30 năm tự hào và vững bước
VNTN - Cũng như đời người vậy, mỗi lần thêm tuổi mới, Văn nghệ Thái Nguyên lại bước xa hơn, trưởng thành hơn. Nhưng sau mỗi bước đi, chúng ta hãy cùng nhìn lại chặng đường đầy vất vả và rất đỗi tự hào mà mình đã vượt.
“Ôn cố tri tân”, xin đi xa hơn một chút dấu mốc 30 năm ra đời. Đó là vào ngày 20 tháng 3 năm 1988, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Thái sau khi thành lập (tháng 7 năm 1987) đã cho ra đời cuốn tạp chí “Văn nghệ” số 1, khổ 19cm x 27cm, 70 trang, in 500 cuốn tại Xí nghiệp In Bắc Thái. Dù hoạt động không chuyên nghiệp, có dáng dấp như một tập san, chỉ ra được vài số rồi dừng, nhưng có thể gọi đây là ấn phẩm lịch sử, đánh dấu sự hình thành tư duy làm báo của các cán bộ Hội, đặt nền móng cho sự ra đời báo “Văn nghệ” của tỉnh Bắc Thái 3 năm sau đó.
Sau một thời gian chuẩn bị, đến tháng 6/1991, báo “Văn nghệ” của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Thái đã chính thức xuất bản số đầu tiên. Hồ sơ thiết lập Báo Văn nghệ Bắc Thái đã cho thấy tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tờ báo: Giấy phép xuất bản số 755/BC-GPXB, ngày 2 tháng 5 năm 1991 do Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch cấp. Thông báo thành lập Tòa soạn Báo Văn nghệ Bắc Thái (số 20/TB-BT, ngày 27/5/1991) do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngô Hai ký.
Văn nghệ Bắc Thái lúc mới ra đời có 8 trang, khổ 29 x 42 (cm), xuất bản 1.000 tờ mỗi kỳ và mỗi tháng ra 1 số. Sự ra đời báo Văn nghệ Bắc Thái là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn học nghệ thuật của tỉnh, đáp ứng tâm nguyện của văn nghệ sĩ về việc giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật địa phương đến với công chúng qua kênh báo chí.
Khi ấy, Tổng Biên tập là ông Hà Đức Toàn, Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh. Nhà báo Lê Thế Thành làm Phó Tổng biên tập kiêm Trưởng ban biên tập, kiêm luôn cả Thư ký Toà soạn. Hai biên tập viên là Minh Hằng và Thanh Hằng. Họa sĩ Đặng Vương Hạnh là người trực tiếp trình bày báo. Tòa soạn chỉ có vậy. Trang thiết bị thì có một chiếc máy chữ Ôptima cũ và một chiếc xe Minxcơ cho việc phát hành. Việc thiết kế, trình bày báo cũng hết sức thủ công; chế bản và in ấn phải thực hiện ở ngoài tỉnh, khi thì Hải Phòng, khi thì Hà Nội… Thế nhưng, vượt qua những khó khăn ấy, với niềm đam mê và tâm huyết, những người làm báo Văn nghệ Bắc Thái khi đó đã cho ra đời những ấn phẩm đầu tay có chất lượng tốt, phả vào đó hơi thở của cuộc sống, đặt dưới lăng kính văn học nghệ thuật, kịp thời đáp ứng nhu cầu sáng tác, quảng bá, thưởng thức các tác phẩm văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ và độc giả trong tỉnh.
Những ngày đầu gian nan còn gắn liền với công sức đóng góp không nhỏ của một đội ngũ những cây bút chủ lực, làm nên sức sống của tờ báo trong những ngày “vạn sự khởi đầu nan” và cũng đồng hành mãi về sau: Vi Hồng, Hồ Thuỷ Giang, Ma Trường Nguyên, Khánh Kiểm, Trần Văn Loa, Ba Luận, Trần Thị Vân Trung, Vũ Châu Quán, Nông Phúc Tước, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Anh Đào, Hữu Tiệp, Trịnh Trúc Lâm... Cả cơ quan Hội “vào cuộc”, từ tạp vụ, lái xe, kế toán… đến các lãnh đạo Hội đã đóng góp công sức cho đứa con tinh thần mình, làm nên những tờ báo đầu tiên rất đáng tự hào.
