Chị Linda
Truyện ngắn. Macario D. Tiu (Philippines)
Hồi đó tôi chỉ có 3 tuổi nhưng tôi nhớ rất rõ đám cưới của anh Peter và chị Linda. Tôi nhớ nhất là được đùa giỡn trên chăn gối tinh tươm của chiếc giường dành cho cặp đôi tân lang và tân giai nhân. Tôi sau đó mới biết là như vậy sẽ giúp cho họ mau có con trai đầu lòng. Tôi được chọn để đùa giỡn vì tôi khỏe mạnh và mập mạp.
Tôi cũng còn nhớ là tôi đã bị bệnh nặng sau khi uống quá nhiều nước ngọt trong đám cưới. Tôi ọc ra mọi thứ tôi đã ăn, làm bẩn mất chiếc áo cưới may bằng vải satin của chị Linda. Cả cộng đồng người Hoa đã đến dự tiệc cưới. Thức ăn thừa thãi, do đó, bọn trẻ người Bisayan ở vùng phụ cận được cho phép vào trong vườn nằm gần nhà bếp ăn uống. Trong năm kết hôn đầu tiên, chị Linda thường dẫn tôi về nhà chị chơi. Chị và anh Peter đón tôi bằng xe hơi tại trường mẫu giáo của tôi ở Bajada. Chị nói với mẹ tôi là có tôi, chị bớt cô đơn, do dòng họ và bạn bè của chị đều sống ở Cebu - thành phố quê hương của chị. Thi thoảng, tôi ngủ với chị.
Tôi thích đến nhà chị vì được chị nuông chiều. Chị cho tôi trái cây tươi cũng như trái cây khô Trung Quốc. Anh Peter cũng rất vui tính. Anh làm con lợn cõng tôi đi. Anh rất khỏe, không phàn nàn là tôi nặng cân.
Chị Linda âu yếm gọi tôi là Tua Poya. Tôi gọi chị là Achi còn anh Peter là Ahiya. Họ là cặp đôi hạnh phúc. Tôi thấy họ đùa giỡn, chạy quanh nhà. Tiếng cười vang khắp nhà chị. Đó là hình ảnh hạnh phúc của chị Linda và anh Peter trong tôi.
Khi tôi 6 tuổi, tôi nhận thấy có gì đó bất ổn trong cuộc hôn nhân của họ. Chị Linda rời ngôi nhà ở Bajada và đến sống ở tầng trên của tòa nhà có cửa hiệu mang tên là Nanking Store, ở Santa Ana, đối diện với tiệm tạp hóa của ba chị. Ngôi nhà ở Bajada là quà cưới cha mẹ anh Peter tặng cho hai người. Thật lạ là chị Linda đến sống ở Santa Ana, trong khi anh Peter vẫn còn ở Bajada, cách nhau chừng 3km.
Ở Santa Ana, người Trung Quốc mở cửa hàng dày đặc. Tòa nhà có hai tầng. Tầng một là cửa hiệu, tầng hai là nơi ở. Theo thời gian, người Trung Quốc làm ăn khấm khá và chuyển ra lập các khu ngụ cư ở nhiều nơi trong thành phố. Chúng tôi thì vẫn còn ở lại Santa Ana.
Một buổi chiều, sau khi đi học về, tôi thấy chị Linda nói chuyện với mẹ tôi, “Hà, Tua Poya em lớn nhanh quá!”, chị cười và vuốt tóc tôi. Vào tuổi tôi lúc đó, tôi thấy mắc cỡ khi được khen và tôi sà vào lòng mẹ tôi. Chị Linda cho tôi trái me. Tôi ngồi vào bàn ăn me, vờ như không nghe câu chuyện của chị và mẹ. Tôi thấy mắt chị buồn, không như thường thấy, mắt chị rất sáng và vui tươi. Giờ mắt chị buồn, ngay khi chị đang nói về niềm hạnh phúc.
“Ở Bajada, chị thấy mệt mỏi”, chị Linda nói. “Chị nghĩ chị có thể giúp được việc cho anh Peter ở cửa hiệu”.
Đó là lời giải thích tại sao chị chuyển đến Santa Ana. Tôi muốn biết là sao chị không đến đó vào buổi sáng và trở về Bajada vào buổi tối, như anh Peter. Tôi mong mẹ hỏi thế nhưng mẹ không hỏi.
Tuy nhiên, tôi biết được lý do. Một đêm nọ, mẹ kêu tôi đi tìm ba về ăn tối. Chúng tôi ăn tối sớm. Như những người Trung Quốc khác, chúng tôi đóng cửa hiệu vào lúc 5 giờ chiều và lên lầu hai ăn tối.
Cửa hiệu New Canton Barbershop của chúng tôi là trung tâm giải trí của khu vực. Vào ban đêm, đèn được bật sáng, cửa hiệu thành nơi tụ tập. Mọi người đến đó chơi cờ tướng, đọc báo và trò chuyện. Đó là nơi bình dân. Ba và những người đàn ông có tuổi mặc quần áo ngắn khi đi đến đó.
Ba đang chơi cờ khi tôi đến. Ông ngồi và bỏ một chân trên ghế. “Mẹ nói ba về ăn cơm”, tôi nói.
Ba nhìn tôi và tôi biết là ông đã uống bia. Ông nhìn lơ đễnh.
“Ba ăn rồi. Đi về đi. Nói với má mày là ba sẽ về ngay”, ông nói.
Tôi đứng lại nhìn ba chơi cờ, dù tôi không biết tí gì về nó.
“Ba nói là con về đi”, ba tôi xác quyết.
Tôi vẫn không động đậy.
“Bọn trẻ con bây giờ là vậy. Anh nói nó làm nhưng chúng chẳng nghe lời”, ba phàn nàn với người đang đánh cờ với mình. Ông quay sang tôi và nói, “Con về đi!”
“Chiếu tướng”, người đánh cờ với ông nói.
“Không được”, ba nói: “Tôi vừa quay mặt, anh đã lừa tôi”.
Người chơi cờ với ba cười to, để lộ hàm răng chỉ còn lợi.
Ba nhìn bàn cờ ngẫm nghĩ. “Không được! Anh đánh bại tôi bốn lần liên tiếp”.
“Bảy lần, không phải bốn lần”.
“Gì hả? Anh là tay đại bịp, anh biết đó. Hình như là năm lần, không hơn”
Ông đối thủ của ba lại cười to. Ở bàn bên cạnh, người ta cũng cười. Ba xếp lại cờ để đánh tiếp một ván nữa.
“Anh đánh tôi bại trong cờ tướng nhưng tôi có sáu đứa con, tất cả là trai. Anh đánh bại được chúng không?”, ba thách thức.
Ba cười to. Khi ông đã uống một chai, ông nói rất nhiều.
“Anh thấy gì đây không?”, ông ôm eo tôi và kéo tôi vào cạnh ông. “Đây là đứa nhỏ nhất. Anh đánh bại nó được không?”.
Những người đàn ông ở đó cười vang. Tôi không biết họ cười gì, tôi chỉ biết là có thể do tôi và ba tôi không giống nhau. Tôi rất mập còn ông thì rất gầy.
“Ừ, tôi thì có bảy đứa!”, người đàn ông không răng nói. “Trong đó có bốn đứa gái!”, ba nói.
“Không bằng ông Ah Kong!”, ai đó nói.
Tiếng cười im bặt. Ông Ah Kong ở cách chỗ những người đang đánh cờ vài dãy nhà. Ông có mười đứa con, tất cả là gái. Vợ ông đang có thai.
Mọi người cùng cười, sau đó, tiếng cười lặng dần và im bặt. Điều này thật kỳ lạ. Ba thấy anh Peter đang đi ở góc phố và ông bỗng ngừng cười. Người đàn ông không răng quay qua và thấy anh Peter nên cũng im bặt. Do ai cũng thấy anh Peter lặng thinh khi anh đi tới cửa hiệu nên tất cả đều im ắng.
Anh Peter phá tan sự im lặng khi anh lên tiếng chào ba tôi. Anh cũng chào vài người và nhóm người sôi động trở lại. Có tiếng đánh cờ, tiếng sột soạt của những tờ báo và mọi người lại nói chuyện.
“Ô, Tua Poya, em lớn nhanh quá đó!”, anh nói, tay vuốt tóc tôi.
Tôi cười bẽn lẽn. Anh nói gì đó với ba tôi sau đó lại vuốt tóc tôi rồi đi. Tôi ngạc nhiên là anh không phải như tôi biết, đó là sôi nổi và nhanh nhẹn. Anh Peter giờ trông mệt mỏi, hai vai cụp xuống.
Tôi nhìn theo anh. Xe hơi anh đậu ở cuối đường, trước cửa hiệu Nanking Store. Nhưng anh không lên xe mà đi vào cửa tiệm. Đó là một trong những đêm anh ngủ lại ở tiệm.
“Một anh chàng giống xấu!”, người đàn ông không răng nói. “Anh Ah Kong không có xương nhưng anh Peter này còn tệ hơn. Thật tội nghiệp. Đã 4 năm rồi mà không có con, dù là một đứa con gái”.
“Do vợ nó đó”, một người đàn ông ở bàn bên cạnh nói. “Tôi nghe nói tụi nó đã đi chữa khắp nơi. Thậm chí vợ nó còn nhờ một bà lang mát - xa”.
“Buồn quá! Đó là chuyện rất buồn”, người đàn ông không răng nói “Cha mẹ nó muốn nó bỏ vợ nhưng nó thương vợ”.
Khi tôi và ba tôi về nhà, tôi vào phòng anh cả của tôi.
“Sao người ta nói ông Ah Kong không có xương?”, tôi hỏi anh tôi. “Em nghe ở đâu đó?”, anh tôi hỏi. “Ở cửa hiệu cắt tóc”.
“Đừng nghe chuyện người lớn”, ảnh nói. “Như vậy là xấu”. “Dạ, nhưng người ta nói vậy nghĩa là gì?”. “Nghĩa là ông Ah Kong không thể sinh con”.
“Còn nói một người giống xấu nghĩa là sao?”.
Anh tôi bảo tôi đi ngủ nhưng tôi vẫn khăng khăng hỏi. “Nghĩa là ông ấy không thể sinh con. Mày biết hạt giống không? Nó không nảy mầm. Sao mày hỏi miết vậy?”, ảnh nói. “Người ta nói giống anh Peter xấu”.
“Ừ, đó là bởi ảnh không thể sinh con. Nhưng đó không phải là lỗi của anh Peter. Đó là lỗi của chị Linda. Khi còn độc thân, chị phẫu thuật cắt ruột thừa. Điều đó ảnh hưởng đến việc sinh con”.
Không hiểu sao, tôi thấy tôi có trách nhiệm trong việc họ không thể có con. Tôi lo lắng. Tôi hy vọng là không có ai nhớ tới việc tôi chạy nhảy trên giường tân hôn của họ. Tôi đã thất bại trong việc giúp cho họ có con trai. Tôi thất bại trong việc giúp họ có con gái. Nhưng không ai đổ lỗi cho tôi. Ai cũng nói đó là do chị Linda.
Đó là lí do tại sao chị Linda bỏ tới Santa Ana.
Nhưng vấn đề là phức tạp hơn thế. Anh cả tôi giải thích mọi sự cho tôi biết một cách kiên nhẫn. Ba anh Peter là người duy nhất trong dòng họ Zhin còn sống sót. Ông ấy có 1 anh trai nhưng ông này mất sớm. Dòng họ do đó, bị lâm nguy trong việc duy trì nòi giống. Dòng họ không còn được duy trì là đau khổ lớn đối với một gia đình người Trung Quốc. Ai sẽ thờ cúng tổ tiên? Đó là điều không thể tưởng tượng được. Anh Peter là người duy nhất có thể giúp duy trì nòi giống nhưng tới giờ ảnh vẫn không có con.
Nhưng trong khi nhiều người đồng ý đó là do lỗi của chị Linda, thì cũng có người nghi ngờ khả năng có thể có con của anh Peter. Đó là chủ đề đầu tiên ở tiệm hớt tóc. Anh Peter biết là người ta đang đàm tiếu sau lưng anh. Từng là một người chan hòa, giờ anh thu mình lại, sống co cụm.
Nhưng anh đã dành hết sức lực cho cửa hiệu Nanking Store. Cha anh đã về hưu và giao lại cho anh toàn bộ quyền hành ở đó. Dưới sự quản lý của anh, cửa tiệm Nanking Store phát triển, ăn đứt hai cửa hiệu sát vách. Người ta đồn là anh đã mua một số lượng lớn cổ phiếu và đang đầu tư vào việc sản xuất và khai mỏ.
Có lần tôi gặp anh ngoài phố và cúi chào anh nhưng anh không chào lại. Anh không còn vuốt tóc tôi. Anh đã trở thành một người đàn ông khác lạ. Anh thường ngậm cứng họng. Anh như đang giận dữ điều gì đó.
Theo thời gian, chị Linda cũng thay đổi. Lúc đầu, chị và anh Peter có quyền ngang nhau ở cửa hiệu Nanking Store. Chị có bàn riêng và thi thoảng làm thủ quỹ. Sau đó, chị trực tiếp bán hàng, như một nhân viên.
Sau đó, chị sa thải cô giúp việc nhà. Người ta đồn lý do của việc này tới tận tai cha mẹ anh Peter.
Chị sống chan hòa với ba nữ nhân viên bán hàng và một tài xế trẻ. Những người này ở tại tiệm, tự nấu ăn và giặt giũ.
Cộng đồng có vẻ bênh vực chị vì cha mẹ chồng chị tỏ ra thù nghịch công khai với chị. Mẹ chồng chị nói với mọi người là bà ta không thích chị. Bà ta mắng chị Linda một cách công khai, “Đồ đàn bà vô dụng, vô sinh”, bà ta nói. Chị Linda trở thành người mất hồn. Có lần chị mời mẹ chồng trà và làm rớt ly. Điều này làm cho bà mẹ chồng có lý do để tát vào mặt chị trước mắt mọi người.
Anh Peter không ủng hộ chị khi chị và mẹ anh có xung đột. Tôi nghĩ anh còn yêu chị nhưng lại chiều theo mong muốn của bà mẹ. Tôi không biết khi nào anh thôi không còn yêu chị. Nhưng anh bắt đầu đi đến các hộp đêm và qua lại với một cô gái bar. Anh cả tôi thấy chị này và chê bai.
“Một người phụ nữ tồi”, một đêm anh trai tôi nói với tôi về cô ta. “Tất cả là hoa hòe. Anh không biết sao anh Peter lại thích cô ta”.
Anh Peter hình như không muốn giấu giếm tình yêu của mình. Anh thường đưa cô ta đến các nhà hàng đắt tiền ở Manina. Manina khá xa Santa Ana nhưng lớp trẻ giàu có và năng động không còn thích Santa Ana nữa. Nhiều người thấy anh Peter và cô ta ở đó. Đúng như tin đồn, anh Peter không đến cửa hiệu Nanking Store nữa. Tôi không còn thấy xe anh đậu ở đó ban đêm.
Một ngày kia, anh Peter đưa anh trai tôi đến một căn hộ ở Mandug và tự hào khoe với anh một cậu bé. Giờ người ta biết được bí mật là anh bao một người phụ nữ ở đó. Anh thường lui tới thăm cô ta. Trước đó, anh tôi nói với tôi bí mật này sau khi anh muốn tôi thề không tiết lộ với ai, như anh Peter đã bắt anh trai tôi thề trước khi tiết lộ bí mật của ảnh cho anh ấy.
“Vâng! Vấn đề giờ đã rõ. Anh Peter không vô sinh. Lỗi tất cả là do chị Linda”, anh tôi nói.
Anh Peter cho nhiều người biết là anh có con nhỏ và mong họ giữ bí mật. Rất nhanh sau đó, cả cộng đồng đều biết là anh có con trai. Mọi người thì thào với nhau về điều này. Đứa con do một cô gái người Bisayan sinh ra? Và là một người phụ nữ xấu xa?, nhưng không ai còn nói là anh vô sinh.
Ai cũng vui cùng anh Peter. Uy tín của anh được lấy lại. Anh tắm mình trong tư thế mới. Giờ anh lại là chính mình. Anh đi vươn vai, nhìn thẳng vào mắt người khác. Anh lại vui chan hòa ở cửa hiệu cắt tóc New Canton. Mỗi khi gặp nhau, anh lại vuốt tóc tôi.
Cha mẹ anh cư xử như không biết chuyện gì. Có thể họ đã biết vụ việc nhưng vờ như không biết. Họ khó xử. Một mặt, họ vui mừng vì Peter đã có con. Mặt khác, họ không thích đứa cháu chỉ có một nửa dòng máu Trung Hoa. Họ chắc chắn là vẫn độc ác với chị Linda.
Thời gian trôi qua, không ai còn bàn tán về chị Linda và anh Peter. Mọi người đồng ý với số phận của chị. Việc mẹ chồng chị mắng chị ở nơi công cộng đã thành điều bình thường. Chị sống bình yên với các em là nhân viên bán hàng và anh lái xe. Chị không còn về thăm mẹ chị nữa. Chị hiếm khi đi ra ngoài. Nếu đi, chị quàng khăn kín đầu, như thể chị có điều gì đó xấu hổ. Có lần tôi gặp chị trên đường, tôi thấy đôi mắt chị hoảng hốt, miệng trệu trạo và chị kéo khăn che kín mặt, vội vàng bước đi.
Anh trai tôi nói trường hợp vô sinh như chị Linda là hiếm. Chị có học, gia đình tuy không giàu có nhưng không nghèo. Vì sao chị phải chịu đựng cách người ta đối xử với chị như thế là điều khó hiểu. Trước đó, chị không phải là cô gái quá dễ bảo. Có lần tôi chứng kiến chị phản kháng. Mẹ chồng chị bảo chị tháo bức tranh treo ở phòng khách xuống, vì theo bà ta, nó xấu. Chị lịch thiệp phản đối, nói là nó đẹp. Nhưng bà mẹ chồng không chịu thua. Bà buộc anh Peter tháo xuống và ảnh nghe lời.
Khi người phụ nữ Bisayan sinh cho anh Peter đứa con thứ hai, trong cộng đồng không còn lời ong tiếng ve nữa. Nhưng có một chuyện nhỏ xảy ra. Khi cửa hiệu New Canton sắp đóng cửa và chỉ còn vài người, anh Peter gùi con trai lớn vào. Anh trai tôi lúc đó có ở đó. Những người còn lại trong tiệm vờ như không biết đến đứa bé.
Anh Peter mất trong một vụ tai nại giao thông ở đường Buhangim Divertion. Anh cua xe và bị một chiếc xe tải tông vào và anh chết tại chỗ. Tôi khóc khi nghe tin đó, nhớ tới những điều tốt đẹp anh đã dành cho tôi.
Khi canh thức anh Peter, chị Linda ngồi sau mẹ chồng hai hàng. Bà này hoàn toàn không quan tâm đến chị. Người đến viếng đi qua chị và nói nhanh lời chia buồn, như thể họ sợ bà mẹ chồng biết. Chị đau đớn trong suốt đám tang. Khi hạ huyệt, chị ngất đi.
Vài tuần sau khi anh Peter mất, mẹ chồng chị Linda muốn chị rời khỏi cửa hiệu Nanking Store. Bà ta muốn cho chị một số tiền lớn để chị đi. Ai cũng biết đó là độc ác nhưng không ai giúp gì. Họ cho đó là việc của gia đình chị. Tuy nhiên, hai tháng sau, chị Linda vẫn không đi. Trên thực tế, chị đang tiếp quản cửa hiệu.
Tôi vui khi thấy chị sống hứng khởi. Điều mỉa mai là chị được sống như thế chỉ sau khi chồng chị mất. Tuy nhiên, cùng lúc đó, chúng tôi thấy sợ cho chị. Sự thù nghịch của mẹ chồng chị đối với chị vẫn không thay đổi. Bà ta đổ lỗi cho chị trong mọi sự. Bà ta cay cú về sự vụ. Bà không bao giờ tha thứ cho chị vì theo bà, chị đã làm cho anh Peter trở thành trò cười trong cộng đồng và buộc anh phải đi lại với một cô gái người Bisayan rồi có hai đứa con mỗi đứa chỉ có một nửa dòng máu Trung Hoa.
Chúng tôi hồi hộp chờ kết quả của vụ tranh chấp. Sau nhiều đàm phán, chị Linda vẫn giữ nguyên quyết định. Một sáng nọ, mẹ chồng chị lái xe sang tới cửa hiệu. Chúng tôi biết được chuyện gì xảy ra. Nhờ vào lời kể của các cô gái là nhân viên bán hàng. Cũng nhờ họ, cả cộng đồng biết được chi tiết của vấn đề.
Họ kể, chị Linda lên lầu để tránh bà mẹ chồng nhưng có một người đàn bà già luôn theo sau và chửi mắng, kêu tên chị Linda. Chị Linda luôn giữ bình tĩnh. Chị không trả đũa ngay khi bà mẹ chồng vả chị. Nhưng khi bà ta nắm tóc chị, muốn kéo chị đi thì chị đá vào xương ống chân của bà ấy. Một số người bảo thủ không chấp nhận hành động của chị nhưng một số khác thì vui mừng. Người ta buồn vì bà mẹ chồng, tuy là một người đàn bà tốt nhưng đã trở nên độc ác khi muốn bảo vệ hạnh phúc, danh dự gia đình cho con cái.
Khi sự việc đã có màu sắc bạo lực, sự vạm vỡ cũng lên tới tuyệt đỉnh. Cả cộng đồng bàn tán về vụ việc. Người ta theo dõi, bàn tán về nó, như theo dõi một vở kịch nhiều kỳ trên tivi. Khi cha mẹ chồng thuê luật sư, chị Linda cũng thuê luật sư. Vụ tranh chấp đã trở nên xấu xa không chỉ vì tài sản.
Cùng lúc đó, chị Linda thay đổi, làm cả cộng đồng ngạc nhiên. Chị tháo khăn quàng cổ, muốn cả cộng đồng nhìn thấy mình. Tôi vui mừng vì thấy chị đã trở lại là chị trong mắt cộng đồng. Thật vậy, tôi giờ thấy chị vẫn xinh đẹp. Chị có đôi môi không tô son chúm chím; đôi mắt sáng rực và hai má hồng, da dẻ mịn màng. Quý bà và qúy cô nói chị như đang nở hoa và có khả năng giữ được cửa hiệu Nanking Store. Thanh niên đứng dậy khi thấy chị đi qua. Nhưng có người lắc đầu và nói “Thật tội nghiệp, chị vô sinh”.
Sau đó, dù không tuyên bố, ba má chồng chị mang hai đứa cháu đi Manila. Người ta nói họ làm như thế vì khinh khi chị Linda. Người phụ nữ mẹ hai đứa cháu được cho một khoản tiền lớn nên không làm phiền gì cha mẹ chồng chị.
Đó là những điều chúng tôi nghĩ. Sau nhiều tháng, vụ kiện tranh chấp Nanking Store được chuyển qua tòa án và được giải quyết một cách trơn tru. Người ta quan tâm đến việc khác. Điều cộng đồng vô cùng ngạc nhiên, đó là chị Linda có thai.
Như nhiều người nghĩ, đầu tiên tôi cho là chị Linda béo ra chứ không phải có thai. Nhưng rõ ràng, cơ thể chị ngày càng to ra. Người ta có các phản ứng khác nhau. Khi chị không có con, chị xấu hổ. Giờ chị có thai, chị cũng đau khổ. Người ta nói và nghĩ gì về chị, chị không quan tâm. Chị mặc chiếc quần thun có dây lưng quần bao quanh cái bụng to và đi khắp Santa Ana. Chị dừng lại ở khắp các cửa hiệu, nói chuyện với các chủ hiệu, như thể cho biết là “Tôi có thai”.
Người ta nghi ngờ tác giả của bào thai là anh tài xế. Trước đây không ai quan tâm đến anh nhưng giờ ai cũng soi mói nhìn anh. Anh gần bằng tuổi anh Peter. Vâng! Anh là chàng trai có thể tin cậy được và đẹp trai. Người ta miễn cưỡng thú nhận như thế.
“Hư hỏng, hư hỏng”, đàn ông trẻ trêu ghẹo anh, một số quay lưng, không làm bạn với anh nữa. Không chịu nổi điều tiếng, anh tài xế bỏ về Iligan thăm ba má anh ta.
Một đêm nọ, tôi về nhà và thấy chị Linda đang nói chuyện với mẹ tôi.
“Hà, Tua Poya, em nay cao lớn quá đó nhen”, chị chào tôi. “Ăn cam nè. Chị biết em thích cam”.
Tôi nói cảm ơn. Chị quý mến trẻ con quá!
“Năm nay em bao nhiêu tuổi?”
“Dạ 12”, tôi đáp.
“Hừm, em sẽ thành thanh niên trong nay mai. Chị có nên gọi em là Napoleon không nhỉ? Vâng, Napoleon! Chị đến để chia tay mẹ em và em”.
Chị mỉm cười. Đó vẫn là nụ cười như tôi thấy khi còn rất bé, là nụ cười của tuổi thơ tôi.
“Sáng mai chị sẽ đến Iligan để đón Oliver. Sau đó, tụi chị sẽ đi Cebu để thăm ba mẹ chị. Em muốn đi với bọn chị không?”.
Tôi nhìn mẹ tôi. Mắt bà ngấn nước. Chị Linda cúi xuống vuốt tóc tôi.
“Nay cao quá đó”, chị nói.
Đó là chuyện của 12 năm trước. Từ đó, chúng tôi không nghe được tin tức gì về chị Linda. Cửa hiệu Nanking Store đóng cửa. Các tấm biển quảng cáo cho cửa tiệm đã ngả sang màu xanh nhạt, như bánh đám cưới. Anh tôi nói, chị Linda ra đi là tốt cho chị.
Về phần mình, tôi cũng thấy hạnh phúc nhưng luôn băn khoăn không biết chị có sinh được con trai không?
Dịch giả: Trần Ngọc Hồ Trường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...