Ngụ ngôn Tạp chí VNTN số 22
Mượn oai hùm
Có một chú dê con sống trong khu rừng cùng với những con vật yếu ớt như nó. Vì luôn là mục tiêu săn mồi của các loài thú dữ nên dê thường sống theo bầy đàn và đặc biệt cảnh giác xung quanh. Ngay cả khi đang ăn cỏ, chúng cũng phải quan sát, đề phòng sự tấn công của kẻ thù. Dê con cảm thấy buồn chán vì cuộc đời mình luôn phải sống trong cảm giác lo sợ, nó hy vọng một ngày nào đó có thể dũng mãnh như hổ và báo.
Một lần, dê con đi một mình đến bìa rừng, chợt thấy dưới đất có một tấm da hổ, không biết người thợ săn nào đã để lại. Lúc đầu, dê con sợ hãi, không dám tiến lại gần. Sau vài lần do dự, dê con can đảm nhặt tấm da hổ lên. Đột nhiên nó nảy ra một ý tưởng: Nếu khoác lên mình bộ da hổ này, chẳng phải sẽ khiến mọi người kinh ngạc sao? Ai phát hiện ra mình là một con hổ giả chứ? Vì vậy dê con đã khoác tấm da hổ và đi dạo trong rừng.
Khi dê con trở về đồng cỏ, thì cả đàn dê tưởng rằng hổ đã đến, chúng sợ hãi bỏ chạy tán loạn. Nhìn thấy cảnh tượng này dê con cảm thấy mình thực sự rất có uy lực. Nó nghĩ rằng: “Từ nay, ta không phải sống trong sự run sợ nữa rồi”.
Trên đồng cỏ những con dê không nhận ra nó nữa, từng con một đã tránh xa nó. Vì vậy dê con trong bộ da hổ đã đắc ý ăn uống tự do trên đồng cỏ.
Đúng lúc dê con đang ăn cỏ thì đột nhiên có một con sói lao tới. Dê con trong bộ da hổ run lên vì sợ hãi, còn con sói thì do dự. Sói đã biết đây là hổ giả chưa? Rõ ràng là chưa, chỉ có dê con mới biết sự thật. Dê đã luôn là thức ăn của sói, hổ và báo nên khi nhìn thấy những con thú này nó sẽ sợ hãi đến mức quên rằng nó đang mặc bộ da hổ.
Lời bàn: Những người có vẻ ngoài giả dối, bên trong không có thực lực thì không thể chịu đựng được khảo nghiệm thực tế. Khi đối mặt với thử thách, thì sự dối trá sẽ nhanh chóng hạ gục họ, giống như một cái cây rỗng sẽ nhanh chóng bị quật ngã trước bão táp.
Ấm nước sôi
Sau khi tốt nghiệp đại học, một chàng thanh niên đã rất tự hào và đặt ra nhiều mục tiêu cho bản thân. Nhưng sau vài năm, anh ta vẫn không đạt được gì. Vì lý do này chàng thanh niên luôn cảm thấy phiền muộn trong lòng. Anh quyết định đến nhà vị giáo sư đại học mà anh quen biết để tìm ra vấn đề.
Sau khi nghe tâm sự của chàng thanh niên, vị giáo sư đại học bảo anh ta rằng: “Nào, cậu hãy giúp ta đun ấm nước này!”
Chàng thanh niên thấy ở góc tường có một cái ấm rất lớn và một cái bếp nhỏ bên cạnh, nhưng lại không thấy củi nên ra ngoài tìm. Anh nhặt vài cành khô bên ngoài và nhóm bếp. Nhưng rất nhanh bó củi đã cháy hết mà nước vẫn chưa sôi. Thế là anh vội vã ra ngoài kiếm thêm củi, khi quay trở lại thì ấm nước đã nguội lạnh. Người thanh niên nhận ra rằng, không nên vội đốt lửa. Anh lại ra ngoài kiếm đủ số củi rồi mới quay trở lại nhóm bếp đun nước, một lúc sau nước bắt đầu sôi.
Vị giáo sư đột nhiên hỏi anh ta: “Nếu không có đủ củi thì làm sao cậu đun được nước sôi?”
Chàng thanh niên suy nghĩ một lúc, rồi lắc đầu.
Vị giáo sư mỉm cười và nói: “Nếu điều đó xảy ra, hãy đổ một ít nước trong ấm đi!”
Chàng trai trầm ngâm gật đầu. Vị giáo sư tiếp tục nói: “Ban đầu, cậu đã quá tự mãn, đặt ra quá nhiều mục tiêu, giống như cái ấm lớn này chứa quá nhiều nước và cậu không đủ củi, vì vậy cậu không thể đun sôi nước. Nếu cậu muốn đun nước sôi thì có thể đổ một ít nước đi hoặc chuẩn bị đủ củi ngay từ đầu.”
Chàng thanh niên chợt nhận ra vấn đề. Anh đã loại bỏ nhiều mục tiêu trong kế hoạch của mình, chỉ để lại những mục tiêu gần, đồng thời dùng thời gian rảnh rỗi để học hỏi nhiều kiến thức chuyên môn khác nhau.
Lời bàn: Việc đặt ra mục tiêu cho bản thân giúp chúng ta có định hướng trong cuộc sống, khích lệ bản thân vượt lên khó khăn và tiến tới thành công. Tuy nhiên khi đặt mục tiêu cần phải có giới hạn, phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của bản thân. Nếu có quá nhiều mục tiêu chúng ta sẽ không thể hoàn thành và dễ trở nên nản chí.
An Du (dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...