Văn nghệ Bắc Thái (từ năm 1997 là Văn nghệ Thái Nguyên - sau khi tách tỉnh) đã trưởng thành dần lên. Tháng 10/2005, Báo được nâng lên 2 số một tháng, mỗi số 12 trang. Từ tháng 7/2011, Báo xuất bản 3 số một tháng. Từ tháng 10/2014, Văn nghệ Thái Nguyên đã trở thành tuần báo, đưa Thái Nguyên trở thành địa phương thứ 3 của cả nước có tuần báo văn nghệ, chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trang thông tin điện tử của báo được đưa vào hoạt động thử nghiệm từ năm 2012 và chính thức hoạt động từ tháng 6/2015 đã góp phần đưa thông tin và sáng tạo văn học nghệ thuật của người Thái Nguyên vượt khỏi ranh giới địa lý, đến với cả nước và người Việt ở nước ngoài.
Từ tháng 7/2010, Thường trực Tỉnh uỷ đã cho phép đặt báo Văn nghệ Thái Nguyên để cấp phát đến các chi bộ xóm, tổ dân phố nhằm phục vụ công tác tuyên truyền và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Đây cũng là dấu mốc rất quan trọng trên bước đường phát triển của Văn nghệ Thái Nguyên, vừa thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng cũng vừa khẳng định được chất lượng, vị thế của tờ báo.
30 năm qua (tính đến hết tháng 6/2021), Văn nghệ Thái Nguyên đã xuất bản 1.046 số báo; 12 số tạp chí; với hơn 3,5 triệu bản in, gần 5 triệu lượt người truy cập trên ấn phẩm điện tử. Với phương châm Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển, Văn nghệ Thái Nguyên đã trở thành một sân chơi sang trọng, hấp dẫn của văn nghệ sĩ và người yêu văn học nghệ thuật không chỉ riêng Thái Nguyên, mà còn vượt ra ngoài ranh giới của tỉnh và ra ngoài biên giới Quốc gia. Đây còn là một vườn ươm các tài năng văn học nghệ thuật cho tỉnh. Nhiều cây bút đã và đang trưởng thành, góp phần vào sự nghiệp văn học nghệ thuật, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.
Bước sang tuổi 30 đầy sung sức, với hành trình mới đang rộng mở, song Văn nghệ Thái Nguyên cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức lớn, đó là sự cạnh tranh khốc liệt của báo điện tử và các trang mạng xã hội. Cùng với đó là nhu cầu, đòi hỏi của độc giả ngày càng cao hơn, với những khuynh hướng thưởng thức đa dạng, mới lạ, không khuôn sáo, nhàm chán. Đạt được thành quả đã khó, nhưng giữ được thành quả ấy còn khó hơn. Làm sao để nội dung của mỗi bài viết, tác phẩm phải theo kịp hơi thở cuộc sống và không bị bật ra ngoài lề đời sống báo chí hiện đại. Trong tổng thể, cần phải thay đổi tư duy làm báo, chiến lược phát triển và đặc biệt là xây dựng đội ngũ làm báo chuyên nghiệp hơn nữa, nhiệt tình, đủ năng lực, đáp ứng tốt yêu cầu của nhiệm vụ chuyên môn.
“An cư” rồi mới “lạc nghiệp”. Năm 2020, Văn nghệ Thái Nguyên đã hoàn thành một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và khó khăn, đó là ổn định tổ chức của Tòa soạn, bổ nhiệm Tổng biên tập mới, xây dựng đề án và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép chuyển đổi sang loại hình tạp chí theo Quy hoạch báo chí của Chính phủ; thiết lập tạp chí điện tử. Tòa soạn cũng đã xây dựng một định dạng (format) mới cho cả tạp chí in và tạp chí điện tử và hoạt đi vào hoạt động ổn định. Nhiệm vụ mang tính chiến lược trong giai đoạn mới là phải tiếp tục bổ sung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời định hình rõ phương hướng phát triển cho từng loại hình báo chí. Áp dụng cách làm báo chuyên nghiệp, có tính kế hoạch và chủ động, đồng thời chú ý tiếp thu cách làm báo hiện đại như làm việc nhóm, kết nối với độc giả, cộng tác viên qua công nghệ 4.0, khai thác, phát huy trí tuệ tập thể…
So với thời điểm đầu năm 2020, về nhân lực, cơ quan Hội (bao gồm cả Tòa soạn báo) đã “hụt” đi 3 người do nghỉ chế độ, chuyển công tác, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tác nghiệp của báo. Để khắc phục một cách căn cơ, Tòa soạn phải tìm và tuyển chọn, hợp đồng thêm nhân lực. Tuyển được phóng viên, biên tập viên giỏi cho báo Văn nghệ không hề dễ dàng. Bởi vậy, phải có sự đan xen, vừa đào tạo, bồi dưỡng lực lượng hiện có, vừa phải khai thác lực lượng bên ngoài (hợp đồng công việc), thậm chí phải tìm kiếm, bồi dưỡng và thu hút những sinh viên có năng lực, có nguyện vọng làm với báo.
Để nâng cao chất lượng các bài viết, các tác phẩm văn học nghệ thuật trên báo, phải bám chắc vào đội ngũ cộng tác viên, làm sao để họ yêu mến tờ báo, viết cho mình những bài hay, bài chất lượng; phải giữ được đội ngũ cộng tác viên thường xuyên, những cây bút lão luyện, nhưng cũng phải quan tâm thu hút cả đội ngũ trẻ, thậm chí rất trẻ như các cây bút đang ở tuổi học đường. Cùng với tác giả trẻ, sẽ thu hút một lớp độc giả trẻ, độc giả của Văn nghệ học đường, họ vừa lấy tờ Văn nghệ Thái Nguyên để phục vụ cho văn hóa đọc, cho giải trí, nhưng cũng lại lấy đó làm tài liệu để bổ trợ cho việc nghiên cứu, học tập.
Lợi thế của tạp chí in là cho người đọc cảm nhận được những giá trị thẩm mĩ qua hình thức trình bày của tờ báo. Cùng một bài viết, khi xem trên điện tử, ta chỉ thấy được nội dung của nó, chứ không thấy được cách sắp xếp, minh họa, lựa chọn kiểu chữ, cỡ chữ, màu sắc rất công phu, có chủ ý của Tòa soạn như trên báo in. Từ khi chuyển đổi sang tạp chí năm 2021, Văn nghệ Thái Nguyên đã khai thác tốt thế mạnh này và cần tiếp tục được phát huy.
Khác với trang thông tin điện tử trước đây, tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử là một sân chơi hoàn toàn mới mẻ. Không chỉ cập nhật thông tin thường xuyên, nhất là thông tin về hoạt động công tác hội, tạp chí điện tử còn hỗ trợ cho tạp chí in để đăng tải các bài viết mang nhiều tính thông tấn báo chí, bài viết về những vấn đề thời sự đang được độc giả quan tâm. Ngoài ra, sẽ coi trọng việc cập nhật thông tin, đi vào những vấn đề nóng, những vấn đề mà văn nghệ sĩ và độc giả của VNTN quan tâm. Đặc biệt là khai thác thế mạnh về hình thức thể hiện của loại hình báo điện tử, như bài Emagazine, Video, Audio. Những tác phẩm này bước đầu đã thu hút đông đảo người xem và thời gian tới sẽ tiếp tục được duy trì, ổn định, nâng cao chất lượng.
Những nét chấm phá trên đây chưa nói hết được những dự định và khát vọng vươn tới của Văn nghệ Thái Nguyên. Nhưng tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ những người làm Văn nghệ Thái Nguyên hôm nay sẽ bồi đắp hơn nữa tinh thần Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển, tự hào và vững bước trên hành trình mới.
Trần Văn Thép, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...