Thường thì vào lúc khởi đầu, người ta không hình dung được quá nhiều về hành trình sẽ bước vào, nhưng tôi vẫn cho rằng nó sẽ là những ấn tượng đặc biệt để đến khi ngoái lại chúng ta sẽ có rất nhiều điều để nói. Ông đã bắt đầu với ngôn ngữ Đức như thế nào?
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Có thể nói điều đó đến với tôi như một định mệnh. Năm 1979 tôi tốt nghiệp cấp III phổ thông với một kỷ niệm buồn mà nó còn ám ảnh tôi nhiều năm trong đời, đó là việc tôi thi trượt đại học, mặc dù học lực của tôi trong những năm học trước đó luôn đạt loại khá, giỏi. Sau đó, do nhà nghèo, tôi không có điều kiện học thêm để thi tiếp vào năm sau nên tôi quyết định đi học nghề tại Trường Công nhân Cơ điện Việt Bắc. Khi tôi học nghề thợ nguội được sáu tháng thì được Nhà nước chọn đi học nghề ở Tiệp Khắc theo diện con em liệt sĩ. Trong thời gian tập trung ba tháng tại tỉnh Bắc Ninh để đi Tiệp chúng tôi đã được học tiếng Séc. Thế nhưng trước khi lên đường hai ngày thì bất ngờ một mình tôi trong đoàn được chuyển sang đi học nghề tại Đức. Và tất nhiên sau đó tôi đã học tập bằng tiếng Đức tại Cộng hoà dân chủ Đức.
Hẳn là những trải nghiệm đã để lại trong ông nhữngđiều ấn tượng, tâm đắc về con người, văn hóa Đức?
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Đầu tiên phải nói đến việc người Đức rất đúng giờ và làm việc có nguyên tắc. Ở Đức có thành ngữ “Pünktlich wie die Maurer”, dịch nôm na ra tiếng Việt thì là “Đúng giờ như những người thợ xây”, thành ngữ này bắt nguồn từ định kiến được truyền bá trong dân gian rằng những người thợ xây đặc biệt khao khát tới việc kết thúc chính xác thời gian làm việc đã thoả thuận của mình; nghĩa của thành ngữ này theo từ điển Đức - Đức là “rất đúng giờ, đúng đến từng phút.”
Dịch giả Phạm Đức Hùng thời còn sinh sống và học tập tại Cộng hòa dân chủ Đức
Còn nói về văn hoá thì rộng, trước hết phải nói đến văn hoá ứng xử, những câu cửa miệng của người Đức là “cám ơn” và “xin lỗi”, họ ứng xử văn minh, giao tiếp lịch sự, tôn trọng người khác, đề cao tự do cá nhân. Người Đức bảo tồn và phát huy rất tốt những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, trong đó không thể không nhắc đến lễ Noel, chợ Giáng sinh và hội hoá trang, mỗi lần đi chợ Giáng sinh là một lần người ta có cảm giác như lạc vào thế giới cổ tích, thật thú vị giữa thời tiết giá lạnh của mùa đông với tuyết rơi trắng trời mà được thưởng thức vài ly rượu vang nóng (rượu Glühwein) tại chợ. Và sẽ là thiếu sót nếu không nói đến văn hoá ẩm thực của người Đức với các loại xúc xích hảo hạng và rất nhiều loại bia khác nhau.
Rồi đến văn hoá đọc sách của người Đức nữa, người Đức có thói quen đọc sách bất cứ khi nào họ rảnh và ở bất cứ đâu, tại nhà ga, sân bay, trên các phương tiện giao thông v.v., thậm chí cả ở nơi nghỉ mát nữa, Đối với người Đức, quà tặng có ý nghĩa nhất là sách, bản thân tôi cũng đã nhiều lần được các thầy, cô giáo và bạn bè người Đức tặng sách. Kế đến là văn hóakhỏa thân (Freikörperkultur (FKK)) của người Đức, khi cả bố mẹ và con cái đều tắm khoả thân bên nhau một cách rất tự nhiên ở nơi công cộng, điều mà khiến các học sinh Việt Nam như chúng tôi đều “mắt chữ A mồm chữ O” khi lần đầu chứng kiến…
Vậy việc dịch văn học đã đến với ông như thế nào? Đó là một lựa chọn có chủ đích hay là một sự ngẫu nhiên của số phận?
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Do thành tích học tiếng Đức rất tốt của tôi, ngay năm thứ hai học nghề, tôi đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà dân chủ Đức chọn đi phiên dịch tiếng Đức cho một đoàn học sinh Campuchiatrong vòng sáu tháng, vì trưởng đoàn học sinh Campuchia chỉ nói được tiếng Việt và không nói được tiếng Đức.
Hồi đó tôi đã mua một cuốn tiểu thuyết “Phụ nữ không chồng” của nhà văn Joachim Knappe để đọc và ấp ủ một ước mơ là sau này sẽ dịch ra tiếng Việt. Cũng nhờ thành tích xuất sắc trong học tập năm 1983 tôi được Trường Dạy nghề Ernst Thälmann của Liên hiệp Carl Zeiss Jena và Đại sứ quán chọn đi học tại Trường Đại học tổng hợp Karl - Marx - Stadt (Technische Universität Karl - Marx - Stadt), nhưng thật không may là tôi phải bỏ dở việc học vì bị ốm và phải về nước. Và ước mơ dịch văn học của tôi tưởng chừng đã tan vỡ.
Sau khi về nước, tôi đi làm công nhân ở nhà máy Cơ khí mỏ Bắc Thái (sau đó là nhà máy Z159 trong một thời gian ngắn). Làm những công việc chẳng đúng ngành được đào tạo bài bản ở Đức, chán, tôi quyết tâm vừa đi làm vừa học tiếp tiếng Đức, thầy dạy tôi là PGS – TS Đỗ Ngoạn, người đầu tiên dịch vở kịch thơ vĩđại Faust của Đại thi hào Goethe (Đức) ra tiếng Việt, ngày tôi đi làm, tối tôi đếnphòng làm việc của Thầy tại trường Đại học Sư phạm Việt Bắc để học. Sau khi học xong giáo trình dành cho sinh viên nước ngoài học đại học tại Đức vào năm 1989, tôi đi thi lấy bằng tiếng Đức tại Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội).
Được một thầy giáo dạy tiếng Đức của trường là thầy Lê Công Tú giới thiệu đi làm phiên dịch cho một nông trường cà phê Việt - Đức ở Tây Nguyên, nhưng lúc này các chuyên gia Đức đã rút hết về nước sau sự kiện tái thống nhất nước Đức, nên vốn tiếng Đức của tôi lại “ế ẩm”. Tôi làm đủ thứ nghề để kiếm sống, bán cà phê - karaoke, buôn bán phụ tùng ô tô, chế bản điện tử, dạy tin học.
Từ năm 1994, tôi bắt đầu dạy tiếng Đức cho nhiều học sinh, trong đó có cả giáo viên của các trường đại học ở Thái Nguyên muốn đi du học tại Đức. Khi nhu cầu dịch văn bản tăng lên, nhờ bạn bè giới thiệu, tôi trở thành cộng tác viên dịch thuật của Phòng Công chứng số I tỉnh Thái Nguyên, rồi của Phòng Tư pháp TP. Thái Nguyên sau Nghị định 79 ra đời. Trong thời gian này tôi cũng bắt tay vào thử dịch văn học. Ban đầu là truyện ngắn, sau đến tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết (dịch) đầu tay của tôi là “Cái đài nến bị chôn vùi” (tác giả: Stefan Zweig - nhà văn nổi tiếng người Áo (ở Áo người ta nói tiếng Đức)) đã được Nhà xuất bản Văn học xuất bản và phát hành trên toàn quốc vào năm 2011. Để làm được việc này tôi đã được các học sinh của mình tại Đức giúp đỡ nhiều bằng cách mua tặng tôi rất nhiều sách, báo Đức. Thế nên việc dịch văn học của tôi có thể nói vừa có chủ đích vừa là một sự ngẫu nhiên của số phận.
Tôi hình dung rằng từ việc học được ngôn ngữ đến việc dịch văn học là cả một khoảng cách rất lớn mà có lẽ chỉ người trong nghề mới thấu hiểu…
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Tôi đồng ý với anh. Không phải cứ biết ngoại ngữ là dịch được văn học. Để trở thành dịch giả cần rất nhiều yếu tố: trước hết phải giỏi ngoại ngữ (ngôn ngữ nguồn) và giỏi tiếng mẹ đẻ (ngôn ngữ đích), nhưng đó là điều kiện cần; điều kiện đủ là phải có kiến thức về chính trị, văn hóa, lịch sử, triết học, tôn giáo… để khi gặp bất kì chủ đề gì được tác giả đề cập đến trong tác phẩm của họ mình cũng hiểu được và dịch được, mà các nhà văn càng lớn thì mức độ kiến thức được họ đề cập đến trong tác phẩm của mình càng phong phú, càng rộng; phải đọc nhiều để nắm bắt được những tác phẩm chính, nổi tiếng trong nền văn học của đất nước có tác phẩm mà mình chọn dịch để hiểu được những điển cố, điển tích văn học mà các nhà văn lớn rất hay sử dụng trong tác phẩm của họ, để dịch được đúng văn cảnh và chú thích trong bản dịch; phải biết nhiều ngoại ngữ vì các nhà văn lớn ở châu Âu rất hay dùng từ vay mượn, thành ngữ, câu nói của tiếng nước ngoài, trong đó có cả tiếng Latinh; phải hiểu được phong tục, tập quán, tục ngữ của nước có tác phẩm chọn dịch, phải nắm vững các thành ngữ của ngôn ngữ nguồn mà các nhà văn lớn vô cùng ưa dùng và dùng một cách nhuần nhuyễn, uyển chuyển; phải nắm bắt được văn phong, thói quen dùng từ của mỗi nhà văn, các biện pháp tu từ mà nhà văn đó sử dụng, lối chơi chữ, khẩu ngữ, thổ ngữ, các từ cổ…
Sau đó là năng khiếu sáng tác văn chương, vì ai cũng biết dịch văn học là sáng tác lần thứ hai, nhưng sáng tác ở đây là sáng tác luôn ở thế bị động, để Việt hóa tác phẩm mà mình đang dịch, làm sao để chuyển ngữ thành công một cách trung thành với nguyên tác, thể hiện được tầm vóc của giá trị nghệ thuật và tư tưởng mà các tác giả đã thể hiện trong tác phẩm của họ. Nhưng không phải là dịch chính xác một cách máy móc, ngô nghê. Giáo sư, dịch giả, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã nói: "Dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai và dịch dở."
Người dịch phải có vốn sống phong phú, phông văn hóa rộng, cảm xúc tinh tế, để hiểu được những tình huống cuộc đời của mỗi nhân vật trong tác phẩm, trong diễn biến tâm lý phức tạp của họ thì mới mong chuyển ngữ thành công một tác phẩm văn học.
May mắn là tôi, trong thời gian sống và học tập tại Đức, đã được hòa nhập sâu vào văn hóa, phong tục, tập quán Đức của đất nước tươi đẹp này qua những lần được các đoàn thể xã hội Đức mời tham gia các hoạt động văn hóa hoặc đến chơi tại các gia đình người Đức trong các kì nghỉ…Có thể nói một phần trong tâm hồn tôi đã thấm đẫm tinh thần Đức. Đó cũng là một lợi thế để giờ đây tôi tiếp cận với các tác phẩm văn học của Đức dễ dàng hơn.
Và một năng lực rất quan trọng nữa của người dịch văn học cần phải có là năng lực tự thẩm định các tác phẩm văn học, qua đó chọn được những tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật để dịch mới mong được các tạp chí, tờ báo văn nghệ, nhà xuất bản lớn, có uy tín chọn đăng và ấn hành. Đấy là những đặc thù riêng của người dịch văn học cần phải có. Điểm chung của người dịch văn học với những người hoạt động văn học nghệ thuật là phải dám và chấp nhận hy sinh nhiều thứ để theo đuổi niềm đam mê của mình.
Một số tác phẩm dịch của dịch giả Phạm Đức Hùng
Tôi hiểu, nếu không dám và chấp nhận hy sinh nhiều thứ, ông đã không dịch được đến 4 tiểu thuyết, 1 tập truyện, 1 cuốn sách kỹ năng xã hội, cùng hàng trăm truyện ngắn của Đức, cho đến bây giờ. Điều gì của văn học Đức đã hấp dẫn, vẫy gọi ông đến vậy?
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Nền văn học Đức là một trong những nền văn học lớn của nhân loại với 13 nhà văn được nhận Giải thưởng Nobel văn chương. Văn học Đức có nét đặc thù là đề cao giá trị tư tưởng và mang chứa những giá trị nghệ thuật khá khác biệt. Ngay cả khi nước Đức bại trận, các nhà văn vẫn viết về chiến tranh rất thành công và sản sinh ra một dòng văn học riêng có của nước Đức ở thời kỳ hậu chiến, đó là dòng văn học hoang tàn (Trümmerliteratur). Tình yêu văn chương đã đưa tôi đến gần với văn học Đức khi dịch các tác phẩm ra tiếng Việt, từ đó tôi hiểu sâu sắc hơn về đất nước, văn hoá và con người Đức.
Song hành với những điều hấp dẫn như ông vừa chia sẻ, hẳn là văn học Đức cũng có những đặc thù của nó. Thử thách gai góc nhất trong dịch văn học Đức nằm ở điều gì, thưa ông?
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Theo tôi là ở chiều sâu tư duy và tầm cao tư tưởng mà các tác giả muốn gửi gắm trong các tác phẩm của họ. Dân tộc Đức đã sản sinh ra rất nhiều nhà triết học nổi tiếng và họ đã tạo ra một hệ tư tưởng Đức trứ danh, có ảnh hưởng sâu rộng trong các sáng tác của các nhà văn Đức.
Những vấn đề đặc thù như yếu tố lí tính, tầm tư tưởng,… trong văn học Đức hẳn sẽ là những bổ khuyết cần thiết với văn học Việt Nam. Nhưng liệu nó có dễ dàng được đón nhận, có phải là điều thú vị với số đông bạn đọc ở ta hay không, thì chắc sẽ là một câu chuyện dài?
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Điều đó nó phản ánh căn tính của dân tộc, người Việt thì duy cảm, còn người Đức thì duy lí. Nếu quan niệm văn học là món ăn tinh thần thì mỗi dân tộc đều có khẩu vị riêng. Công bằng mà nói ở Việt Nam văn học Đức không được đón nhận rộng rãi như văn học Pháp và văn học Trung Quốc. Điều này có lẽ còn phụ thuộc vào các yếu tố lịch sử. Nhưng để hướng tới và tiệm cận với các giá trị phổ quát của nền văn học thế giới thì văn học Việt Nam rất cần đến những bổ khuyết từ các nền văn học khác trong đó có văn học Đức.Và biết đâu đấy, khi quan niệm về cái hay, cái đẹp trong văn học của độc giả Việt thay đổi, lúc đó con đường đến với số đông bạn đọc ở ta của văn học Đức cũng sẽ rộng mở. Tất nhiên điều đó không thể là ngày một ngày hai mà có ngay được.
Tôi được biết, có những tác phẩm ông rất muốn dịch, nhưng rồi đành thôi, hoặc chí ít là phải tạm gác lại, vì nhiều lí do. Hình như khi lựa chọn tác phẩm để dịch, các dịch giả luôn phải đặt ra câu hỏi là cần chiều chuộng sự tâm đắc của bản thân hay ưu tiên nhu cầu của bạn đọc?
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Điều này phải dung hoà được cả hai. Nếu dịch giả không tâm đắc với tác phẩm mà mình định dịch thì cũng không có hứng thú để dịch, còn dịch mà không được đăng tải trên báo chí, không ra nổi sách, sách không đến được tay bạn đọc thì dịch làm gì kia chứ.
Chuyển ngữ một tác phẩm văn học đồng nghĩa với việc ta đặt một chỉnh thể nghệ thuật vốn sinh ra trong đời sống văn hóa của nó vào một đời sống văn hóa khác. Làm thế nào để ông vẫn giữ được tính cách của tác phẩm như nó vốn có trong văn hóa Đức, đồng thời vẫn đem đến một tác phẩm mà bạn đọc Việt Nam dễ hình dung, đón nhận?
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Trước hết tôi phải đặt mình (như một người Đức) vào địa vị của tác giả để hiểu tác giả muốn diễn đạt điều gì. Sau đó là phải Việt hoá, từ Việt hoá câu văn cho đến Việt hoá cách biểu đạt của tác giả. Nhưng trước khi muốn Việt hoá được điều gì thì tôi cần phải cố gắng hiểu được một cách sâu sắc nhất ý đồ của tác giả. Có những câu văn, những tình huống tôi phải mất hàng ngày trời, thậm chí nhiều ngày mới chuyển ngữ nổi.
Rõ ràng, dịch giả cũng là một nhà sáng tạo. Tôi tò mò muốn biết công việc dịch văn học đã tác động thế nào đến việc ông viết tác phẩm đầu tay - tiểu thuyết “Sắp đặt của số phận”?
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Tôi muốn thử thay đổi vị trí của mình, từ người sáng tạo một cách bị động sang người sáng tạo một cách chủ động. Trong quá trình dịch tôi biết được các nhà văn viết được các tác phẩm là do họ có vốn sống phong phú và biết cách dùng nghệ thuật của ngôn từ để tạo dựng thành tác phẩm, nhằm gửi gắm những thông điệp nhất định đến độc giả. Tôi cũng có từng trải riêng của bản thân mình, có câu chuyện của mình và muốn kể nó với bạn đọc. Thế thôi.
Vậy ngược lại, trải nghiệm viết tiểu thuyết đã đem lại cho ông thêm những phát hiện, suy ngẫm, cảm nhận thế nào về công việc dịch văn học?
Dịch giả Phạm Đức Hùng: Mỗi việc đem lại cho tôi những thú vị riêng. Khi viết tôi được tự do “tung tăng” trong miền tưởng tượng của mình, còn khi dịch thì tôi được chạy theo sự tưởng tượng của người khác, vận dụng mọi kiến thức để chuyển ngữ thành công một tác phẩm. Người dịch thường được ví như ngựa thồ văn hoá, và không vui sao được khi mình làm được một công việc có ý nghĩa này!
Tôi không biết trong thâm tâm ông muốn dịch nhiều hơn hay muốn viết nhiều hơn, tôi chỉ xin chúc ông luôn giữ được hứng khởi sáng tạo. Trân trọng cảm ơn ông về những câu chuyện thú vị đã chia sẻ./.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...