thế và không ai nói gì về nó nữa hết.

Về phần mình, tôi rất cẩn thận không hé miệng với ai hết. Hẳn là tôi đã hành động rất tệ, nhưng tôi sẽ đạt được gì khi buộc tội lão già chưa bao giờ làm hại gì mình đó chứ? Mặt khác, lão cũng đâu cố ý giết người ăn xin và có vẻ tôi cũng không thấy phải khi chuyện kiện tụng sẽ làm cho những năm cuối đời của ông ta trở nên cay đắng. Tôi nghĩ điều tốt nhất sẽ là để lão ta yên mà tự vấn lương tâm.

Dần dần tôi quên đi sự kiện này, nhưng mỗi lần nhìn thấy lão Cesareo thì tôi lại có một cảm giác kì lạ khi nghĩ rằng lão không biết rằng tôi là người duy nhất trên đời biết được bí mật kinh khủng của lão. Từ đó trở đi, không hiểu sao tôi lại né lão và không bao giờ dám nói chuyện với lão nữa.

Năm 1969 tôi hai mươi sáu tuổi và đã lấy bằng sư phạm ngữ văn Tây Ban Nha. Andriana Bernasconi không lấy tôi mà lấy người khác, và ai mà biết được liệu anh ta có yêu hay xứng đáng với nàng bằng tôi không.

Khoảng thời gian đó, Adriana đang mang thai và sắp sinh đến nơi rồi. Nàng vẫn sống trong căn nhà xinh đẹp đó và bản thân nàng trông ngày càng xinh đẹp hơn. Một buổi sáng tinh mơ ngột ngạt tháng mười hai, tôi đang dạy thêm ngữ pháp cho mấy cậu trai học trung học sắp phải thi, và như thường lệ, thỉnh thoảng tôi lại buồn rầu nhìn sang bên kia đường.

Đột nhiên, trái tim tôi - nói đúng nghĩa đen luôn - giật nảy lên, và tôi nghĩ mình mắc chứng ảo giác mất rồi.

Cùng trên con đường đó, cũng hướng đi đó như bốn năm về trước là người ăn xin mà lão Cesareo đã giết: cùng bộ đồ rách rưới, cái áo khoác xám xịt, chiếc mũ rơm méo mó, cái bao tải bẩn thỉu.

Tôi quên luôn đám học trò và tức tốc lao tới bên cửa sổ. Kẻ hành khất đang dần bước chân ngắn lại như thể đã sắp đến mục tiêu.

“Ông ta đã sống lại,” tôi nghĩ, “và trở lại báo thù lão Cesareo.”

Tuy nhiên, lúc này kẻ ăn xin đi trên vỉa hè trước nhà lão già kia, đi qua dãy hàng rào sắt và bước tiếp. Rồi ông ta dừng lại trước cửa nhà Adriana Bernasconi, đẩy then cửa và vào trong.

“Thầy quay lại liền đấy!” tôi bảo học sinh và lòng lo lắng đến phát điên, tôi bấm thang máy đi xuống, lao ra đường, chạy qua bên kia và vào nhà Adriana.

Mẹ nàng đang đứng bên cửa như thể sắp đi đâu đó và nói với tôi: “Chà, chào người lạ! Anh…? Ở đây…? Có bao giờ hết điều kì diệu không nhỉ?!”

Bao giờ bà ấy cũng nhìn tôi đầy thiện cảm. Bà ôm hôn tôi, nhưng tôi vẫn không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra nữa. Lúc này tôi mới biết được là Adriana mới trở thành mẹ và tất cả mọi người đều vui mừng. Tôi chẳng thể làm gì hơn là bắt tay kẻ địch thủ chiến thắng của mình.

Tôi không biết phải hỏi sao, và nghĩ liệu mình có nên cứ thế im lặng hay không. Rồi tôi tìm ra được một giải pháp trung hòa. Với vẻ dửng dưng giả tạo, tôi nói:

“Thực ra tôi vào mà không bấm chuông cửa là vì tôi thấy một người ăn xin đeo một cái túi bự bẩn thỉu lẻn vào nhà mọi người, thế là tôi sợ có khi hắn ta định trộm gì đó.”

Họ ngạc nhiên nhìn tôi: Ăn xin ư? Túi? Trộm? Chà, từ đó tới giờ họ vẫn ở trong phòng khách và không hiểu tôi đang nói về chuyện gì.

“Thế thì chắc là tôi nhầm rồi,” tôi nói.

Rồi họ mời tôi vào phòng của Adriana và đứa bé. Tôi chả biết nói gì vào những lúc như thế. Tôi chúc mừng nàng, hôn nàng, nhìn đứa trẻ và hỏi họ định đặt tên gì cho nó. Họ nói là Gustavo như tên cha nó; tôi thì thích tên Ferrnando hơn nhưng không nói gì hết.

Lúc về tới nhà tôi nghĩ: “Đó là người ăn xin mà lão Cesareo đã giết, mình chắc chắn mà. Dù vậy ông ta cũng không trở lại để trả thù mà đúng hơn là tái sinh vào con của Adriana.”

Tuy vậy, hai ba ngày sau, giả thuyết của tôi có vẻ kì cục và tôi dần quên nó đi.

Và đáng ra tôi đã quên hẳn nó đi nếu không phải do chuyện xảy ra vào năm 1979, một việc tình cờ khiến tôi nhớ lại điều đó.

Lúc này khi năm tháng trôi qua và mỗi ngày lại mất dần cảm xúc, ngồi cạnh cửa sổ tôi chẳng chú ý mấy đến cuốn sách đang đọc, và rồi tôi lơ đãng nhìn chỗ này chỗ kia.

Con trai Adriana, Gustavo đang chơi trên sân thượng của ngôi nhà mái bằng. Rõ ràng đó là một trò chơi có phần trẻ con đối với đứa trẻ ở tuổi đó. Tôi nghĩ thằng bé hẳn đã thừa hưởng cái trí tuệ ít ỏi của cha mình và rằng, nếu nó là con trai mình thì chắc chắn nó sẽ tìm ra một cách ít vô vị hơn để tiêu khiển rồi.

Nó đặt một hàng lon rỗng lên tường và đứng cách đó khoảng ba bốn mét, cố dùng mấy viên đá ném tới làm chúng rớt xuống. Dĩ nhiên là toàn bộ số cuội đó đều rớt xuống khu vườn nhà hàng xóm là lão Cesareo. Tôi chợt nghĩ rằng lão già đó, lúc này đang không có nhà, sẽ nổi cơn thịnh nộ khi phát hiện ra không biết bao nhiêu hoa của mình đã bị làm hư hại.

Và chính vào lúc đó, lão Cesareo từ trong nhà bước ra vườn. Ông ta già lắm rồi và bước đi khá loạng choạng, phải dò dẫm từng bước một mới dám đặt chân xuống. Ông ta đi ra cổng với vẻ thận trọng khủng khiếp và chuẩn bị bước xuống ba bậc tam cấp dẫn ra vỉa hè.

Cùng lúc đó, Gustavo - không nhìn thấy ông già - cuối cùng cũng đánh đổ một lon. Nó bật ra khỏi bức tường, rơi xuống vườn nhà Cesareo với một âm thanh rổn rảng. Ông ta, lúc đó vẫn đang nửa đường đi xuống bậc tam cấp, giật mình khi nghe thấy tiếng ồn nên chuyển động khá lỗ mãng, trượt chân ngã sóng soài và đập đầu lên bậc đá trên cùng.

Tôi nhìn thấy hết nhưng cả thằng bé và ông già đều không ai nhìn thấy ai. Không hiểu sao sau đó Gustavo rời khỏi mái hiên. Vài giây sau đã có rất nhiều người đến tụ tập lại quanh thi thể lão Cesareo, và rõ ràng là ông ta chết do vô tình ngã.

Hôm sau tôi thức dậy rất sớm và nhanh chóng tới chỗ cửa sổ. Buổi thức canh thi hài ông Cesareo đang diễn ra trong ngôi nhà năm góc; nhiều người đang hút thuốc và nói chuyện trên lề đường.

Những người đó đứng dạt qua một bên như với vẻ khiếp sợ và lo lắng khi mà một lát sau, người ăn xin từ trong nhà Adriana Bernasconi đi ra, lại là với bộ đồ giẻ rách, cái áo bành, cái mũ rơm và cái bị của mình. Ông ta đi qua đám người kia và chậm rãi, dần dần khuất dạng ở chính hướng mà ông ta đã tới hai lần trước.

Tới trưa, dù buồn nhưng không hề ngạc nhiên, tôi biết được là sáng hôm đó người ta không thấy Gustavo trên giường nữa. Nhà Bernasconi bắt đầu một cuộc tìm kiếm điên cuồng cho tới tận ngày hôm nay với hi vọng không mệt mỏi. Còn tôi không bao giờ nghĩ tới chuyện bảo họ từ bỏ hết.

Truyện ngắn. Fernando Sorrentino

Trương Thị Mai Hương (dịch)

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước