Gần 4 năm nay, cả một khu đất rộng hàng vài héc ta nằm tại xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên trở thành điểm đến của nhiều người yêu thiên nhiên và mong muốn được trải nghiệm dịch vụ du lịch nông nghiệp xanh. Biến khu đất hoang hóa trở thành nông trại với nhiều loại hoa rực rỡ sắc màu và quả chín, người làm nên sự đổi thay diệu kỳ đó là anh Nguyễn Tiến Anh.

Sau rất nhiều năm trăn trở, nghĩ suy, năm 2021, Tiến Anh xin nghỉ chế độ khi đang là cán bộ Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ để có thể thực hiện những dự định mà anh ấp ủ. Với kiến thức được đào tạo trong trường Đại học Nông lâm, cộng với đam mê và khao khát thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống, Nguyễn Tiến Anh gói ghém hành trang, bắt xe lên đường vào Đà Lạt. Bao vốn liếng dành dụm được anh dùng để thuê khoảnh đất làm nông trại trồng dâu tây của riêng mình. Mục đích của anh là trong thời gian ở đó vừa có thể tạo ra thu nhập, vừa học được công nghệ trồng, chăm sóc dâu tây để mang về ứng dụng tại quê nhà.

Mọi việc dường như thuận lợi ngoài sức tưởng tượng của anh. Vườn dâu tươi tốt, ra trái sum suê. Năm 2022, tưởng chừng đã nắm chắc mọi kỹ thuật, công nghệ trong tay, anh mạnh dạn bỏ ra gần 200 triệu đồng mua cây con giống, anh khấp khởi mừng thầm rời Đà Lạt trở về Thái Nguyên. Nhưng “người tính không bằng trời tính”, mọi kỹ thuật được anh áp dụng y nguyên như khi anh chăm sóc vườn dâu trong Đà Lạt, thế nhưng dâu cứ chết dần và gần như xóa sổ. Anh mất ngủ nhiều đêm, tìm hiểu nguyên nhân, rồi đi đến kết luận cây dâu giống mang từ Đà Lạt về không thể sinh trưởng bền lâu với thời tiết ở một số vùng có khí hậu như ở Thái Nguyên. Không từ bỏ, anh lại tay nải trở lại Đà Lạt, nhưng lần này anh chỉ mua mô chứ không nhập cây giống như lần trước nữa.

Trở về, anh nhờ được người bạn đồng môn trong Đại học Nông lâm Thái Nguyên nuôi cấy mô cây trong phòng thí nghiệm giúp mình. Nửa tháng sau, cây con giống hình thành, anh từng bước đưa ra ngoài môi trường cho cây dần thích nghi với khí hậu, thời tiết. Cùng lúc đó anh bắt tay vào làm đất. Đất được xới lật nhiều lần, trộn các loại phân hữu cơ, trùn quế, xơ dừa, trải ni-lon để ngăn ngừa cỏ dại mọc trước khi xuống cây giống. Ban ngày anh mình trần hết lên luống đất lại đến ủ phân, phủ bạt, sớm khuya xăm xắn canh chừng từng “động cựa” của mầm cây, nước da anh nhuộm nắng đen bóng, râu, tóc dài thêm mấy phần. Các nếp gấp trong lòng bàn tay, gan bàn chân đều hằn lên nhựa của cỏ, cây đen nhẻm.

Rồi cây dâu giống cũng đủ điều kiện trồng xuống bãi. Ngày qua ngày, khi mặt trời còn chưa kịp ló rạng, Tiến Anh đã có mặt ngoài bãi, tỉ mỉ quan sát từng nhánh lá, gốc cây. Ơn giời, cây mỗi ngày một lớn, sinh trưởng khoẻ mạnh. Chỉ hai tháng sau khi trồng cây đã cho quả. Điều đáng mừng hơn nữa là ngay cả khi nhiều vườn dâu ở các địa phương có khí hậu tương đồng Thái Nguyên có dấu hiệu không ra quả, táp lá khi bước vào mùa nóng thì vườn dâu của anh vẫn tốt tươi và bốn mùa đỏ quả. Theo Tiến Anh thì đó là nhờ những cây dâu đã được thích nghi với khí hậu địa phương ngay từ khi còn là những mầm cây giống.

Vì thực hiện chăm bón theo hướng hữu cơ, lại hợp đất, hợp khí hậu nên vườn dâu cho quả to, quả dâu có vị thanh mát dễ chịu, đưa ra thị trường được khách hàng đón nhận, bán được với mức giá cao hơn nhiều lần giá quả dâu được bày bán ngoài chợ (hiện một ki lô gam dâu của anh được bán tại vườn hoặc ship đến tận nhà với giá 250 nghìn đồng). Có kinh nghiệm, anh Tiến Anh tự nghiên cứu, nhân giống và mở rộng vườn dâu từ một nghìn gốc lên hai nghìn,ba nghìn và cả vạn gốc. Nắm bắt nhu cầu được trải nghiệm các mô hình du lịch sinh thái xanh của nhiều người, anh “biến” vườn dâu thành địa điểm du lịch sinh thái nông nghiệp. Khách đến vườn dâu của anh không cần mua vé, có thể thỏa thích check-in, hái dâu ăn tại vườn và chỉ phải trả tiền cho số lượng dâu mua về. “Tiếng lành đồn xa”, khách đến tham quan, trải nghiệm hái dâu tại vườn ngày một nhiều. Vườn dâu của Tiến Anh cũng trở thành điểm trải nghiệm lý tưởng của học sinh một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Tiến Anh cho biết, riêng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, anh đã nhân giống thêm gần một vạn gốc dâu trồng chậu phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh của khách hàng, với giá bán lẻ 60 nghìn/chậu và 40 nghìn/chậu bán sỉ. Ngoài ra với tư duy nhạy bén của mình, Tiến Anh luôn xác định cần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp độc đáo, tiên phong mới có thể mang lại giá trị cao. Nghĩ là làm, cũng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngoài vườn hoa hướng dương và sao nhái, anh còn trồng thêm hoa lay - ơn màu xanh, cát tường, huệ, tuy líp đủ màu… Hoa đẹp, nở đúng thời điểm, du khách tấp nập gần xa ghé đến thăm quan, đồng thời thương lái đặt hàng thu mua toàn bộ hoa ngay trước Tết.

Sau một hồi mải mê ngắm nghía và thưởng thức những quả dâu đỏ ối, tôi chú ý đến một người đàn ông đang cặm cụi cày cuốc, chốc chốc lại đưa cánh tay lên quệt mồ hôi trên trán. Như đoán được suy nghĩ của tôi, Tiến Anh chia sẻ: Đó là anh Mai Xuân Bình, người thành phố Thái Nguyên, cũng là người cùng tôi gây dựng cơ ngơi này. Thú thật, trước đây anh Bình có thâm niên hàng chục năm vướng vào nghiện ma túy, từng phải đi chấp hành án phạt. Tuy nhiên khi trở về, anh ấy vẫn chưa thể từ bỏ hẳn ma túy. Anh Bình là anh trai của một người bạn tôi. Tôi biết anh ấy là người có bản tính rất hiền lành, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên tôi có ngỏ ý sẽ để anh về làm cùng mình nếu anh ấy muốn.Ba năm về đây làm cùng tôi, anh ấy chịu khó lắm, làm lụng suốt ngày không nề hà bất cứ việc gì. Ở nông trại này, chỉ khi vào thời vụ, hãn hữu lắm tôi mới phải thuê thêm nhân công còn lại tất cả mọi việc đều tự tôi và anh Bình làm.

Một phần công việc cuốn đi, phần nữa là ở trong này khá biệt lập, anh Bình tách ra khỏi được những mối quan hệ không lành mạnh ngoài xã hội nên đến nay anh ấy đã từ bỏ hoàn toàn được chất gây nghiện. Hai anh em bảo ban nhau cùng làm, cùng hưởng. Anh Bình sáng dạ, học rất nhanh. Đến giờ, kỹ thuật chăm bón các loại cây trồng tôi hướng dẫn anh ấy đều thành thạo. Tiến Anh cũng bộc bạch suy nghĩ: Làm công việc nhà nông, tuy chân tay có vất vả, có khi người ta ăn cơm đi ngủ rồi mình vẫn chăng đèn trồng cây là chuyện thường, nhưng đổi lại đầu óc, tinh thần thần rất thoải mái. Bởi vậy, tôi luôn tâm niệm, nếu như có ai đó cũng lỡ lầm đường lạc lối như anh Bình mà cần có việc để làm, cần môi trường để từ bỏ tệ nạn ngoài xã hội kia thì tôi đều sẵn sàng tiếp nhận. Miễn sao đó là người có đủ quyết tâm và bản lĩnh là được.

Ngoài trồng dâu lấy quả và phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách hàng, Tiến Anh cho biết, hiện anh đang chuyển hướng tập trung sâu vào việc cung ứng giống dâu tây và chuyển giao kỹ thuật cho các khu du lịch sinh thái trong và ngoài tỉnh. Danh sách khách hàng của anh đã khá dài và ở nhiều địa phương khác nhau như Phú Lương, Đại Từ, TP. Thái Nguyên và các tỉnh như Phú Thọ, Sơn La, Hà Giang… Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt dở vì Tiến Anh có điện thoại.

Nghe xong cuộc điện thoại, Tiến Anh chìa ra cho tôi xem mấy bức ảnh vườn dâu rộng lớn đang táp lá đến quá nửa. Qua đoạn hội thoại anh chia sẻ, tôi biết đó là hình ảnh vườn dâu trên Đại Từ. Anh khẽ thở dài, tiếc rẻ: Nhiều người không tuân thủ quy trình chăm sóc cây hoặc nóng vội nên hỏng việc. Ví dụ như thời gian từ lúc trồng đến lúc dâu ra quả chỉ khoảng 2 tháng. Đất đã làm đảm bảo, nửa đầu tháng khi mới trồng không cần bón thêm loại phân gì, chỉ cần tưới nước sạch. Nhưng nhiều người, nôn nóng muốn cây nhanh tốt nên không làm theo hướng dẫn, dẫn đến cây sinh bệnh. Lại có người chỉ vì tiếc hơn một triệu đồng không mua loại chế phẩm dành riêng cho cây dâu mà dùng thuốc hoá học. Cây dâu yếu rồi chết dần.

Cuộc điện thoại vừa rồi cũng là của khách hàng nhờ anh chẩn bệnh cho cây từ xa. Với khả năng và kinh nghiệm của mình, Tiến Anh có thể hướng dẫn kỹ thuật từ xa cho các chủ vườn chăm sóc dâu. Chỉ cần nhìn qua video, anh hoàn toàn có thể biết như độ ẩm của đất đảm bảo chưa, cây được trồng đúng khoảng cách không, cây dâu có được chăm bón theo đúng quy trình hướng dẫn không… Anh cho hay, ngoài dâu tây, anh còn nhận thiết kế và chuyển giao các mô hình trồng cà chua leo giàn, dưa lê, dưa hấu, rau an toàn… cho các khu du lịch sinh thái trong và ngoài tỉnh. Và, đây cũng là hướng đi anh sẽ tập trung phát triển nhiều hơn trong thời gian tới. Hiện anh đang chuẩn bị lô cây giống mới gồm 3.000 cây để chuyển giao cho một khu sinh thái ở Sơn La trong tháng 4 này. Mỗi cây giống hiện nay được anh bán với gái 20 nghìn đồng, tính cả công vận chuyển, còn giá tại vườn là 15 nghìn đồng.

Chỉ tay về phía hồ nước có chiều hướng cạn dần, Tiến Anh tiếc nuối: Khu vực này trước đây ngoài trồng dâu tây, các loại cây ăn quả, các loại hoa, thì tôi còn kinh doanh dịch vụ hồ câu cá. Tuy nhiên, do tháng 7 tới đây hợp đồng thuê đất của chúng tôi sẽ hết thời hạn, chủ đất không cho thuê tiếp nên tôi đang phải dịch chuyển nông trại về xã Hoá Trung, huyện Đồng Hỷ. Hiện giờ, ở Hoá Trung tôi đã có được vườn cà chua, dưa lê, dưa chuột, dưa hấu vụ đầu và rau ăn lá phục vụ khách hàng thường xuyên. Vì là rau an toàn, được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ nên hiện tại rau trong vườn của Tiến Anh đang có giá bán cao gấp khoảng 3 lần giá rau bán ngoài chợ. Ngoài đảm bảo cung ứng thường xuyên cho một số trường mầm non trên địa bàn, hiện anh đang cung cấp dịch vụ cung cấp rau xanh tận nhà phục vụ các bữa ăn của nhiều gia đình với thực đơn khá đa dạng.

Chưa dừng ở đó, là một trong những người đầu tiên làm rau mầm ở Thái Nguyên và anh cũng là số ít người thành công với mô hình nàytừ năm 2006. Sau một thời gian dài, giá rau mầm không còn chiếm lĩnh thị trường như khi nó mới ra mắt, thay vì sản xuất đại trà để bán, anh chuyển hướng tìm khách hàng để chuyển giao công nghệ. Trong câu chuyện của chúng tôi, Tiến Anh say sưa chia sẻ về kỷ niệm lên ý tưởng, đồng thời“set up” không gian, chuyển giao công nghệ trồng rau mầm cho một số nhà hàng đang kinh doanh thực phẩm có rau mầm hiện nay như Hoàng Mấm, Nhà hàng ATK (Thành phố Thái Nguyên). Ngoài ra anh còn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc rau mầm cho hàng chục các cơ sở kinh doanh khác trong và ngoài tỉnh. Mới đây nhất, anh đã ký hợp đồng cung cấp rau xanh an toàn cho hệ thống của chuỗi ẩm thực Bản Thái.

Cho tôi xem hình ảnh vườn dưa chuột đã bắt đầu cho quả, vườn dưa lê, dưa hấu đã trổ hoa, vườn cà chua đã leo giàn tại nông trang bên xã Hoá Trung, huyện Đồng Hỷ, anh Tiến Anh bảo: Di chuyển địa điểm, mình cũng phải bắt đầu làm lại từ đầu nhều thứ, thậm chí có thể bị mất một số lượng lớn khách vì họ đã quen với địa điểm này.

Tôi hỏi anh đã khi nào từng lấn cấn với quyết định trở về nhà làm nông nghiệp sạch của mình, câu trả lời của anh đầy lạc quan: Nếu được lựa chọn lại, chắc chắn tôi vẫn giữ nguyên quyết định này. Tôi tin, chỉ cần mình làm nông nghiệp một cách tử tế, thì những giá trị mình nhận được là không thể đong đếm được. Làm anh nông dân thì vất vả đủ đường, phải một nắng hai sương, chân lấm tay bùn nhưng tôi thấy rất đáng làm và thật sự cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình.

Ở đời, được làm điều mình thích và vui với những thành quả mình tạo ra, đó là hạnh phúc. Tôi nghĩ vậy!

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục