Là thế hệ 8X sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn, điều kiện để đọc sách, học hành của anh và bạn bè đồng lứa chắc hẳn gặp những khó khăn? Việc đọc sách của anh từ hồi nhỏ được bắt đầu như thế nào?

Tôi may mắn được đọc sách từ rất nhỏ. Ngay lúc tôi nhớ được thì trong nhà tôi đã có sách rồi. Nhà tôi khi đó rất nghèo, có khi nghèo nhất nhì làng vì cả bốn chị em đều đi học. Tuy nhiên nhà tôi lại có tủ sách trong nhà. Bố tôi là một giáo viên dạy toán về hưu rất yêu văn chương và thích đọc sách vì vậy ông đã tích lũy được rất nhiều sách trong nhà cho cả nhà đọc. Mỗi tháng ông lại đạp xe hơn 20km xuống thị xã Bắc Giang mua cho mấy chị em một hai cuốn sách. Qua năm tháng tủ sách cứ thế nhiều lên. Chính vì vậy mà khi 8-9 tuổi tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm lớn hoặc rất dày như “Người mẹ”, “Sông Đông êm đềm”, “Đất vỡ hoang”, “Mục đích cuộc sống”… Thậm chí tôi còn đọc cả những cuốn vượt tuổi như “Một nửa đàn ông là đàn bà” của Trương Hiền Lượng, “Đứng trước biển” của Nguyễn Mạnh Tuấn… Nói chung tôi may mắn hơn rất nhiều trẻ em cùng trang lứa ở làng, ở xã. Ngoài đọc, thi thoảng tôi còn được trao đổi về nội dung sách, cuộc đời tác giả với bố tôi. Bố tôi thường bình luận về nội dung các cuốn sách đó và kể cho chúng tôi nghe thêm về các giai thoại, chi tiết có liên quan đến cuộc đời tác giả rất thú vị. Hồi đó, kể ra cũng là xa xỉ khi trong nhà tôi có tạp chí “Tác phẩm mới” in rất nhiều tác phẩm đương đại của các nhà văn nổi tiếng. Cảnh ngồi bên cửa sổ và chăm chú đọc sách là kỉ niệm êm đềm, thi vị nhất của tuổi thơ tôi.

Một tuổi thơ đáng mong ước đó ạ. Anh từng là giáo viên phổ thông, giảng viên đại học, tổng biên tập nhãn sách, lại từng có 8 năm học tập nghiên cứu về giáo dục tại Nhật Bản. Những công việc này đem lại cho anh trải nghiệm khác biệt như thế nào?

Tôi đã từng làm rất nhiều nghề ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Mỗi công việc lại đem lại cho tôi những trải nghiệm và suy ngẫm riêng. Điều đó rất có ích cho công việc của tôi hiện tại là làm khuyến đọc, dịch và viết sách. Khi còn làm giáo viên phổ thông, tôi có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với trẻ em để hiểu được các em và thế giới mà các em đang sống. Khi là giảng viên đại học tôi hiểu được đời sống, suy nghĩ của thanh niên và những ước vọng cũng như thất vọng, đổ vỡ của tuổi trẻ. Và khi làm cho công ty xuất bản tôi có cơ hội để xem xét, đánh giá các bạn trẻ trong môi trường làm việc cũng như hiểu được giáo dục đương đại gặp phải thách thức như thế nào trong thực tiễn. Không gian trường học đòi hỏi sự mực thước, đúng giờ ở khía cạnh nào đó là khuôn mẫu bởi thế việc làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân giúp tôi có cái nhìn so sánh nhiều chiều về mọi phương diện. Những năm tháng học ở Nhật cũng giúp tôi có một khoảng cách đủ xa để bình tĩnh nhìn nhận lại mọi vấn đề trong cuộc sống, công việc một cách khách quan, đa chiều. Trải nghiệm này giúp tôi nghiền ngẫm mọi thứ và rút ra được những bài học cho riêng mình. Thú vị hơn nữa là có nhiều thứ thuộc về Việt Nam khi mình ở nhà, mình ở gần, thậm chí ở trong nó thì mình không nhận ra, hiểu rõ nhưng khi rời nó, xa nó, đứng ở bên ngoài quan sát thì lại thông suốt. Đấy là những trải nghiệm quý giá.

Trong hành trình của mỗi người tất nhiên có nhiều quyết định, nhưng dường như tựu chung lại cũng chỉ có một quyết định thôi. Tôi muốn nói đến điều này khi nghĩ về việc anh quyết định từ bỏ mọi công việc để trở thành nhà hoạt động giáo dục độc lập…

Với nhiều người việc từ bỏ một chỗ làm hay những danh xưng có vẻ khó. Nhưng với tôi thì không khó lắm. Từ khi tốt nghiệp đại học đi làm tôi thường gặp phải một vấn đề thường trực trong sâu thẳm con người tôi là “mình nên làm việc mình thích hay mình phải kìm nén việc đó để làm điều người khác mong muốn”. Nói thật tôi cũng phải kìm nén một thời gian dài và tích lũy thêm tri thức, hiểu biết… để rồi đến đi đến quyết định là đi làm việc mình thích - mình say mê thay vì việc mình có thể làm nhưng phần lớn là vì mưu sinh thuần túy hay do mong muốn của người khác như cha mẹ, gia đình. Khi chuyển sang làm việc mình thuần túy say mê - khoảng cách giữa công việc và giải trí, thú vui… thu hẹp dần và thậm chí hòa làm một. Nó làm cho tôi làm việc không biết mệt hoặc không khi nào vơi cạn động lực, điều trước kia tôi luôn khao khát. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng việc chọn bỏ đi nhiều thứ để chọn lấy một thứ mình có thể làm tốt nhất và kiên trì theo đuổi nó là quyết định đúng đắn của tôi.

Chúc mừng anh với hạnh phúc từ lựa chọn của mình. Là một dịch giả - tác giả, “người bán sách rong”, diễn giả khuyến đọc, chắc hẳn anh nhận được cũng nhiều mà đánh đổi cũng không ít?

Tôi không thường hay cân nhắc được mất khi lựa chọn mà thường chú tâm hơn tới động lực ở bên trong khi làm công việc đó. Tuy nhiên, nếu nghĩ theo hướng được mất thì đúng là khi trở thành một người “bán sách rong” cũng có được và mất nhiều thứ. Cái mất đi sẽ là “biên chế”, “lương ổn định”, danh xưng “giảng viên đại học”, các mối quan hệ ở cơ quan cũ… Nhưng cái được cũng sẽ rất nhiều: nhiều bạn bè mới, đồng nghiệp mới đa phần rất dễ chịu và thú vị, sâu sắc, cảm tình và sự ủng hộ từ bạn đọc khắp nơi, trong và ngoài nước, thoải mái trong lựa chọn thời gian làm việc và điều chỉnh nhịp độ công việc theo ý mình, có thời gian chăm sóc con cái, dạy các con học, đọc sách cho con nghe và đi đây đi đó. Cái được nhất khi trở thành người làm việc tự do, độc lập với tôi là có được thời gian và sức lực để tập trung vào công việc mình yêu thích từ nhỏ: đọc và viết. Tôi đọc được nhiều hơn, phong phú hơn và viết cũng được nhiều hơn. Mỗi năm tôi đọc được trên trăm cuốn sách các loại và cho đến nay đã dịch và viết được 100 cuốn sách. Cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản năm 2012. Tôi nghĩ số lượng không quan trọng bằng chất lượng và ảnh hưởng nhưng dù sao các con số đó cũng nói lên một điều là tôi đã duy trì được động lực và cảm hứng làm việc bền bỉ, liên tục. Nó có nghĩa rằng tôi làm công việc ấy trong niềm vui bất tận. Với tôi, điều đó quan trọng số một trong công việc. 

Tôi đang cảm thấy ganh tị với niềm vui và công việc của anh đây. Quay trở lại câu chuyện của chúng ta: Thành quả trong câu chuyện khuyến đọc thường lặng lẽ, lâu dài, nhưng cũng có những niềm vui cụ thể nhìn thấy ngay. Anh có thể chia sẻ về những kết quả “kể đếm” được trong việc bán sách, nói chuyện truyền cảm hứng của mình trong thời gian qua?  

Đúng như vậy. Đọc sách là câu chuyện của đời người, của nhiều thế hệ. Nhưng tôi cũng thường xuyên nhận được tin nhắn, email, điện thoại chia sẻ, cảm ơn, động viên của bạn đọc, khán giả trên cả nước. Họ kể họ đã vui như thế nào, giác ngộ như thế nào từ khi đọc sách. Sự kết nối, hợp tác với các anh chị em làm khuyến đọc trên khắp ba miền cũng đem lại sự chia sẻ rất ấm áp cả trong công việc và đời sống. Nói thật tôi thấy hạnh phúc hơn rất nhiều khi trước kia chỉ đi dạy thuần túy ở trong trường. Ngay cả trong các trại giam khi tôi vào nói chuyện khuyến đọc tôi cũng nhìn thấy những giọt nước mắt của tù nhân khi họ chia sẻ về việc đọc sách, học tập theo sách để thay đổi suy nghĩ, thay đổi bản thân. Ngày càng có nhiều trường học, cơ quan, trại giam mời tôi nói chuyện cũng là một bằng chứng cho thấy công cuộc khuyến đọc đang đem lại những kết quả cụ thể, hữu ích, tạo ra cơ hội tìm kiếm, trải nghiệm hạnh phúc của nhiều người, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Anh ước mơ rằng sẽ có một ngày, mỗi gia đình Việt Nam dù là ở thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược, đều có một tủ sách hoặc thư viện. Có người cho rằng điều này khá viển vông, nhưng tôi thì nghĩ đó là một ước muốn lãng mạn và chính đáng…

Nếu như nhìn nhận sách là một thứ vô dụng và đọc sách không đem lại hiệu quả, ích lợi gì thì đúng là viển vông thật vì người ta không cần những thứ đó. Quan sát hiện trạng nông thôn hiện tại và xung quanh ta sẽ thấy lời nói đó có lý khi trong các làng quê không mấy nhà có tủ sách, không mấy người đọc sách.

Tuy nhiên, một khi đã hiểu ra giá trị của sách và việc đọc, việc có một tủ sách trong nhà không có gì là quá khó vì đòi hỏi điều kiện vật chất cho việc đó không quá lớn, một vài triệu là có một tủ sách. Hơn nữa, nhà nào cũng có con đi học. Nếu những người làm khuyến đọc và các cơ quan văn hóa, giáo dục tập trung truyền thông để người dân hiểu rõ học và đọc là một, là song hành, không tách rời, đọc kĩ, đọc sâu, đọc rộng giúp học tốt và học thật, thì người dân sẽ muốn có tủ sách trong gia đình, và chuyện mỗi nhà có một tủ sách không có gì là quá khó.

Tôi rất đồng tình với anh, đòi hỏi điều kiện vật chất cho việc có một tủ sách trong nhà là không quá lớn. Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ với anh về một hiện tượng. Theo tôi quan sát thấy ở Việt Nam ta hiện nay, một số người không có điều kiện thuận lợi về tiền bạc, hoặc gặp khó khăn thiệt thòi về sức khỏe, lại chính là những người đang dấn thấn và làm rất tốt việc cổ vũ đọc sách - dịch sách - viết sách, tạo lập các trạm đọc, xây dựng các tủ sách và thư viện. Anh nghĩ thế nào về câu chuyện này?  

Tôi chưa có nghiên cứu, khảo sát cụ thể để xem hiện tượng anh nói xét ở phương diện thống kê như thế nào, nhưng có một điều tôi nhận thấy là những người làm khuyến đọc sôi nổi, dấn thân hết mình đúng là không phải đại gia tức là những người giàu có nếu xếp theo thang bậc vật chất của xã hội. Điều này có thể làm cho nhiều người nghĩ rằng “Đó thấy chưa. Đọc sách đâu có thể giúp người ta giàu, lắm tiền, có cuộc sống tốt đâu?”. Trong quá trình đi làm khuyến đọc tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi thể hiện sự băn khoăn đó thậm chí một số câu hỏi còn thực tế, trực tiếp hơn là đời sống của tôi - một người làm việc, kiếm sống nhờ viết, dịch như vậy thì thế nào, có phải quá khổ không. Tôi chưa bao giờ né tránh các câu hỏi đó. Có rất nhiều khía cạnh cần xem xét và suy ngẫm thấu đáo ở đây. 

Thứ nhất, khi những người làm khuyến đọc sôi nổi là những người có hoàn cảnh không phải là giàu có thậm chí là người yếu thế, người thiếu may mắn trong xã hội (ví dụ các anh chị em khuyết tật) thì nên nhìn nhận thế nào? Có phải như ở trên đúng như người ta nói là đọc sách không giúp gì cho cuộc sống tốt lên không? Tôi cho rằng nói như vậy là sai. Hơn ai hết, những người khuyết tật, những người đã từng bị cuộc đời, hoàn cảnh đẩy xuống tận đáy, những người trải nghiệm rất nhiều khổ đau và khó khăn sẽ hiểu rõ mục đích cuộc đời và giá trị việc mình cần làm trong cuộc đời. Trong khoảng thời gian có hạn và sức khỏe có hạn của mình, họ dành thời gian và công sức cho đọc sách là vì họ thấy ý nghĩa cuộc đời của họ ở đó và tin rằng, thấy rằng sách đem lại giá trị tương tự cho người khác. Không nên so sánh đời sống vật chất của họ với những người ở xung quanh là những người khỏe mạnh may mắn hơn mà phải so toàn diện đời sống của họ trước và sau khi đọc sách. Theo tôi được biết thì có rất nhiều anh chị em làm khuyến đọc trước khi đến với sách hay hoạt động khuyến đọc đã có sức khỏe kém và gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng sau khi tìm đến với sách và hoạt động khuyến đọc thì cuộc sống trở nên rộng lớn, hạnh phúc và tốt hơn trước rất nhiều, đặc biệt ở phương diện động lực sống, trải nghiệm ý nghĩa cuộc sống trong đời thường. 

Thứ hai, nhiều người khỏe mạnh như tôi nhưng có cuộc sống vật chất không phải là giàu có cũng đi làm khuyến đọc. Những anh em làm khuyến đọc như anh Đỗ Tiến Thành, thầy Bùi Văn Đông, Nguyễn Quang Thạch… cũng không phải là đại gia. Mọi người đều phải tằn tiện và lao động cật lực mới có thể trang trải cho cuộc sống của cá nhân và gia đình. Tuy nhiên mục đích và giá trị cuộc đời tôi nghĩ không thuần túy được đo đếm bằng vật chất nhìn thấy, lượng hóa hay bán được như nhà cửa, xe cộ, vàng bạc, tiền mặt… Nó còn nằm trong nhiều thứ khác như sự tôn trọng của người xung quanh, cộng đồng, giá trị nhiều tầng, nhiều dạng thức trong đó có niềm tin, cảm hứng, động lực, sự tin cậy… đem đến cho người khác. Do vậy, lấy vật chất là tiêu chuẩn duy nhất để soi xét thành công đời người là phiến diện và không phù hợp với những người không lấy mục đích tích lũy nhiều tài sản là mục đích của đời mình. Nếu suy nghĩ và phán xét theo hướng đó thế giới này làm gì có nhà tư tưởng, nhà khoa học, nhà tu hành, nhà phát minh… Cũng chẳng có văn chương, âm nhạc, hội họa…

Thứ ba, có nhiều anh chị em có điều kiện kinh tế cũng đi làm khuyến đọc nhưng vì nhiều lý do họ không muốn nổi bật, không muốn đề cập đến tên tuổi mình. Nhưng cống hiến của các anh chị ấy rất đáng trân trọng.

Cuối cùng, hiện tượng những người có điều kiện về vật chất tốt nhưng chưa tham gia vào khuyến đọc, những người có thành công, thành đạt ở các phương diện và xã hội quan tâm như địa vị xã hội, học hàm, học vị… mà chưa đi làm khuyến đọc cũng nói lên rằng câu chuyện về trách nhiệm xã hội và ý thức công dân ở đất nước ta vẫn là câu chuyện của nghìn năm. Nó là một câu hỏi lớn về triết lý nhân sinh và cái tâm, cái tầm, cái thổn thức của người có học, là câu chuyện về sự thống nhất giữa hình thức và nội dung, giữa danh và thực. Đấy là vấn đề cần phải nhận thức lại và suy ngẫm thật sâu. 

Tôi rất tán thành cách nhìn vấn đề ở nhiều góc độ như vậy, cả những lí do bề mặt và cả những căn nguyên bề sâu. Nói đến những cái khó trong con đường khuyến đọc, chúng ta đều biết rằng nó vô cùng lớn, như anh nói là con đường gian nan vạn dặm. Nhưng trong chồng chất những cái khó ấy, theo anh, vấn đề then chốt để mở khóa ở đây là gì?

Vấn đề then chốt nằm ở chỗ người ta có nhận ra vấn đề của xã hội, của cá nhân và hiểu rằng muốn từng bước giải quyết điều đó thì cần học hỏi để tiến bộ, để sống hạnh phúc hơn hay không. Khi họ thấy rằng cuộc sống hiện tại quá viên mãn, chẳng có vấn đề gì cần phải lo lắng, suy nghĩ giải quyết hoặc là cho rằng có thể giải quyết nó thuần túy bằng kiếm nhiều tiền hơn, bằng mê tín… thì mọi việc sẽ không biến chuyển. Vì vậy điều quan trọng nhất là làm cho mọi người hiểu đọc chính là học, đọc chính là con đường để hoàn thiện bản thân và cải tạo xã hội.

Chúng ta thường nghĩ nhiều đến cái giá phải trả nếu thay đổi, mà không nghĩ đến cái giá phải trả nếu không thay đổi. Việc ít đọc sách ở ta có phải cũng từ tâm thế không muốn/dám thay đổi?

Ở nước ta chiến tranh liên miên và kéo dài khiến cho việc sinh tồn gắn với nhu cầu ăn, mặc, ở được ưu tiên số một. Nền kinh tế nông nghiệp thô sơ dựa chủ yếu vào ưu đãi của thiên nhiên và sức người đơn giản cũng góp phần tạo nên sự trì trệ. Tuy nhiên thực tế thì tài nguyên chúng ta đang dần cạn, thế giới toàn cầu đang thách thức năng lực cạnh tranh của Việt Nam ở mọi phương diện. Nếu người Việt Nam không ý thức rõ vấn đề này để nâng cao năng lực, nhận thức của bản thân từ đó để lại nền móng, di sản cho thế hệ con cháu thì rất nguy hiểm. Trước kia chỉ cần học một lần một thứ nào đó có thể hữu dụng cả đời kiểu như thi đỗ cử nhân, tiến sĩ được triều đình bổ dụng thì cả đời làm quan, nhưng thời đại bây giờ không phải là như vậy nữa, nó sẽ thay đổi rất nhanh, đòi hỏi cá nhân và cộng đồng phải thay đổi, học hỏi để thích ứng. Đó là vấn đề quan trọng cần phải làm cho càng nhiều người hiểu càng tốt.

Vậy thì tôi cũng hiểu hơn tại sao anh luôn sẵn lòng đến nói chuyện với mọi nơi, mọi người. Nếu so sánh giữa các cuộc nói chuyện khuyến đọc với người lớn và với trẻ em, anh thấy có sự khác biệt thế nào? Điều gì đem lại cho anh hi vọng và động lực để đi tiếp con đường gian nan vạn dặm này?  

Trẻ em giàu năng lượng, can đảm và tươi mới hơn. Người lớn ngại chia sẻ ý kiến, suy nghĩ của mình và cũng ngại thảo luận. Nói chung người lớn mất đi sự can đảm hồn nhiên vốn dĩ thuộc về bản chất của con người. Đây là lực cản khiến cho nhiều người rời sự kiện, hội thảo lại trở về vạch xuất phát ban đầu khi không thắng được sức ỳ, sự lười biếng và tâm lý an phận thủ thường hoặc né tránh vấn đề vốn thường trực ở họ. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì khuyến đọc ở mọi đối tượng vì người lớn là phụ huynh, cán bộ, giáo viên… họ tác động trực tiếp tới cơ hội đọc, thói quen đọc, tần suất đọc, chất lượng đọc của học sinh, trẻ em. Họ cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình và nỗ lực tạo điều kiện tối đa cho con em họ đọc. Mối quan hệ lợi ích từ việc đọc đem lại cho con cháu họ là một căn cứ để chúng tôi tin rằng họ sẽ dần dần thay đổi khi nhận ra điều đó. Tức là đọc sách là vì chính họ, con cháu họ, gia đình họ chứ không phải vì chúng tôi.

“Những gì tay người gieo xuống/ Đất sẽ thực hành phép nhân”. Khi viết những câu thơ này, có thể anh đang muốn trò chuyện với chính mình. Nhưng tôi thấy rằng, nó cũng là một lời mời gọi tin cậy cho những ai muốn đi con đường của người trí thức dấn thân…  

Ở Việt Nam xuyên suốt lịch sử đều gặp vấn đề về cầu nối và sự lan tỏa giữa số ít nhận ra vấn đề với số đông dửng dưng vô cảm hoặc chưa nhận ra vấn đề, giữa số ít dấn thân, nỗ lực và số nhiều bàng quan… Vì vậy khuyến đọc cần phải làm cho số người nhận ra vấn đề, nỗ lực giải quyết vấn đề nhiều lên. Bài thơ kia tôi viết khi ở độ tuổi đôi mươi, lúc đó chưa hình dung được một ngày tôi sẽ đi làm khuyến đọc, nhưng bây giờ đọc lại tôi nghĩ nó phần nào thể hiện triết lý khuyến đọc của tôi. Tôi rất mong sẽ ngày càng có nhiều người yêu sách ở mọi giai tầng, hoàn cảnh tham gia cùng chúng tôi trong sự nghiệp khuyến đọc để đẩy nhanh tốc độ, quy mô và hiệu quả. 

Anh là người đang hằng ngày góp dựng cầu nối đó, vun đắp vào sự lan tỏa đó. Mong anh luôn nhiều cảm hứng trên con đường của mình để hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc. Trân trọng cảm ơn.

Thực hiện: PHẠM VĂN VŨ

Ảnh: THANH LÊN

Đồ họa: LÊ TÚ

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục