Tôi từng nghĩ rằng lời then điệu tính được vang lên từ trong mỗi ngôi nhà đồng bào miền núi, then lên rừng lên nương, then ra suối ra đồng, then vào mùa vào hội, mà chỉ có không gian ấy mới là chỗ của nó. Cho nên, tôi thực sự ngỡ ngàng và thú vị trước việc anh cùng các nghệ sĩ Việt Nam sang tận sân khấu lớn bên Paris… trình diễn then. Chuyến đi đó bắt đầu từ nguyên cớ như thế nào, thưa anh?

Vào tháng 3 năm 2016, tôi được chị Ngô Ngọc Dao (cán bộ Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc) liên lạc nhờ tôi giúp đỡ bạn của chị ấy là TS Hoàng Thị Hồng Hà (cán bộ của Trung tâm Di sản văn hóa thuộc Cộng hòa Pháp) thực hiện một chương trình về diễn xướng then. Khi đó, chị Hà vừa có một dự án về then Tày đã giành được giải Vàng trong chuỗi dự án của Trung tâm năm 2013. Từ dự án này, Viện văn hóa thế giới (tổ chức phi chính phủ của nước Pháp) có ý định tổ chức một cuộc trình diễn di sản then tại Paris (Cộng hòa Pháp). Để thuận lợi cho tiến độ thực hiện chương trình, chị Hà nhờ chị Dao tìm giúp diễn viên tại Việt Nam. May mắn cho tôi là chị Dao nhớ đến tôi và kết nối tôi với chị Hà. Đấy là một ân tình rất lớn mà các chị dành cho tôi. Tất nhiên là tôi đồng ý và chủ động liên hệ với các nghệ nhân để cùng nhau làm một chương trình về then tại Pháp.

Qua bao nhiêu khó khăn và vất vả, chúng tôi đã xây dựng được một chương trình có tên là “le then des Tày ét Nùng” (hát then Tày, Nùng) và trình diễn trong chương trình “Festival Immaginaire” (Lễ hội âm nhạc thế giới) được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 04/12/2017 tại thành phố Paris, cộng hòa Pháp.

Khi đem một thực hành văn hóa dân gian ra khỏi không gian diễn xướng của nó để giới thiệu ở một sân khấu châu Âu, anh có dự cảm và lường trước về một khác biệt, bất ổn nào đó?

Dự cảm về sự khác biệt là điều mà tôi cũng nghĩ đến đầu tiên. Rõ ràng giữa một bên là văn hóa Châu Á và một bên là văn hóa Châu Âu thì tất yếu sẽ phải có sự khác biệt. Khi ấy, tôi nghĩ đến sự khác biệt về ngôn ngữ giao tiếp, ngôn ngữ nghệ thuật, về thị hiếu thưởng thức nghệ thuật, về lề lối, tác phong sân khấu và đặc biệt là sự khác biệt trong niềm tin tín ngưỡng. Việc đem di sản then vốn là một hình thức thực hành tín ngưỡng dân gian của Việt Nam đến biểu diễn tại một quốc gia mà có bề dày lịch sử tôn giáo khác biệt cũng khiến tôi lo lắng rằng liệu khán giả có rộng lòng đón nhận hay không. Ngoài ra còn một điều tôi lo lắng nữa là đồ đạc và đạo cụ biểu diễn của chúng tôi khá là nhiều nên việc di chuyển có lẽ cũng sẽ khó khăn.

Vậy chương trình biểu diễn sau đó có giống với những gì mìnhđã hình dung, dự liệu không? Anh thấy khán giả Pháp đã đón nhận then như thế nào? 

Như trên đã nói, khi bắt tay vào thực hiện chương trình thì tôi cũng có rất nhiều những mối băn khoăn và lo lắng. Tuy nhiên khi vào thực tế, những điều tôi lo lắng đều trở nên không còn quan trọng. Khán giả Pháp đón nhận chúng tôi và “món quà văn hóa” mà chúng tôi đem đến một cách rất nhiệt thành. Có lẽ ngôn ngữ của nghệ thuật và ngôn ngữ của di sản đã vượt qua hết tất cả những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, niềm tin tín ngưỡng,… để cùng đưa tâm hồn của khán giả và các nghệ nhân, nghệ sỹ chúng tôi đến cùng một cái đích chung là chân - thiện - mỹ. Thực tế là ngay sau đêm diễn đầu tiên tại Paris, chúng tôi đã có một cuộc hội thảo nho nhỏ, chân tình và rất ấm cúng với khán giả Pháp. Ở trong cuộc hội thảo này, chúng tôi được nghe những tâm sự của khán giả đối với tình yêu di sản. Đồng thời, khán giả đã đưa đến cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi khá hay và sâu sắc về di sản then. Trong đó, có câu hỏi của một khán giả người Pháp là “Mối tương quan của then trong cộng đồng Tày, Nùng và các cộng đồng khác ra sao?” khiến chúng tôi thực sự ngỡ ngàng và câu hỏi đó cũng khẳng định một điều là khán giả Pháp đến dự chương trình không phải chỉ đơn thuần là thưởng thức nghệ thuật mà còn đến với tâm thế nghiên cứu một cách rất nghiêm túc.

Được biết, cùng với việc thành công bên Pháp, anh cùng đoàn nghệ sĩ cũng đã về Hà Nội trình diễn then, được khán giả Thủ đô nồng nhiệt đón nhận… Điều gì khiến then có thể hấp dẫn, chinh phục được nhiều đối tượng người xem khác nhau đến như vậy, theo anh?

Sau chương trình năm 2017 tại Paris, được sự giúp đỡ của Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Ban quản lý di tích phố cổ Hà Nội và nhóm Đình làng Việt, chúng tôi tiếp tục tổ chức chương trình trình diễn then với tên gọi “Câu then Việt Bắc” tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào cuối tháng 4 năm 2018. Trong chương trình này, ngoài những tiết mục đã trình diễn tại Paris, chúng tôi còn dựng thêm một số tiết mục hát then mới để khán giả có thể nhận diện then ở nhiều phương diện hơn.

Chương trình để lại ấn tượng rất sâu đậm cho khán giả Thủ đô. Khá nhiều khán giả đã nán lại sân khấu để chia sẻ tâm tình và chụp với chúng tôi vài kiểu ảnh kỷ niệm. Sau đó, đã có rất nhiều các báo, tạp chí viết bài và đưa tin về chương trình. Đồng thời sau khi chương trình diễn ra, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều tin nhắn cũng như thư cảm ơn của khán giả Hà Nội. Tôi nghĩ rằng, điều khiến then có sức hấp dẫn và chinh phục được nhiều người nghe đến như vậy có lẽ chính là do những giá trị trân quý của then đã chạm được tới tâm hồn và cảm xúc của con người. Vẻ đẹp của then chính là vẻ đẹp trân quý mà con người ta luôn khát khao và hướng tới, đó là Chân - Thiện - Mỹ.

Có một tài sản quý mà anh luôn giữ bên mình, đồng thời thường sử dụng trong mỗi cuộc trình diễn, đó là cây đàn tính cổ hơn trăm năm tuổi. Có lẽ bên trong nó là những câu chuyện, cơ duyên đặc biệt nào đó. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này chứ?

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình ở miền núi nằm trong vùng văn hóa Tày, Nùng, bản thân tôi cũng là con em của đồng bào và có truyền thống tham gia hoạt động nghệ thuật. Mẹ tôi là nghệ sỹ Triệu Thị Thạc (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn) và anh tôi là nghệ sỹ Đức Tùng cũng là diễn viên cùng Đoàn. Đó là cái nôi để tôi trưởng thành và có định hướng trong công việc sau này.

Có lẽ đó là nhân duyên để tôi có những cây đàn đặc biệt. Trong đó, tôi có hai cây đàn gắn bó rất nhiều kỷ niệm. Một cây đàn tôi được anh trai tặng năm 2003, đó là cây đàn đầu tiên của cuộc đời tôi, cây đàn này đã theo tôi đi biểu diễn khắp mọi miền Tổ quốc. Và bây giờ, cây đàn ấy lại cùng tôi đứng trên bục giảng để truyền lại lửa nhiệt huyết cho các thế hệ sau. Còn cây đàn hơn trăm tuổi mà tôi đang sở hữu thực sự là một báu vật nhân văn rất cao quý, mang nhiều ý niệm. Đó là cây đàn của bà nội để lại cho tôi.

Trích đoạn then do nghệ sĩ Xuân Bách thể hiện

Lịch sử cây đàn ấy cũng đặc biệt lắm. Nó được chế tác vào năm Quý Mão 1903 và gắn liền với chặng đường nghề của cố nghệ nhân Bế Thị Thó (thôn Nà Han, xã Tri Phương, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Sở dĩ tôi biết như vậy vì nghệ nhân chế tác đàn đã ghi lại thông tin này vào phần cần ở phía trong bầu đàn. Tuy nhiên khi tiến hành phục chế cây đàn, tôi đã đành lòng phải cưa bỏ phần này đi để thay thế lại vì nó đã quá mục và không thể sử dụng được. Cây đàn này đã cùng nghệ nhân Bế Thị Thó đi khắp các bản làng quê hương Tràng Định và dẫn dắt rất nhiều cuộc lễ then to, nhỏ trên cả dải đất vùng biên giới. Cụ Thó và bà nội tôi là những người bạn vong niên rất thân thiết. Khoảng những năm 80, do tình yêu mến của mình nên cụ Thó đã tặng lại cho bà tôi cây đàn. Phải nói rằng, đây là một tình cảm vô cùng trân quý giữa các cụ.

Bởi lẽ, những cây đàn tính khi đã được nghệ nhân đưa vào thực hiện nghi lễ then thì đã là vật thiêng liêng và không được phép tặng hoặc bán cho ai. Chính vì điều này nên ta mới thấy được giữa cụ Thó và bà nội tôi có một tấm chân tình lớn lao như thế nào khi đã vượt qua sự kiêng kỵ.

Bà nội tôi coi cây đàn này như một báu vật và giữ mãi bên mình. Có lẽ do vậy nên khá nhiều lần, tôi ngỏ ý xin bà cây đàn nhưng bà chưa có ý định để lại cho tôi. Đến năm 2020, khi sức khỏe không còn ổn định, bà mới gọi tôi về để trao lại cây đàn. Lúc này tôi biết rằng tôi đang được sở hữu một cây đàn - một hiện vật văn hóa, nhân văn - vô cùng quý giá. Ấy cũng là món quà mà các thế hệ đi trước trao truyền lại cho tôi. Món quà đó cũng đưa ra một trách nhiệm của tôi đối với công việc mình đang làm, đó là phải tận tâm hơn thật nhiều.  Từ khi đem cây đàn về, tôi đã đem đi trình diễn ở khá nhiều chương trình nghệ thuật cả quần chúng và chuyên nghiệp. Tháng 8 năm 2023 vừa qua, tôi cùng với cây đàn cổ này đã đạt Huy chương Vàng tại “Hội diễn dân ca toàn quốc” tại Nghệ An. Với nghệ sỹ chúng tôi thì những cây đàn là một phần của cuộc sống. Đó không chỉ là phương tiện để chúng tôi thực hành nghề mà hơn cả, nó là người bạn tâm giao để chúng tôi tự sự bằng cả tâm tình.

Thật tuyệt vời khi những tâm tình từ tuổi thơ ấy giờ đây vẫn đang gắn bó cùng anh theo cách của nó. Công tác giảng dạycủa một giảng viên và công việc duy trì trình diễn thencủa một nghệ sĩ sẽ hỗ trợ cho nhau cũng như“gây khó” lẫn nhau như thế nào, thưa anh?

Tôi nghĩ là giữa công việc giảng dạy mà tôi đang làm và công việc duy trì hoạt động trình diễn then với tư cách là một nghệ sỹ hoàn toàn không có gì mâu thuẫn và khó khăn cả. Thậm chí, hai công việc này còn bổ trợ cho nhau rất nhiều. Việc tôi tham gia trình diễn di sản then là sự học tập và trải nghiệm mang tính không ngừng của bản thân. Từ đó, tôi tích lũy thêm được những kinh nghiệm và kiến thức để truyền tải lại cho các thế hệ học trò. Ngược lại, những kỹ năng và nghiệp vụ từ việc giảng dạy giúp tôi có những điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia biểu diễn.

 Trong cách gọi của mọi người, nhân vật mà anh chuyên nhập vai trình diễn là “thày then”. Nhưng có lẽ, để có thể đối sánhvà phân biệt giữa thày then đối với thày tào, pụt, mo… thì bên trong đó là những câu chuyện dài. Anh có thể chia sẻ về những khác biệt cốt yếu giữa các định danh này?

Đầu tiên thì tôi luôn nhấn mạnh là tôi là một “thày then”. Tuy nhiên là thày then trên sân khấu biểu diễn chứ không phải là “thày then” đang tham gia thực hành nghi lễ then trong dân gian. Tôi cũng thường xuyên tham gia các cuộc lễ then lớn, nhỏ với nhiều vai trò khác nhau nhưng không phải là vai trò của người thực hành nghi lễ một cách chính thức.

Hiện nay thì trong dân gian người Tày, Nùng có rất nhiều những hình thức thực hành nghi lễ khác nhau như mo, then, tào, pựt (pụt, bụt, vựt), phù thủy,… Mỗi hình thức đều có những vai trò và nhiệm vụ riêng trong đời sống cộng đồng. Việc phân định rõ các hình thức thực hành nghi lễ dân gian này khá là khó khăn do quan niệm của từng vùng khác nhau. Tuy nhiên, nếu xét về mặt phương tiện thực hành và tộc người thì có thể phân định như sau:

Các hình thức Tào, Phù thủy là dòng thực hành nghi lễ dùng sách để cúng và không có hiện tượng shaman (xuất nhập hồn). Trong đó, Tào thường có ở người Nùng và Phù thủy thường gặp ở người Tày. Nghề Tào và Phù thủy do nam giới thực hành.

Các hình thức mo, then, sliên, pựt là dòng thực hành nghi lễ không dùng sách vở và có yếu tố shaman (xuất nhập hồn). Thực hành các hình thức cúng bái này có cả nam và nữ. Trong đó mo, sliên thường gặp ở người Nùng, pựt có mặt ở cả ở trong cộng đồng Tày, Nùng và then thường gặp ở người Tày.

Không ít người vẫn hình dung về then như một diễn xướng gắn liền cây đàn tính cùng những lời ca điệu hát, mà chưa được biết nhiều đến tính chất nghi lễ của nó. Là người vừa nghiên cứu, giảng dạy, lại vừa trực tiếp thực hành trình diễn, anh thấy từ trong gốc rễ sâu xa, những giá trị nguyên bản,cốt lõi của then nằm ở điều gì?

Theo tôi thì giá trị gốc rễ sâu xa và cốt lõi của then có lẽ chính là vấn đề giải quyết cho con người những bức bối trong đời sống tinh thần. Từ khía cạnh này có thể nhìn ra được hai vai trò cơ bản của then, đó là đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ và đáp ứng nhu cầu cân bằng trong đời sống tín ngưỡng của con người. Điều này tất yếu dẫn đến hình thành hai hình thức then mà chúng ta thường gặp trong đời sống hiện nay là then sân khấu (đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ) và thực hành nghi lễ then (đáp ứng nhu cầu cân bằng đời sống tín ngưỡng). Do vậy chúng ta không cần thiết phải đem lên bàn cân việc hình thức then nào nó là mới là có giá trị hoặc có vị thế hơn kém nhau vì như trên tôi đã nói, giá trị gốc rễ sâu xa của then nó là giúp con người giải quyết những bức bối trong đời sống tinh thần. Tuy nhiên, ta cũng cần lưu ý việc tuyên truyền và quảng bá di sản then sao cho nó đến với công chúng một cách đầy đủ. 

Như vậy, câu chuyện ở đây là chúng ta cần đặt then về đúng chỗ của nó - một thực hành tín ngưỡng?

Tôi nghĩ rằng cần đặt nó về vị trí là một di sản văn hóa có lẽ sẽ tốt hơn là bó buộc then trong không gian tín ngưỡng vì nếu chỉ đặt như vậy thì di sản sẽ không được đông đảo quần chúng nhân dân ở ngoài vùng văn hóa Tày, Nùng biết đến. Đơn cử như việc nước Pháp là quốc gia có đại đa số dân cư theo Kitô giáo (gồm cả Công giáo và Tin lành) và những người Việt kiều ở Pháp là người Tày, Nùng rất ít, vậy nếu chỉ quan tâm việc đưa cả không gian nghi lễ thực hành then gắn với tín ngưỡng sang đó thì liệu công chúng có chấp nhận? Vậy rõ ràng những chương trình như “le then des Tày ét Nùng” do chúng tôi thực hiện năm 2017 tại Pháp hoàn toàn có ý nghĩa quảng bá di sản. Có lẽ vấn đề cần quan tâm là làm sao đưa di sản đến với công chúng một cách đầy đủ và hiệu quả.

Có một thực tế là, nếu then chỉ tồn tại trong chính không gian diễn xướng tự nó, thì cộng đồng ít có điều kiện được tiếp cận, nhưng để then có thể thăng hoa trên sân khấu cho khán giả thưởng thức thì phải có rất nhiều điều kiện, yếu tố. Là người trong cuộc, anh nghĩ thế nào về vấn đề này?

Tôi luôn nghĩ rằng việc mình đem di sản then đến với công chúng là “trình diễn”, tức là có cả yếu tố về nghệ thuật sân khấu ở trong đó. Không thể đem một nghi lễ then dài cả chục tiếng đồng hồ để phục vụ cho công tác quảng bá. Một chương trình cô đọng và nêu bật ra các giá trị của then thì tuy rằng thời lượng chỉ có vài chục phút nhưng cũng có tác động một cách tích cực đến cộng đồng về di sản. Tôi nghĩ rằng những tác động này mang tính chất “ban đầu”. Từ những nhận thức ban đầu sẽ thúc đẩy cộng đồng và cụ thể là những người muốn tìm hiểu sâu về then sẽ tự tìm tòi bằng nhiều phương cách khác nhau. Do đó rất cần yếu tố sân khấu, yếu tố thăng hoa,…

Tuy nhiên như phần trên tôi đã nhấn mạnh rất nhiều lần, việc sân khấu hóa cần phải đảm bảo điều kiện quan trọng là đưa đến cho khán giả và cộng đồng cái nhìn đúng đắn, đầy đủ về di sản văn hóa. Ví dụ như trong một chương trình giới thiệu các tiết mục hát then tại khu du lịch, khu sinh thái mà xây dựng trên bản làng Tày, Nùng thì cần phải có cả tiết mục then sân khấu và tiết mục là các trích đoạn từ then nghi lễ để khán giả có cái nhìn tổng thể, đầy đủ về then. Tất nhiên như tôi đã nói, sự nhìn nhận này có thể là “ban đầu” nhưng cái ban đầu mà chắc chắn thì những vấn đề tiếp theo sẽ thuận lợi. 

Nhìn rộng ra, có thể thấy đây không chỉ là câu chuyện riêng của then, mà là câu chuyện chung về cách chúng ta ứng xử với các giá trị văn hóa dân gian.Theo anh, sự lạc lõng của những giá trị này giữa một nhịp sống tốc độ và guồng quay công nghệ thời nay, phần nhiều do phía chủ quan hay khách quan?

  Tôi nghĩ vấn đề này gồm cả yếu tố chủ quan và khách quan. Nếu chỉ thừa nhận yếu tố khách quan do nhịp sống hoặc điều kiện thực tiễn thay đổi thì sẽ thành ra việc đổ lỗi cho hoàn cảnh. Điều này sẽ vô tình kéo đến trước mắt một “màn sương mù” khiến chúng ta không thể nhận ra con đường tiếp theo phải làm gì. Đơn cử như việc hiện nay rất nhiều bạn trẻ người Tày, Nùng không biết nói tiếng mẹ đẻ. Tất nhiên khi lý giải việc này thì các bạn ấy sẽ nói là do ở nhà không có ai nói tiếng Tày, Nùng và thời gian còn phải học thêm cả ngôn ngữ phổ thông hoặc thậm chí là ngôn ngữ nước ngoài,… Tôi cho đó là một vài nguyên nhân thực tế. Tuy vậy, đó không phải là nguyên nhân cội rễ. Cần phải nhìn nhận việc các bậc cha mẹ không dạy con nói tiếng mẹ đẻ và việc các bạn trẻ không chịu học tiếng Tày, Nùng mới là nguyên nhân sâu xa của thực trạng này. Do vậy luôn luôn cần phải nhìn ở cả hai vấn đề khách quan và chủ quan.

 Trong thời đại hiện nay, loại bỏ đi những mặt trái của sự phát triển công nghệ thì tôi thấy rằng các bạn trẻ đang có cơ hội và phương tiện rất hữu dụng để tiếp cận di sản so với các thế hệ trước đây. Ví dụ ngay như thế hệ của tôi, những năm 80, 90 và thập niên 2000, muốn được nghe một bài then thì phải chờ đợi chương trình phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc Đài Truyền hình Việt Nam. Mà có phải chương trình nào cũng có hát then đâu? Họa hoằn lắm mỗi năm có vài lần. Còn ngày nay, chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh thì các bạn trẻ hoàn toàn có thể thưởng thức hát then ở tất cả các vùng miền khác nhau. Thậm chí, trên trang mạng facebook còn có rất nhiều trang có hướng dẫn học đàn hát then cho các bạn có nhu cầu. Đó là những mặt rất tích cực và cũng là một phương pháp hữu hiệu mà chúng ta cần phải vận dụng để lan tỏa tình yêu di sản đến với cộng đồng./.

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục