5 năm – một chặng đường thơ
1. Trẻ hóa đội ngũ làm thơ là một xu hướng tất yếu trong nỗ lực đổi mới thơ Thái Nguyên những năm gần đây. Những tên tuổi “vang bóng một thời” trong làng thơ Thái Nguyên đã kinh qua thời Văn nghệ Việt Bắc hào hùng, qua thời kì đổi mới và qua lằn ranh của hai thế kỷ, nay người đã đi về cõi vĩnh hằng (như Khánh Kiểm, Hữu Tiệp, Thế Chính…), người đã viết thưa thớt hơn, cả do tuổi tác, cả do những áp lực “làm mới thơ” (như Ma Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang, Nguyễn Ngọc Minh, Trần Cầu, Lê Nhâm, Vũ Đình Toàn…). Tuy nhiên, cả một “thế hệ vàng” của thơ Thái Nguyên, những người ngoài năng khiếu thơ còn có được sự hiểu biết khá cơ bản về những vấn đề liên quan đến sáng tác văn chương, hoặc ít nhiều tham gia vào đời sống phê bình văn học (nhất là phê bình thơ) như Trần Thị Vân Trung, Võ Sa Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Đức Hạnh, Cao Hồng… dường như cũng xuất hiện một cách thảng hoặc, không phải vì họ không viết mà kì thực, họ đã trở nên quá khắt khe với chính bản thân mình, một sự khắt khe xuất phát từ thái độ cẩn trọng cần thiết của những người viết chuyên nghiệp. Và vì vậy, vô hình trung, họ dần dần nhường lại sân thơ cho lớp trẻ.
Người viết thơ giàu “năng lực trẻ” nhất mặc dù không còn trẻ nữa, phải kể đến Phan Thái, người xuất hiện gần như liên tục không chỉ ở sân thơ Thái Nguyên mà còn khá đều đặn trên các báo, tạp chí trong cả nước. Mặc dầu trong thời gian gần đây, Phan Thái đã có cuộc thử nghiệm, dấn thân sang địa hạt văn xuôi nhưng thơ Phan Thái, nhất là lục bát Phan Thái vẫn là một thứ “đặc sản” đủ sức dẫn dụ công chúng yêu thơ.
Nói đến những người viết trẻ là nói đến những cái tên quen thuộc của thơ Thái Nguyên đã hợp thành một đội ngũ đầy sức sống, đầy sức sáng tạo. Đó là Phạm Văn Vũ, Nguyễn Nhật Huy, Doãn Long, Trần Nhung, Hoàng Hiền… Quá nửa trong số họ gắn với bục giảng. Vậy nên, thơ của họ cũng có nhiều những bạn đọc, những “fan” hâm mộ từ các trường phổ thông, các giảng đường đại học. Thơ của họ mới và lạ, có lẽ vì họ có đủ bản lĩnh, tự tin để khơi mở một hướng đi cho riêng mình.
Thơ Thái Nguyên, trong những năm gần đây, có sự hòa nhập khá rõ với nền thơ trong khu vực. Sự gặp gỡ, giao lưu giữa những người viết trở nên dễ dàng hơn nhờ công nghệ, song cũng nhờ ý thức và nhu cầu tự thân của người viết, nhất là những người viết trẻ. Cuộc tọa đàm, gặp gỡ giữa những cây bút trẻ khu vực miền núi phía Bắc với chủ đề “Việt Bắc boong hây” là một cuộc biểu dương hùng hậu của lực lượng tác giả trẻ trong khu vực, nhiều người trong số họ đã thành danh và cũng xuất hiện khá nhiều trên báo Văn nghệ Thái Nguyên, được công chúng yêu thơ đón nhận và trân trọng.
2. Có thể nói, năm năm gần đây đối với hoạt động văn học nghệ thuật Thái Nguyên là năm năm có nhiều dấu ấn đặc biệt, với tính chất thường xuyên và quy mô hơn của các hội thảo, các tọa đàm văn học. Hội thảo 30 năm thơ Thái Nguyên là một sinh hoạt quan trọng của giới sáng tác, nghiên cứu, phê bình thơ Thái Nguyên. Ngoài ra, phải kể đến các hội thảo thơ về một số tác giả mà dư âm của nó đã tạo nên những hiệu ứng khá tốt như Hội thảo thơ Thế Chính và gần đây nhất là Hội thảo thơ Nguyễn Hữu Bài (Chi hội Thơ), Hội thảo thơ Lê Nhâm (Chi hội Định Hóa)… Đó là sự tôn vinh cần thiết với những nhà thơ Thái Nguyên đã tận tụy cống hiến cả đời cho thơ, đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của thơ Thái Nguyên hôm nay.
Các tác giả Chi hội Thơ trình diễn Liên khúc thơ Thái Nguyên mang chủ đề “Đất nước, tình yêu và cuộc sống” tại Lễ hội Thơ Nguyên tiêu - Thái Nguyên 2018
Nói đến đời sống sinh hoạt thơ Thái Nguyên những năm gần đây, không thể bỏ qua hay phủ nhận vai trò và tầm ảnh hưởng khá quan trọng của các Câu lạc bộ (CLB) thơ trên địa bàn mà người chủ đạo trong quản lí điều hành là những thành viên của Chi hội Thơ: CLB Mùa thu, CLB thơ Đường, CLB Lục bát Thái Nguyên… chưa kể những CLB sinh hoạt trên các trang mạng xã hội như Tình người Thái Nguyên, Muôn dặm hồn quê… đã thu hút đến hàng ngàn hội viên không chỉ ở Thái Nguyên mà trên khắp mọi miền đất nước. Sự xuất hiện và hoạt động hiệu quả của các CLB thơ nói trên đã đóng góp quan trọng vào đời sống văn học nghệ thuật cũng như đời sống thơ ca Thái Nguyên, nhất là ở góc độ động viên, khích lệ, khơi gợi và lan truyền cảm hứng sáng tác, tạo nên mối lương duyên bền chặt, sâu đậm với thơ của cả người trong lẫn người ngoài cuộc.
Nỗ lực đổi mới bộ mặt tinh thần của thơ Thái Nguyên thể hiện rất rõ trong các Lễ hội Thơ Nguyên tiêu được tổ chức đều đặn hàng năm, với qui mô lớn. Đây là hoạt động quan trọng nhằm tôn vinh thơ ca và tôn vinh những người làm thơ. Thái Nguyên có lợi thế là đội ngũ đông đảo công chúng yêu thơ và quan tâm đến thơ đến từ các trường đại học, phổ thông, cũng như có nhiều di tích lịch sử, văn hóa… Vậy nên, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc hay tại ATK Định Hóa đã có được thành công rất lớn và để lại những dấu ấn tốt đẹp. Đó không phải chỉ là một sinh hoạt thơ với qui mô lớn nhằm ôn lại những giá trị truyền thống lịch sử, mà còn là một cách để đưa thơ ca đến gần hơn với công chúng.
3. Đánh giá sự phát triển của thơ ca Thái Nguyên trong một khoảng thời gian nhất định phải kể đến sự định hình những phong cách, cá tính thơ. Trong năm năm vừa qua, thơ Thái Nguyên có vẻ đã hội tụ đủ yếu tố đó. Ngoài những tên tuổi đã thành danh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Võ Sa Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh, Thế Chính, Cao Hồng, Nguyễn Đức Hạnh, Lưu Thị Bạch Liễu đã khá ổn định trong lối viết, còn phải kể đến một lực lượng khá lớn những người viết say mê bứt phá và chủ động lựa chọn các ngã rẽ cho riêng mình: Hồ Triệu Sơn đau đáu thể nghiệm lối viết cách tân, phá vỡ sự mượt mà truyền thống có phần đơn điệu để hướng tới một sự mạnh mẽ, rắn rỏi, nhiều suy tư và chiêm nghiệm hơn về lẽ sống, cuộc đời; Nguyễn Hữu Bài đã qua tuổi thất thập vẫn trẻ trung tráng kiện, duyên dáng và đằm thắm hơn với những vần thơ đăm đắm về phương trời hoài niệm; Hiền Mặc Chất thênh thênh dắt thơ đi tới cõi thiền, để nhạc chắp cánh cho thơ phiêu du giữa bồng lai nhân thế; Minh Thắng bộn bề với trái tim đa cảm, đa mang kiếp con người… Bên cạnh đó là những Nguyễn Ngọc Minh, Đàm Thế Du, Lê Hùng, Phan Thức, Trần Cầu, Minh Trọng, Xuân Nùng, Đình Hưng, Nguyễn Hồng Quang, Hồng Phượng, Dương Văn Oanh, Mai Thắng, Minh Trọng, Nguyễn Việt Bắc, Nguyễn Thị Sáu…, mỗi người một duyên thơ, cần mẫn và thầm lặng đóng góp vào những thành công chung của thơ Thái Nguyên hôm nay.
Nhưng có lẽ, để lại dấu ấn nhiều nhất trong vòng dăm ba năm gần đây phải kể đến những giọng thơ riêng của các cây bút trẻ. Đó là Phạm Văn Vũ với thứ thơ như lời trần tình thủ thỉ, dẫn dụ người đọc đến với ngôi đền thơ ca huyền bí và mộng mị, nhưng không phải để ngưỡng vọng thành kính mà để nói chuyện con người, để thanh lọc những ám khí tâm hồn và hồi sinh những mầm thánh thiện. Đó là Nguyễn Nhật Huy chờn vờn trong ám ảnh vô thức, vật vã trả món nợ tiền kiếp với thơ. Đó là Doãn Long lạc giữa sắc chàm cổ tích, làm cuộc dấn thân vào những tâm tình chân mộc của hương rừng men núi, để ấp úng thơ trang trải lòng mình. Đó là Trần Thị Nhung với thứ thơ tinh khôi run rẩy của cảm xúc, của những nỗi niềm trong veo thủy tinh. Đó là Hoàng Thị Hiền lịch lãm và từng trải, viết thơ như một cách thức phản biện tâm hồn… Tất cả họ đã hội tụ tại sân thơ Thái Nguyên như một duyên nợ tình cờ. Nhưng tôi biết, họ còn đang mải miết viễn du về một chân trời thơ nơi nào xa lắm. Thái Nguyên chỉ là một sân bay để họ tự cất mình.
Giải thưởng lớn nhất của thơ Thái Nguyên trong những năm qua chính là sự định vị niềm tin yêu mến mộ của độc giả, của những người yêu thơ Thái Nguyên, sự trân trọng của những người viết thơ từ khắp mọi miền, giao kết và chia sẻ với các tác giả Thái Nguyên, để những người làm thơ Thái Nguyên hôm nay, biết nhìn rộng hơn, xa hơn trên đường thơ dẫu có thênh thang nhưng cũng rất cần những nỗ lực để nhận ra mình và vượt qua chính mình. Nhận ra mình cũng chính là dấu ấn của sự trưởng thành, không phải chỉ với người làm thơ mà với tất cả những ai đang coi sự viết của mình như một duyên nghiệp.
Nguyễn Kiến Thọ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...