Đường làng
Ảnh: Tác giả
Làng của tôi xưa được gọi là làng Dáng, sau này là xóm Túc Tiến xã Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên. Giờ tôi vẫn quen nói nhà mình ở khu dân cư Túc Tiến, thậm chí không nhớ tổ dân phố số bao nhiêu nữa. Đó là một làng ven sông Cầu, từng khó nghèo như bao làng quê đất Việt.
Có một con đường đưa chúng tôi từ làng ra phố. Con đường đến giờ vẫn rất nhỏ, như một đường viền tiếp giáp cánh đồng mênh mông. Bám theo đường là con mương thuỷ lợi, cũng chạy từ phố về, là nguồn nước mát lành cho biết bao mùa màng của làng tôi. Thủa tôi còn nhỏ, chừng học lớp ba lớp bốn thì nó chỉ là một con mương đất. Trừ những dịp trời mưa to hoặc bơm nước về cánh đồng, hầu hết con mương như một giao thông hào, cũng lại như dấu tích một dòng sông cổ. Bọn trẻ con làng tôi đi bộ đến trường thường đi dưới lòng mương. Con mương ấy là cả một thế giới thần tiên với chúng tôi. Thôi thì những hang ếch nhái, hang cua, hang dế, thậm chí cả hang rắn nữa. Mỗi đứa đều xí phần một chỗ trên vách, chiếm lấy một cái hang làm của riêng mình, đào đào bới bới để cất giấu “tài sản”. “Vật báu” của trẻ nông thôn là củ khoai lang mọc mầm mót được ở bãi nhà ai còn sót lại, vài cái lá dứa, khúc thân cây mía voi, đoạn dây sắn dây hoặc vài quả mít non vặt trộm vườn hàng xóm, cũng là quà vặt của thời ấy!
Đường từ làng đến trường gần một cây số, thật xa so với bước chân tuổi bé con, khiến bọn chúng tôi luôn mệt nhoài. Mệt không phải vì đường xa mà mệt vì đùa nghịch. Không đi trên đường làng, chúng tôi tung tăng dưới lòng mương cạn khô, vừa đi vừa vồ cào cào châu chấu đang đậu trên những búi cỏ, hoặc rón rén chụp đuôi những con chuồn chuồn đủ màu sắc đang lim dim ngủ trên một cành cây. Những con vật tội nghiệp đó sẽ bị vặt cánh, xiên vào cọng cỏ may thành một xâu dài, là mồi câu cá rô cá cờ hoặc ném cho đàn gà béo núc. Thích nhất là thời gian đầu mùa hè, cây chua me đất mọc lên xanh rì cả hai bên vách mương. Cây chua me rất đẹp, bây giờ tôi thấy nhiều nhà hàng trồng làm chậu cảnh trang trí. Lá me đất như những bông hoa xanh. Hoa càng đẹp với màu tím hồng từng thảm rộng. Chúng tôi vặt lá me đất nhấm cho đỡ khát, bọn con gái vặt hoa làm hoa cô dâu. Củ me chua to cỡ ngón tay út, trắng muốt và ngọt mát vô cùng. Chúng tôi ra sức nhổ me đất, củ thì bỏ tọt vào miệng còn thân lá thì nhét đầy cặp sách. Chiều nào bọn trẻ con chúng tôi cũng phải cắp rổ ra đồng để kiếm rau dại về nấu cám lợn, cây chua me đất nấu lên thơm nồng như một món canh chua cảm giác ngon đến nỗi tôi cũng muốn thử một miếng.
Trên dòng sông cạn của thời ấu thơ, tôi đã say đắm một loài hoa ngay từ lần đầu thấy nó. Bây giờ, mỗi lần về làng, hễ cứ đi qua đoạn đường đó, tôi vẫn cứ dõi tìm hình bóng của nó dù biết là vô vọng. Tôi không biết tên hoa, chính xác nó chỉ là một loài cỏ dại nhỏ xíu mọc trên bờ cỏ, nhưng thật khác biệt bởi cành lá mảnh dẻ và thanh thoát như một nghệ sĩ múa đứng cạnh những người nông dân chân chất, cục mịch, giữa khóm lá run rẩy nhô lên mấy cọng hoa, từng bông đơn độc, hình dáng như lan hài, tím biếc, bông hoa không lớn hơn hạt thóc, miên man một mùi hương ngọt và mát. Tôi thường canh hoa nở, hái đôi ba bông giấu trong quyển vở.
Không lâu sau, con mương được xây bằng gạch và vôi vữa. Loài hoa không tên mà tôi yêu thích cũng đã biến mất. Nhưng có lẽ bắt đầu từ đó, vẻ đẹp của đất làng đã mặc định trong tâm hồn tôi.
Trở lại với con đường làng. Con đường nối từ bến sông nơi có cửa con ngòi, xuyên qua cánh đồng rồi men theo rìa làng, dẫn lên khu dân cư Dân Tiến để từ đó là “ra tỉnh”.
Cuối đường là sông, còn đầu đường không hiểu sao được người làng gọi là đường đỏ. Đó là một quãng vắng đến lạnh người, hai bên đường là những ruộng lúa, bãi rau. chỉ có tiếng ếch nhái ì uôm và tiếng con chẫu chuộc kêu lên choe chóe khi bị rắn nuốt. Qua đường đỏ là đến đầu xóm. Đoạn đường hẹp lại bởi những gốc gạo cổ thụ và hàng tre nhà ông Mộc. Trong những búi tre um tùm, lắm hôm chúng tôi đi học qua còn nhìn thấy những còn rắn đang vắt vẻo đánh võng trên cành tre, bọn con trai bạo tay còn kéo những bộ da rắn cạp nong, cạp nia mới lột, quàng vào cổ làm cái khăn sọc vừa gớm vừa ngộ.
Dọc con đường từ làng tôi ra tỉnh, tức là đến chợ Thái, có đến cả chục cái ao lớn. Gần nhà tôi có ao đình, hễ mưa to là nước dâng lên ngập sâu cả đoạn đường. Làng tôi có nghề trồng rau xanh, bé tí tẹo, tôi hay được theo bà đi chợ bán rau. Bà tôi gánh gánh rau nặng vẫn phải đi chậm để đợi cháu, trong khi tôi phải chạy gằn mới đuổi kịp bà. Thường để cho đỡ nặng, người làng tôi gánh rau lên ao chùa, cái ao to lắm ở cổng chùa Đồng Mỗ, bây giờ lấp đi, mọc lên hơn chục ngôi nhà. Bà tôi dừng gánh, rửa từng mớ rau cho sạch rồi lấy một chai nước đầy để thỉnh thoảng vẩy vào rau cho khỏi héo. Cái ao đấy ấn tượng nhất trong ký ức tôi, là mặt ao luôn kín rau bắp cải vào mùa đông. Người ta chặt bắp cải về từ cánh đồng, thả xuống ao ngâm, không phải để cho tươi mà để cho ngậm đầy nước, rau nặng đến gấp rưỡi, gấp đôi bán được thêm tiền.
Chợ Thái cách ao chùa không xa, đi qua nhà bà Thái Lan, khi ấy gọi là cổng ô rồi qua bách hoá tổng hợp là tới chợ. Không hiểu sao tôi rất nhớ mẹ con bà Thái Lan dù chẳng bao giờ trò chuyện hay liên quan gì đến họ. “Bà Thái Lan mẹ” khoảng hơn sáu mươi tuổi, trông rất hiền lành phúc hậu, không bao giờ thấy bà cười hay nói, khuôn mặt luôn buồn man mác. “Bà Thái Lan con” khoảng hơn ba nươi, hồi ấy người lớn thường để tóc dài, riêng “bà Thái Lan con” cắt ngắn đến mang tai, trông như cái bát úp lên đầu. Khu giao tế, Cổng ô, Nhà bà Thái Lan, Kho gạo Quang Trung, Bách hóa,… là những tọa độ của con đường.
Tôi không nhớ nhiều về chợ Thái ngày ấy, hình ảnh sâu sắc nhất đọng lại là ngay cổng chợ có một cây xà cừ rất to mà các bà đi chợ đều muốn đặt gánh dưới gốc của nó cho đỡ nắng. Và vào những ngày mưa, chợ đúng là một bãi phù sa cạn lầy lội.
Tôi nhớ dãy lán chợ lụp xụp có quầy bánh cuốn mà lần đưa tôi đi khám bệnh về, mẹ đã đưa tôi vào ngồi đợi tôi ăn hai đĩa liền. Đấy là món quà chợ duy nhất mà tôi từng được ăn.
Còn một lần nữa, hôm ấy trời rất nắng nóng, bà nội đã thương tình mua cho tôi một bát tào phớ, nhưng tôi nhất định không chịu ăn cái món “mỡ bơ chan xì dầu” khủng khiếp ấy. Dỗ mãi không được, bà đành phải ăn. Đấy cũng là lần duy nhất tôi thấy bà ăn quà ở chợ.
Giờ đây, hàng ngày tôi đều đi qua chợ Thái, nhìn những gian hàng gọn gàng đẹp đẽ, vẫn cứ như thấy ở giữ chợ xưa có bếp bánh cuốn mẹ ngồi nhìn tôi ăn. Càng nhớ da diết bát tào phớ chan bằng nước đường đen ngày ấy. Có một điều hối tiếc khôn nguôi, tôi đã mua về rất nhiều món quà ở những vùng đất xa xôi nhưng bao nhiêu năm qua, chưa từng mua tặng bà một món quà ở chợ.
Lưu Thị Bạch Liễu
TP. Thái Nguyên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...