Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
08:07 (GMT +7)

Ba anh em họ Điền

Người đàn ông và pho tượng

Ngày xửa ngày xưa, người ta từng thờ cúng những vật vô tri vô giác hoặc các đấng linh thiêng để cầu nguyện cho những điều may mắn. Một ngày nọ, một người đàn ông chắp tay cầu nguyện trước bức tượng gỗ mà ông ta nhận được từ người bố. Nhưng vận may của ông ấy vẫn chưa đến. Ông ta tiếp tục cầu nguyện và cầu nguyện nhưng vận may vẫn cứ quay lưng lại với ông ấy. Tới một ngày, trong lúc bực tức vì mãi không cầu được may mắn, ông ta tiến đến bức tượng và đập mạnh làm cho bức tượng ngã nhào xuống. Bức tượng gãy ra làm đôi. Và ông ấy thấy được những gì? Đó là những đồng tiền vàng bên trong bức tượng tuôn ra ngoài trong sự ngỡ ngàng đến vui sướng của ông ta!

Lời bàn: Cứ cầu nguyện mà chẳng chịu hành động, mong ước sẽ khó mà thành hiện thực.

Ba anh em họ Điền

Ngày xưa, có dòng họ Điền, anh em ăn ở với nhau từ đời nọ sang đời kia rất hòa thuận. Về sau, họ này chỉ còn lại có ba anh em. Ba người vẫn chung sống với nhau vui vẻ tử tế, cho đến khi người thứ hai lấy vợ. Người vợ tính tình ích kỷ, lại hay sinh sự, lắm lời, nên không khí trong gia đình không còn được như xưa.

Rồi một hôm người vợ nhất quyết đòi chia gia tài của ba anh em và bắt ép chồng đi ở riêng. Người chồng ban đầu nghĩ tình anh em bấy lâu sum họp mà không nỡ chia lìa, song rồi vì người vợ ngày đêm cằn nhằn khó chịu, kiếm chuyện gây gổ trong nhà, nên rồi cũng đành phải nghe theo vợ, nói với anh em đi ở riêng.

Người anh cả khuyên can không được cũng đành phải chia của cải cha mẹ để lại ra làm ba phần đều nhau. Chỉ còn một cây cổ thụ trước nhà, cành lá sum suê xanh tốt, chưa biết làm cách nào để chia cho đều. Ba anh em cùng nghĩ ngợi, rồi sau cùng quyết định gọi thợ về hạ cây xuống, cưa xẻ thành ván để chia làm ba phần.

Đến hôm định hạ cây xuống, buổi sáng ba anh em ra vườn thì thấy cây cổ thụ đã khô héo tự bao giờ. Người anh cả bèn ôm lấy cây mà khóc nức nở. Hai người em thấy vậy mới bảo anh:

- Một thân cây khô héo, giá phỏng là bao mà anh phải thương tiếc như thế?

Người anh cả đáp lại rằng:

- Có phải anh khóc vì tiếc cây đâu. Song nghĩ vì loài cây cỏ vô tri nghe thấy sắp phải chia lìa mà còn biết buồn phiền khô héo đi, huống gì chúng ta đây là người cùng ruột thịt. Anh thấy cây mà suy đến cảnh ba anh em chúng ta, anh mới phải khóc.

Nghe anh nói, hai người em hiểu ý, đưa mắt nhìn nhau rồi cùng òa khóc. Người vợ xúi chồng đi ở riêng nghe thấy vậy, cũng rơm rớm nước mắt, đâm ra hối hận, cúi đầu xin lỗi hai anh em và thề không bao giờ còn tính đến việc chia lìa nhau nữa.

Từ hôm đó, ba anh em ở lại với nhau êm ấm, vui vẻ như trước.

Cây cổ thụ nọ đã khô héo cũng trở lại xanh tươi như cũ.

Lời bàn: “Anh em như thể tay chân”, đã là người thân ruột thịt trong gia đình phải sống hòa thuận, gắn bó, yêu thương.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thơ châm số 16 (2024)

Ngụ ngôn - thơ châm 1 tuần trước

Thơ châm số 15 (2024)

Ngụ ngôn - thơ châm 3 tuần trước

Thơ châm số 14 (2024)

Ngụ ngôn - thơ châm 1 tháng trước

Thơ châm số 13 (2024)

Ngụ ngôn - thơ châm 2 tháng trước

Thơ châm số 12 (2024)

Ngụ ngôn - thơ châm 2 tháng trước

Thơ châm số 11 (2024)

Ngụ ngôn - thơ châm 3 tháng trước

Thơ châm số 10 (2024)

Ngụ ngôn - thơ châm 3 tháng trước