Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:47 (GMT +7)

Kỷ niệm lớp bồi dưỡng đầu tiên

1. Hôm nay, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên kỷ niệm 30 năm phát hành số đầu tiên. Cũng là kỷ niệm tròn 30 năm, tôi có sáng tác đầu tiên, 1 truyện ngắn đăng trên chuyên mục Văn học thiếu nhi trên chính số đầu tiên của tờ Văn nghệ khi ấy để khởi đầu cho việc bén duyên nghiệp viết sau này. Tôi, một cậu bé nhà quê 10 tuổi, bập bẹ viết những câu thơ đầu tiên từ năm 6 tuổi, lớp 1. Để rồi, những nhà văn, nhà thơ gạo cội của xứ Chè khi ấy: Hà Đức Toàn, Hồ Thủy Giang, Nông Phúc Tước đã phát hiện, đưa tôi lên lớp đầu tiên của trại bồi dưỡng sáng tác văn học, hội họa thiếu nhi...

 

2. Tháng 6 năm 1991 ấy, tôi, cậu bé duy nhất, út ít nhất của lớp bồi dưỡng sáng tác văn học toàn các chị, mà sau này hầu hết không theo văn chương, nhưng rất thành danh, như: nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương (Quỳnh tun của báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh đình đám), PGS. TS. Vũ Tú Anh (Bộ GD&ĐT), PGS. TS. Dương Thu Hằng (Đại học SP Thái Nguyên),...

Và thế là, tôi được chiều chuộng nhất. Vẫn nhớ chúng tôi được gửi ở khu Nhà khách Tỉnh ủy Thái Nguyên cũ, nơi có vườn roi trĩu đỏ quả, những cây ngọc lan hoa trắng và móng rồng hoa xanh thơm đến tận bây giờ. Nhưng nhớ nhất là các chị Nguyên Thảo (Hóa Thượng - Đồng Hỷ), Hoài (TX. Sông Công), Nông Thu Trang (Chợ Đồn, Bắc Cạn),... Thương thằng em đến mức mua cho từng suất xôi, quả trứng ăn sáng; chiều về lại giục tắm đi, để chị còn giặt quần áo cho.

Tôi còn giữ lại... 1 cái sẹo như trăng khuyết giữa trán, cũng là tháng 6/1991. Trại bồi dưỡng sáng tác được đưa đi dã ngoại, tham quan ở Bãi Cháy - Hạ Long. Lúc ấy, Hạ Long mới chỉ có hang Đầu Gỗ được khai thác du lịch, làm gì có Thiên Cung, Tuần Châu, Ti Tốp như bây giờ. Chúng tôi ở khách sạn Vườn Đào. Bữa sáng, ban tổ chức phát tiền để mọi người tự túc. Tôi, thằng bé 10 tuổi lơ ngơ nhất. Sáng đầu tiên, chị Vũ Tú Anh dắt tôi ra nhà hàng, gọi phở, trả tiền, nhìn tôi ăn ngon lành rồi mới dời đi. Chiều hôm ấy, trước khu nhà nghỉ, cạnh bãi tắm Bãi Cháy bây giờ, bọn con trai chúng tôi (gồm các bạn, các anh lớp vẽ) chơi đu quay máy bay. Cái đu quay ấy có mấy cái máy bay bằng sắt hàn vào khung tròn có trụ ở giữa. Tất cả ngồi lên, một thằng luân phiên chạy dưới đất đẩy cho nó quay, sau nhảy lên máy bay của mình. Tôi, bé xíu và vụng về nhất, đến lượt mình xuống đẩy, đang bon bon định nhảy lên ngồi. Ai dè, chậm chạp, yếu ớt ko nhảy kịp, cái máy bay kế tiếp lao tới... Mũi của nó nhắm giữa trán...

 

Bức ảnh Lớp bồi dưỡng sáng tác văn học, hội họa thiếu nhi đi tham quan Hạ Long mà tác giả còn giữ được.

 

Tôi ngã xuống trong sự lo lắng của mọi người. Chị y sĩ theo đoàn đang đi tắm cùng một chú đẹp trai, hớt hải chạy về cùng bộ bikini ướt nhẹp. Và tôi nằm giữa vòng tay, ánh mắt lo âu của chị Nguyên, Tú Anh, Hoài, Hằng... Cho nên, đau phết, mà vẫn sướng phết. Và cho nên, mỗi lần sờ lên cái sẹo Bao Chửng giữa trán lại nhớ quê thế, nhớ các chị ngày xưa thế, Hội VHNT Thái Nguyên thế...

3. Từ lớp bồi dưỡng văn học thiếu nhi, tôi được khai mở sự sáng tạo. Những bài thơ thiếu nhi ngày ấy thực sự gây tiếng vang, từ báo tỉnh nhà đến Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong:

"Bác Cuội mở cửa hàng trăng

đẩy xe khắp chốn bán hàng đường xa

Thần Nông bán giống lúa cà

đồ thêu xin hỏi chỗ bà Sao Kim

cần dầu, cần củi, cần diêm

đến anh Sao Hỏa không tiền thì cho

nước ăn trời chẳng có hồ

chị Sao Thủy chắc... lãi lờ nhiều đây

làm nhà ai thiếu đất xây

cụ Sao Thổ cắt cho ngay khoảng trời

còn đây đồ gỗ nhà trời

của anh Sao Mộc suốt đời đục cưa

chợ Trời kẻ bán, người mua

đã ai...thu thuế hay chờ em lên...".

(Chợ Trời -1992).

"Cũng như nhà ta vậy

Trời có một cái ao

không tin thì ngước mắt

đó, đó, thấy không nào?

Nước - nước tiên xanh thẳm

Mây - là thuyền của Trời

cứ hôm nào gió nổi

Trời chèo thuyền đi chơi

muốn rửa nước ao Trời

bạn chỉ cần ngửa mặt

giữa ngày chang chang nắng

sẽ được đầy mồ hôi"...

(Cái ao trời - 1991)

"Mây vàng và mây trắng

do có mối bất hòa

cho nên hôm nay mới

đánh nhau giáp lá cà

súng mây vàng phun lửa

súng mây trắng ầm trời

mặt cả hai sầm tối

mồ hôi ào tuôn rơi

những giọt mồ hôi ấy

là mưa đấy bạn ơi

vì không được đi học

mây giận nhau suốt đời"

(Sự tích cơn mưa - 1992)

 

4. Những bài thơ dí dỏm ấy khiến tôi được mệnh danh là Trần Đăng Khoa của Thái Nguyên, được các bạn từ nhiều tỉnh thành viết thư theo địa chỉ trên báo làm quen, kết bạn. Niềm vui ấy có được là nhờ văn hóa đọc thời đương thịnh và internet, mạng xã hội chưa ra đời. Và đặc biệt là nhờ cái nôi văn nghệ Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Bắc Thái ngày ấy (nay là Văn nghệ Thái Nguyên) đã nâng niu, vui vén. Sau này, cũng có lúc cuộc đời khiến tôi chán ngán đến muốn buông bút, nhưng cứ nghĩ đến sự nâng niu ấy; nghĩ đến mái tóc bạc phơ và giọng cười sảng khoái của bác Hà Đức Toàn; sự trầm tĩnh, chỉn chu, mực thước và mẫn cán với nghề viết của chú Hồ Thủy Giang; sự chất phác, thuần khiết của chú Nông Phúc Tước; và thương yêu, chăm sóc của các chị lớp bồi dưỡng sáng tác văn học thiếu nhi (mà hầu hết sau này chẳng ai theo văn chương), tôi lại tự nhủ: Cường, mày biết viết mà, mày đã có một thời ấu thơ như thế.

 

Truyện ngắn được đăng trên Báo Văn nghệ Bắc Thái số 1 của tác giả.

 

5. Hôm nay tờ Văn nghệ Thái Nguyên kỷ niệm 30 năm số đầu tiên. Chắc chẳng ai còn nhớ đến cái thằng bé 10 tuổi, với truyện ngắn nhỏ nhoi, đầu đời, thô sơ răng sữa trong số đầu tiên ấy. Nhưng tôi thì nhớ lắm. Nhớ và thầm mong tờ Tạp chí này sẽ mãi sống khỏe cùng tinh thần thủa đầu. Và tôi tin anh chị em làm Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên sẽ làm được điều đó. Không chỉ bởi họ nhiệt huyết, tài năng và có tâm. Cái quan trọng nhất để chắc chắn nó sẽ tồn tại và phát triển, ấy là nó được xây dựng trên một không khí văn chương sôi động (và đôi khi... quyết liệt) từ quần chúng đến chuyên nghiệp. Điều này, không phải tỉnh nào cũng có được. Tôi lớn lên, theo dõi đời sống văn nghệ xứ Chè 40 năm nay, tôi biết. Và tôi cam đoan thế!

Nguyễn Minh Cường

Trưởng ban Biên tập - Xuất bản, Phòng KHQS, Trường Đại học Chính trị - Bộ Quốc phòng.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy