Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024
15:27 (GMT +7)

Một số tác phẩm của tác giả Nguyễn Hữu Thịnh

Nghiệp đời   

Truyện ngắn

VNTN - Trẻ con trong làng đã quen. Lão đi đến đâu là kéo theo từng đoàn như theo một người dở. Lão quát mắng cũng như đùa, chẳng đứa nào sợ. Chúng biết, lão rất thích, có lũ trẻ lão đỡ buồn nơi só xỉnh, đôi khi chúng còn giúp được cho lão. Có lúc chúng hô hoán: “Bay ơi Hẩu rắn” tưởng vậy là láo, thế mà lão lại cười hô hố, lão thường vỗ ngực, “bắt rắn là nghề gia truyền nhà lão”. Có khác là đời lão nay tinh vi hiện đại hơn mà thôi.

Dụng cụ hành nghề của lão thật đơn giản. Một cái móc sắt cán rất dài, nhẹ tênh tênh, bên chiếc giỏ đeo sát đít, là một dụng cụ không phải thuổng, cũng không phải dao, vừa đào vừa phát cây được. Không biết lão đánh hơi thế nào, mà khu vực nào, còn mấy con, rắn gì, to hay nhỏ, lão biết, lão bảo hết thì đào 10 ngày cũng chẳng được một con. Có lúc bốc lên, lão nói cứ như rắn trên trái đất này là của lão cả, lão đã cộng trừ trong sổ.

Lão nói “Bắt rắn cũng phải theo mùa, theo thời tiết”. Mùa đông lão mò mẫm ở những thành lũy, vỏ lò gạch cũ, trong những bãi tha ma, tìm hang hốc, hầm hố. Hang ếch thì hẹp, nhẵn bên dưới, hang chuột có dấu chân lấm tấm, còn hang rắn thì tròn loe như hoa muống, nhẵn cả chung quanh, càng vào sâu càng rộng, có rắn thì mùi hôi nồng nặc, càng ngửi mùi hôi càng phả ra. Nếu là hổ mang, hổ lửa thì còn mang theo hơi nong nóng. Đặc điểm này chỉ có lão mới nhận ra. Có hôm cha con lão thắp đèn đào đến khuya ngoài chân núi, lão nói: “Hầm thì không phải một con mà có thể một đôi, một ổ”. Tháng Hai, tháng Ba nắng mới, suốt ngày lão ngửa mặt nhìn lên những bụi tre, ngọn cây, bờ ao, bờ dứa tìm rắn nằm phơi nắng. Bình thường lão dù dờ như người buồn ngủ, nhưng thấy rắn lão tinh nhanh như đánh võ. Lão đưa cái móc vào đoạn giữa con rắn, giật mạnh, làm nó gẫy góc văng thẳng vào người lão, để tay kia vồ lấy cho vào giỏ. Có con chưa chạm người, lão đã bắt gọn, như người thủ môn bắt quả bóng đẹp. Cái bờ rào cây xương rồng nhà tôi, chả bao giờ trông thấy rắn, mà lần nào lão đến cũng bắt được vài con theo kiểu ấy. Có con phát hiện ra người, nó lao chạy như tên bắn, lão vượt lên đón đầu, đưa móc ngang bờ rào giật liên tục, cứ thế chả mấy con thoát.

Có một đôi hổ trâu bằng cổ tay, đen như thạch, đang cuốn lấy nhau, vật vã dưới dìa sông. Có lẽ chúng đang làm cái việc để phát triển nòi giống. Người ta gọi nhau mang gậy gộc ra. Lão xắn quần, xắn áo vội vàng như sợ người ta ăn mất, bụng nghĩ “trời cho của đây rồi”. Mấy thanh niên đòn gánh lăm lăm, dừng lại. Họ muốn được “thưởng thức” “miếng võ tay không” của lão. Thận trọng từng bước dài lấn tới, vừa đi lão vừa cởi áo, khi còn chừng 4m, lão lồng chiếc áo vào hai tay, chìa ra phía trước, bước thêm bước nữa. Đôi rắn đang say với công việc. Nhanh như mèo vồ chuột, lão “bông nhông” một cái như vận động viên lao xuống nước, vo tròn, gói gọn cả đôi rắn vào cái áo. Người đứng trên bờ ồ lên thán phục, lão vênh cái đầu tự đắc, đi lên. Đến mặt đê, đột nhiên một con lòi ra, ngóc cái đầu dài ngoẵng, đôi mắt xanh lè, cái lưỡi đen nhọn, thè ra thụt vào loang loáng như cái máy đe dọa, thách thức, làm lũ con gái ồ lên, giãn ra. Lão vừa quay người được một vòng, con rắn đã đớp cho lão một nhát vào đùi, máu rỉ ra rớt xuống chân thành một vệt dài như cái sọc đỏ. Mọi người kêu lên, lo cho lão vì đây là loài rắn độc. Lão vẫn thản nhiên như không sợ, quơ tay bắt lấy cổ con rắn rút ra dài ngoẵng, béo nục giơ lên khoe với mọi người, rồi dúi đầu nó vào giỏ, dồn xuống, mồm hô hố “ít ra mỗi con cũng có một cân”. Xong xuôi an toàn lão vào vườn vơ lá cây tống vào mồm nhai nhồm nhoàm như bò ăn cỏ.

Người ta về kháo nhau: “Bảy tám mươi ngàn đồng một cân loại này”. Từ ngày mở cửa giao thương với Trung Quốc, ngày nào cha con lão cũng đi bắt rắn và giàu lên. Nhiều người muốn theo học nghề mà không được, nay mai đến con nhái chẳng còn, đúng là “Người khôn của khó” không sai”.

Lòng tham thật vô cùng, lão vừa bị ông cụ Phúc chửi cho một trận nên thân vì tội bắt của cụ con rắn mà gia đình cụ đã nuôi nó có đến chục năm trong nhà. Người đến chơi vẫn thấy nó nằm cuốn tròn như cái ghế nồi cơm trong gầm giường. Có đêm ăn no, nó ngủ ngay trên đình màn giường cụ. Cụ bảo: “Nuôi rắn hơn nuôi mèo, bắt được cả chuột trong hang, lại không ăn vụng”. Với lão Hẩu, nó lại là miếng mồi thèm khát từ lâu. Hôm ấy đi kiếm ăn, nó ngủ ngoài bờ ao, bị lão bắt sống. Khi biết lão đã bán hơn một trăm ngàn đồng, cụ tiếc ngơ, tiếc ngẩn. Cụ căm thù lão, gặp đâu cụ cũng chửi. Lão thì cứ dày mặt ra đấy.

Rát tai, rát mặt, ông cụ trưởng tộc nhà lão gọi sang nói:

- Người ta còn thả trăn, thả rắn vào rừng, còn anh thì cứ ra công đào bới, săn bắt, lợi mình, hại chung. Vậy có nên không? Có nghe dân làng nói gì về cha con anh không? Lão “ối dào” một cái rõ dài, nói gạt phắt đi.

- Lo cho mình không xong, hơi đâu ông cứ lo cái việc của trời cho mệt.

Vốn không hợp tính, mới thế ông cụ đã điên lên:

- Bố anh còn đấy, chưa đủ làm cái bia cho dòng họ này sao! Anh không thấy nhục à?

- Thôi xin ông, đừng nhắc đến bố con làm gì, người xưa dốt nát mới thế, còn bây giờ khác…

Ông cụ sinh ra lão hơn tám mươi còn đấy, nọc rắn đã làm cụ sinh ra quái dị. Đôi mắt trợn lên, cái mồm méo xuống, tay khoèo, chân thọt, mỗi bước đi như cuốc cái đầu xuống đất, trông khó nhọc, tội nợ. Có lần cụ ngồi dưới gốc đa, một người qua đường tạt vào, vừa trông thấy đã ù té chạy, nói không ra hơi. Lão đâu có quan tâm đến điều đó, hàng ngày lão vẫn đi bắt rắn.

Con rắn nhà cụ Phúc bị bắt làm chúng tôi giật mình.

Một hôm cụ Thủ sang nhà tôi vẻ lo lắng:

- Mấy hôm nay rồi ông có thấy lão Hẩu lần mò đến khu vực này không?

- Tôi có thấy, có lẽ lão đã đánh hơi thấy con mang bành của anh em mình rồi sao!

- Thế thì lão bắt mất rồi ông ạ.

- Không, vừa tối hôm kia đi chơi về tôi còn gặp nó bò ngang qua cổng. Vẫn cái đuôi cộc thu lu như cái cán néo lúa. Nhưng không khéo, sớm muộn cũng mất ông ạ!

Ông Thủ sửng sốt:

- Không thể để lão bắt của mình được, phải nói thẳng cho lão biết là chúng ta đã bảo vệ nó hơn hai chục năm nay, nó là của chúng ta, không ai có quyền bắt.

- Vâng tôi cũng nghĩ vậy, ta phải bảo vệ bằng được.

Ông Thủ lo lắng, than vãn. Mèo không còn, cả xóm có con rắn, lại mất thì chuột nó làm loạn.

Hôm sau vừa thấy cái đầu lão chui rúc, ngó nghiêng ngoài bờ ao, ông đã chạy ra nói điều ngăn cản. Lão thản nhiên như không nghe thấy. Ông Thủ lại nói gay gắt hơn. Lão buông một câu:

- Nhà tôi bắt rắn đã ba đời, chưa nghe ai nói ngược đời như ông. Rắn là của trời, chẳng ai có quyền ngăn cấm.

Ông cụ đã thấy nóng rân rân nơi thái dương:

- Thì chúng tôi cũng giữ cho trời, đâu phải riêng tôi. Mấy lại ao nhà chúng tôi, vườn nhà chúng tôi, không bảo vệ sao nó còn cho ông bắt?

Lão ngoảnh phắt ngay lại vênh mồm lên thách thức:

- Tôi sẽ bắt! các ông đi mà kiện!

Rồi lại khom người, cúc cúc cái đầu lần theo bờ máng, thỉnh thoảng lại chui đầu bới móc. Đến cửa cống lão hì hục đào bới hàng giờ trong só rậm, dưới gốc cây cổ thụ. Lúc sau lão soài người chui đầu vào cái hang vừa đào. Bỗng lão giật mình nghe “phì” một cái, mùi hôi nồng nặc, kèm theo hơi nóng phả vào mặt, lão reo thầm trong bụng: “Trời cho của đây rồi”. Sấn xổ đào thêm lúc nữa, lão hớn hở quay ra chuẩn bị làm nốt việc cuối cùng là lôi nó ra cho vào giỏ. Lão giơ cái móc sắt lên ngắm nghía, nắn đi, nắn lại, rồi thận trọng, nghiêng đầu, một tay đưa móc vào hang, tay kia sẵn sàng chặn lấy cổ con rắn, một động tác đã ngàn lần có lẻ thành công. Không chờ phải móc, con hổ mang lập tức lao ra, ngóc cao đầu, hai mắt trợn tròn như hai chấm lửa, cổ bạnh to như cái vỉ ruồi, quyết liệt xông vào lão. Nó liên tục tâng cao lên như cố đớp thẳng vào mặt lão. Giá như người khác thì đã lăn đùng ra mà chết ngất. Song lão vẫn bình tĩnh như đùa với nó. Mỗi lần nó tâng lên lão lại dùng cái móc khẽ gạt nó ngã xuống, nó tiến thì lão lùi. Lão nghĩ: “Giết nó hay làm nó bị thương thì quá dễ. Như vậy, nó sẽ bị sày ra, chảy máu, mất giá, mất tiền, phải bắt gọn”. Con hổ mang vẫn lao tới như muốn giết lão bằng được. Lão đang chuẩn bị thực hiện “miếng võ” bắt lấy cổ nó, bỗng vướng phải mô đất ngã bổ chẩng. Nhanh như chớp, con hổ mang nhào tới cắn vào gót chân lão một nhát như chó cắn, rồi quay đầu chạy thẳng. Nhanh như cắt, lão vùng dạy đuổi theo và lại nhún người “bông nhông” vồ được con rắn trước khi nó lao xuống mương. Con hổ mang bị bóp lè lưỡi vẫn cố sức cuốn vào cánh tay lão mà rúc, còn cái đuôi cộc thu lu thì liên tục quất mạnh từng cái vào mặt lão. Lão đắc thắng cười ha hả: “Cứ hung hăng đi, xem mày được hay ta được”. Rồi lão rút dao cạo răng con rắn nghe sồn sột và tống nó vào giỏ. Sức nặng của con rắn làm người lão vẹo về một bên. Giật mình nghĩ đến vết thương, lão nhảy vào bờ vơ lá, vơ cỏ tống vào mồm nhai như bò, hý hửng đi về. Một đoạn, lão thấy dóng chân nhức buốt, nhìn xuống thấy một vùng tấy đỏ, thoáng lão nhớ ra những thứ lá bài thuốc gia truyền lão vừa ăn, đã qua một ngày rãi nắng, không mùi, không vị. Lão vội rút sợi dây trong túi ra buộc chặt phía trên, nhức buốt tăng lên như lửa bốc. Mặt lão tái đi vì lo lắng, mong chóng đến nhà. Trọng lượng con rắn trong giỏ - niềm vui của lão, giờ đang làm khổ thêm lão.

Khó nhọc lê về đến nhà, lão kêu lên như bò rống, một bên chân sưng to bằng bắp chuối, tím bầm như máu đỉa. Lão cảm như nọc con rắn sắp phá tung sợi dây để xông vào cơ thể lão và lão nghĩ đến cái chết. Bao nhiêu bát nước là uống vào lại ra, không giúp lão dễ chịu lấy một ít. Lão gào lên gọi thằng con: “Mày mang con rắn đi, đắt rẻ cũng bán, lấy tiền đưa tao vào viện, nhanh lên không tao chết mất”.

Thằng Hậu chạy ra, cái giỏ lăn lóc nơi góc sân, con hổ mang đã thoát thân. Tiếng kêu của lão trong nhà, làm nó không tâm trí nào nghĩ đến con rắn nữa.

sĩ nói: “Để cứu ông, không có cách nào khác là tháo khớp gối. Giờ chỉ cần nới “ga rô” là ông chết ngay lập tức”. Lão lại kêu lên nghe thảm thiết: “Bác sĩ ơi cứu tôi với! Nếu được sống tôi không bao giờ quên bác sĩ”.

Sau một giờ làm việc cái chân rắn cắn đã được tách khỏi cơ thể lão, đen sì, dị dạng trông như cái chân trâu toi. Ném vào lò thiêu phả ra mùi khét lẹt, lờm lợm.

Chiều hôm sau tỉnh dậy, lão thấy bâng khuâng, tâng hâng, nhưng nhẹ nhõm dễ chịu hơn nhiều.

Từ đấy đã lâu không thấy lão ló mặt ra cổng. Lắm lúc lão cứ ngồi một mình ngắm cái chân cụt ngủn, thu lu mà khóc tự hận mình. Cái mồm méo xệch tội nghiệp…

Tháng 5/2007

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Trần Văn Chín 

Thư viện tác giả 2 năm trước

Phạm Đức Thỏa

Thư viện tác giả 2 năm trước

Phạm Thị Thanh Xuân

Thư viện tác giả 2 năm trước

Phạm Văn Quý

Thư viện tác giả 2 năm trước

Nguyễn Thị Tứ

Thư viện tác giả 2 năm trước

Nguyễn Thị Kim Ngân

Thư viện tác giả 2 năm trước

Nguyễn Long

Thư viện tác giả 2 năm trước