Chị không phải là người dân tộc thiểu số, cũng không sinh ra và lớn lên ở miền núi, nhưng đến nay lại gắn bó đặc biệt với việc nghiên cứu văn hóa, văn học khu vực này. Đó là câu chuyện công việc và làm nghề, hay còn bởi một nguyên cớ riêng tư nào khác?

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Cảm ơn câu hỏi của anh đã giúp tôi nhớ lại câu chuyện cách đây 17 năm.

Tôi đến với văn học dân tộc thiểu số ban đầu là do có sự gợi ý từ thầy hướng dẫn. Lúc tôi chuẩn bị làm luận văn cao học, GS. Mã Giang Lân - mới đây ông được trao giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ (lĩnh vực Văn học) - khi bàn luận về những lựa chọn có nhắc tới từ khóa “nhà văn dân tộc ít người”. Giáo sư cho rằng đó là một “thử thách” bởi khu vực văn học ấy còn ít được nghiên cứu, thậm chí ít được nhắc tới trong chương trình đại học và cao học. Đúng như một cơ duyên, tôi nói với thầy rằng em sẽ thử tìm tư liệu và đọc xem sao. Thế rồi tôi bị cuốn vào nó với một sức hấp dẫn đến nay vẫn chưa có ý định dừng lại.

 

Một cơ duyên đã bắt đầu từ ít nhất là từ 17 năm trước và cuốn chị vào đến như vậy, hẳn là nhiều hấp dẫn, vẫy gọi rồi. Nhưng trên những ngả đường tìm đến với văn hóa, văn học các dân tộc thiểu số, chị có thấy mình gặp phải những cách trở, lạ lẫm?

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Cách trở thì vô vàn anh ạ. Nhưng thực ra lựa chọn nào cũng sẽ có những khó khăn riêng. Tôi háo hức với một mảng văn học mà trước nay chưa từng biết đến, và cũng vấp phải rất nhiều những “lỗ hổng” mà tôi buộc phải ngày một ngày hai bổ khuyết. Và sự tìm hiểu thâm nhập ấy đến nay, với tôi, vẫn là một thách thức cần đầu tư một cách cần mẫn và nghiêm túc. Chỉ có điều, tôi không thấy xa lạ với khu vực văn học này. Có lẽ đó là do mối duyên lành mà đến giờ tôi vẫn được may mắn tham gia vào những sinh hoạt của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và đồng hành cùng những cây viết trẻ trong các trại sáng tác. Việc “ba cùng” như cách chúng tôi vẫn thường nói vui, đã cho tôi cảm giác ngày càng thân thuộc.

Nếu là người dân tộc thiểu số, có lẽ chị đã được bù đắp bằng cảm giác về sự thân gần trong cuộc. Nhưng tôi cũng nghĩ, đôi khi khoảng cách lại là điều rất thú vị và cần thiết…

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Như chúng ta vừa đề cập đó, tôi cảm thấy sự thân thuộc không phải vì tôi là người trong cuộc, mà vì tôi được đắm mình vào không gian văn hóa của các dân tộc thiểu số. Tuy thế, tôi vẫn không là người bước ra từ đời sống văn hóa ấy, cái nhìn đôi lúc sẽ mang sự “phản biện” rất lý tính, có thể diễn đạt như thế chăng?

Ý hỏi của anh rất thú vị, thú vị như chính khoảng cách được tạo ra để tôi có được một độ giãn cách mà quan sát, tìm hiểu và chia sẻ những ý kiến của riêng mình về khu vực văn học này. Tôi trộm nghĩ, cũng như cách mà các nhà Việt Nam học nước ngoài vẫn dành những nghiên cứu về chúng ta vậy. Họ không phải người Việt Nam, nhưng sự say mê của họ với nền văn hóa chúng ta đôi khi mang lại một cái nhìn khác. Và do đó, những quan sát của tôi có thể bổ khuyết phần nào hay không, cho những gì mà các chủ thể bỏ qua vì chính sự thân thuộc?

 

Có nhiều người đã thở dài sốt ruột rằng văn học dân tộc thiểu số vẫn chỉ đang ở bên cạnh chứ chưa nhập vào dòng chảy chung. Cũng có không ít người bình thản cho rằng thực ra đó là một cách hiện hữu tự thân của nó. Là một người nghiên cứu gắn bó, chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Câu hỏi của anh có hai từ khóa mà tôi nghĩ là đáng để suy tư một cách thật chậm. Đó là “dòng chảy chung” và “hiện hữu tự thân”.

 

Năm nay là tròn 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, tôi nghĩ tới ba nguyên tắc được Đề cương nêu rõ: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa. Nguyên tắc thứ nhất được nêu ra trong điều kiện đất nước còn trong chế độ thuộc địa. Bởi vậy, việc chống lại ảnh hưởng nô dịch là nhằm đến tinh thần độc lập quốc gia về mặt văn hóa. Điều này vẫn luôn đúng trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay khi nền văn hóa quốc gia phải đối mặt những làn sóng văn hóa ngoại nhập. Sự vận động của một nền văn hóa quốc gia đa dạng về sắc tộc như Việt Nam luôn hướng đến tính phong phú, tự chủ của từng dân tộc. Bởi thế, như anh đề cập, vẫn cần và rất cần phát huy được sức mạnh của tính đa dạng và phong phú của 53 dân tộc thiểu số trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam.

Tôi muốn và tôi mong nền văn học này không đi xa rời dòng chảy của nền văn hóa chung nhưng hãy cứ “hiện hữu tự thân”, tồn tại như chính nó đang có thôi. Bản thân sự tồn tại đó đã mang nhiều ý nghĩa lắm rồi.

 

Đó là khi chúng ta đặt văn học các dân tộc thiểu số trong thế tương quan với cả nền văn học Việt Nam. Vậy khi nhìntừ trong nội tại tự thân, sự chuyển động của văn học dân tộc thiểu số nằm ở điều gì là cốt yếu?

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Những chuyển động của văn học dân tộc thiểu số vẫn luôn vận hành theo sự đổi khác của xã hội. Tuy thế, có một đặc trưng quan trọng đó là các tộc người luôn trong trạng thái di cư “đến và đi” khiến cho sự cư trú xen cài rộng khắp. Điều ấy mang đến những giao thoa văn hóa; và, giao tiếp văn hóa vừa làm “đứt đoạn truyền thống” vừa trở thành động lực “đổi mới truyền thống”, như cách dùng của GS Ngô Đức Thịnh.

G.Deleuze đã quan tâm tới tiến trình “giải lãnh thổ hóa”. Ôngđề cập đến những tiếng nói “nhỏ bé” như nhà văn Tiệp gốc Do thái Kafka trong một nền văn học Đức. Tôi cũng muốn nói như thế tới những khu vực văn học thiểu số bên cạnh những dòng văn học chiếm ưu thế như văn học người Việt. Bản thân việc giải lãnh thổ hóa bao hàm trong bản thân nó quá trình tái lãnh thổ hóa. Chúng ta luôn mở rộng những đường biên để dung nạp thêm yếu tố mới. Vì thế, hãy cứ hiện hữu tự thân như trên chúng ta vừa nói,bởi vấn đề quan trọng của mỗi nền văn học chính là tính độc đáo. Gìn giữ được tính dân tộc, tính độc đáo chính là yếu tố thể hiện bản lĩnh văn hóa của một dân tộc: bản lĩnh “đứng vững” trước những chuyển động phức tạp, bản lĩnh “đồng hóa” các yếu tố ngoại nhập để làm giàu có hơn nền văn hóa vốn có. Và lúc ấy, văn hóa mới được tạo ra lại trở thành một truyền thống mới, giá trị mới để tiếp tục tham gia chung sức vào quá trình tự khẳng định.

Quá trình tự khẳng định của một nền văn học bắt đầu từ quá trình khẳng định của mỗi tác giả. Các tác giả dân tộc thiểu số dường như luôn đứng giữa hai thôi thúc cùng lúc: Quay về sắc diện riêng của tộc người và hướng đến cái phổ quát của con người. Chị có nghĩ rằng đây là một khó khăn, thậm chí là một mâu thuẫn?

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Không mâu thuẫn anh ạ. Tôi lấy ví dụ từ quan sát sáng tác của một nhà văn người Tày Cao Bằng, là Cao Duy Sơn.

Đề tài trong sáng tác của Cao Duy Sơn thể hiện sự gắn bó của ông với quê hương, nhưng mặt khác cho thấy, ông cần phải bước xa hơn không gian Cô Sầu để vươn tới người đọc các vùng miền khác. Lối viết của Cao Duy Sơn trong Chòm ba nhà, Biệt cánh chim trời như nỗ lực tái diễn giải truyền thống văn hóa trong tiểu thuyết. Theo chúng tôi, hành trình khởi từ truyền thống đi đến hiện đại qua ba yếu tố: giọng điệu trữ tình, sự thực hành văn hóa và việc chất vấn những mẫu gốc truyền thống - đó là những cách để tác phẩm của ông gợi được hứng thú ở bạn đọc ngoài mảnh đất Cô Sầu. Chất Tày trong sáng tác vừa như một sợi dây níu giữ vừa như một hành trang để Cao Duy Sơn thực hiện một tiến trình đi xa khỏi không gian Cô Sầu quen thuộc. Cuộc đi ấy thực chất vẫn là một cuộc trở về khi sáng tác của ông dù đến được với bạn đọc ngoài biên giới bản làng nhưng vẫn không trở nên xa lạ với chính những nguyên mẫu, những chủ thể của không gian ấy.

Và kinh nghiệm ở đây là gì, là sự dàn xếp hài hòa của nỗ lực tái diễn giải truyền thống văn hóa trong cuộc sống thời hiện đại.

 

 

Đọc những người viết trẻ dân tộc thiểu số hôm nay, chị thấy họ có nhiều kết nối với thế hệ trước của mình không?

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Thế hệ trước đã tạo nên những giá trị, tạo nên những định hình khác biệt cho khu vực văn học này. Cho đến nay, văn học các dân tộc thiểu số vẫn luôn có cách biểu hiện riêng, có truyền thống văn hóa riêng. Điều này tạo ra một bệ đỡ ảnh hưởng không nhỏ tới sáng tác của các cây bút trẻ. Việc “kết nối” tôi thấy có, thậm chí biểu hiện rất rõ. Đây là một dấu hiệu đáng mừng và cũng không hoàn toàn khiến tôi yên tâm, bởi nhiều khi “trở lực” đến chính từ những ảnh hưởng, tiếp nối các giá trị đã được khẳng định, các phong cách viết đã thành “chuẩn mực”. 

Sự ảnh hưởng, tiếp nối là cần thiết, nhưng những “chuẩn mực” cũng dễ khiến người viết đi sau gặp khó khăn trong việc tạo ra những khác biệt. Bối cảnh đời sống và không khí sáng tạo của mỗi thời mỗi khác. Chị nhìn nhận thế nào về những khác biệt này trong tác phẩm của những người viết trẻ dân tộc thiểu số giai đoạn này?

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Thời điểm hiện tại, cuộc Cách mạng 4.0, xu hướng toàn cầu hóa… tạo ra quá nhiều thách thức nhưng cũng đem đến sự thuận lợi cho người viết trẻ. Nhiều trong số đó được đào tạo bài bản, có điều kiện tiếp xúc sớm và sâu với các nền văn học khác. Họ đã và vẫn khác biệt, chỉ có điều, họ chiếm lĩnh đời sống và tạo được dấu ấn đáng kể hay không, tôi nghĩ cũng vẫn bởi chính bởi tài năng và vốn sống của chính họ.

 

Không phải cứ khác biệt thì nghĩa là mới mẻ. Chị thấy những người viết trẻ dân tộc thiểu số hôm nay đã có thể coi là mới mẻ chưa?

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Sự khác biệt theo tôi luôn mang đến cái mới mẻ. Nhưng, chúng ta nên hiểu thế nào là “khác biệt”. Nếu bám giữ vào chất liệu đã có, không tạo được giọng điệu riêng thì trở thành cũ kĩ, nhưng vẫn chất liệu đã có, được xử lý bằng một cái nhìn mới, thì tạo ra điều khác biệt. Đây là câu chuyện muôn đời giữa đề tài và chủ đề trong sáng tác nghệ thuật. Nam Cao khi viết về nông dân thì trước ông đã có Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố,… nhưng ông viết vẫn mới, vẫn lạ. Với các cây bút trẻ dân tộc thiểu số, “giáo viên cắm bản” trong những truyện ngắn, “vẻ đẹp núi rừng” trong những trang thơ… tôi nghĩ là những đề tài hoàn toàn có thể “khác biệt” hơn những gì đã và đang được trình hiện. Bên cạnh việc bày tỏ những tình cảm ca ngợi quê hương, hướng cái nhìn tri ân về quá khứ… nên chăng cần đào sâu hơn nữa để khám phá thân phận con người vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bởi ở đó không chỉ là sự phát triển, thích nghi mà còn rất nhiều hệ lụy của công cuộc di cư và hội nhập.

Ở đây, tôi nhớ đến một câu nói của Gorky rằng, nhà văn là giác quan của nhân dân, của cộng đồng. Điều mới mẻ sẽ xuất hiện khi sự nhạy bén của mỗi tác giả được đánh thức để thể hiện trọn vẹn những mong muốn, những khát vọng của cộng đồng.Vậy nên sự khác biệt là cần thiết, cần được giữ gìn như là tiền đề cho những cái mớisẽ xuất hiện nếu mỗi tác giả trẻ dân tộc thiểu số tự trau dồi, tích lũy đủ vốn tri thức và từng trải để vượt khỏi những ràng buộc quen thuộc, những khuôn mẫu truyền thống.

 

 

Nói về sự tích lũy tri thức và từng trải, điều mà chúng ta đang bàn, tôi nghĩ đến câu chuyện về tiếng mẹ đẻ. Trong phạm vi những gì tôi quan sát được, rất ít, rất hiếm tác giả dân tộc thiểu số bây giờ viết bằng tiếng mẹ đẻ. Theo chị, đó là một vấn đề, hay là chuyện bình thường?

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Có một thực tế là, hầu hết các nhà văn nhà thơ dân tộc thiểu số dùng tiếng Việt làm phương tiện sáng tác. Không ít tác giả đã được “chất vấn” về điều này. Một lẽ giản đơn là họ sống trong môi trường ấy, và có vẻ nghịch lý là chính môi trường ấy sẽ giúp cho sáng tác của họ vượt khỏi cái vòng địa phương, cục bộ. Dĩ nhiên lý tưởng nhất là họ viết bằng chính tiếng dân tộc mình, nhưng có một câu hỏi ngược lại có thể được đặt ra: sẽ có bao nhiêu độc giả cho những sáng tác ấy? Bởi chính độc giả mới cho phép một nhà văn khẳng định sự tồn tại của mình. Đó là một giới hạn đầy nghịch lý nhưng thực tế với sáng tác của các nhà văn trẻ dân tộc thiểu số. Trong lịch sử văn học Việt Nam cũng như thế giới, trường hợp các tác giả như Nguyễn Du, Cao Bá Quát viết thơ chữ Hán, Tagore sáng tác bằng tiếng Anh… không hiếm. Bởi thế tôi cho rằng, đó cũng là một lựa chọn trong nhiều lựa chọn khi sáng tạo. Vậy nên tôi cho rằng, thay vì đi tìm những điều lý tưởng, chúng ta hãy chung tay tìm cách giải quyết cái thực tế một cách khoa học.

Thế hệ những nhà văn nhà thơ đặt nền móng như Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại, Bàn Tài Đoàn…; sau này với Y Phương, Mai Liễu, Dương Thuấn, Inrasara… và trẻ hơn như Nông Thị Tô Hường, Hoàng Chiến Thắng… đều đã có những sáng tác bằng tiếng dân tộc. Tuy thế, nhiều tác giả chỉ được biết đến rộng rãi khi dịch sang tiếng Việt. Và thậm chí bây giờ sẽ là thời đại của tiếng Anh. Câu chuyện đặt ra là, với thế hệ trẻ hiện nay, đâu là chất kích thích sáng tạo, đâu là động lực? Hoặc đúng hơn là họ có tìm được và tạo ra một lớp độc giả cho chính mình hay không?

Tìm được và tạo ra một lớp độc giả cho chính mình, đó là đòi hỏi không thể khác được. Trong thâm tâm chị chờ đợi, mong mỏi điều gì nhất từ những người viết trẻ dân tộc thiểu số?

TS Đỗ Thị Thu Huyền: Tôi cho rằng hãy cứ hiện hữu tự thân, hãy cứ kiên trì để trước hết làm hành trang đủ đầy cho chính mình về tri thức và nghiệm sinh. Sau rồi, những điều đó có thể cho phép những nhà văn dân tộc thiểu số tạo nên những giá trị mới, tiếp tục tham gia vào quá trình làm giàu có nền văn học dân tộc mình. Hãy cứ đừng sợ bị hòa tan, vì chỉ có sự dũng cảm của những con người mạnh mẽ mới cho phép ta đối diện với đòi hỏi khắc nghiệt, bước qua giới hạn của chính mình. Nhờ vậy bản sắc của những cộng đồng dân tộc thiểu số không còn khuôn trong những giới hạn của truyền thống mà trở nên hiện đại và năng động. Đấy là những điều kiện tốt nhất cho một sự phát triển của văn học dân tộc thiểu số trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

Trân trọng cảm ơn chị với những câu chuyện mà tôi nghĩ rằng không chỉ nhiều người viết dân tộc thiểu số quan tâm, chia sẻ. Chúc chị tiếp tục tìm thấy nhiều niềm vui ý nghĩa trên hành trình của mình./.

Thực hiện: PHẠM VĂN VŨ

Ảnh: THANH LÊN

Đồ họa: LÊ TÚ

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục