Một mùa trại mới lại về. Nhưng khác với những mùa trại trước, theo về cùng với đó là những băn khoăn lo lắng khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Liệu Trại có tổ chức được không? Nên tổ chức bằng hình thức nào? Chương trình cụ thể ra sao?… Các phương án được đưa ra bàn bạc. Sau tất cả, với quyết tâm “sống chung an toàn cùng đại dịch” nên Ban tổ chức đã không hủy hay hoãn Trại, mà quyết định tổ chức “Trại online”. Phương thức tối ưu ấy đã thu hút được một số lượng đông đảo người tham dự - với 50 trại viên, trong đó có 43 bạn thanh thiếu nhi (từ 10 đến 17 tuổi) và 7 tác giả người lớn yêu thích sáng tác về văn học thiếu nhi.

Một kế hoạch tổ chức trại online nhanh chóng được xây dựng. Vì mọi hoạt động, sinh hoạt, trao đổi của Trại đều diễn ra trực tuyến (qua ứng dụng Google Meet) nên khâu kỹ thuật - công nghệ rất được chú trọng. Để đảm bảo tốt nhất trong khả năng có thể các điều kiện về trang thiết bị, máy móc, chất lượng truyền dẫn hình ảnh, âm thanh và những vấn đề liên quan, nhóm thực hiện chương trình đã bàn bạc kỹ lưỡng các phương án và tổ chức chạy thử chương trình. Một số việc quan trọng khác là kết nối và gửi bản thảo của trại viên đến giảng viên nhằm giúp giảng viên có những căn cứ ban đầu chuẩn bị bài giảng hiệu quả; điều hành, quản trị, thông tin tại group của Trại; chuẩn bị chu đáo công tác phục vụ - hậu cần... Vậy là chỉ sau ít ngày, một Trại sáng tác đã nhanh chóng được kết nối, gồm các giảng viên do những nhà văn ở Hà Nội, Sài Gòn đảm nhiệm và các trại viên ở Thái Nguyên (trong đó có 2 điểm cầu lớn là Trường THCS Hoàng Ngân - huyện Định Hóa với hơn 20 trại viên và trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên với các đại biểu và toàn thể cơ quan Hội). Tất cả đã sẵn sàng “lên sóng”, sẵn sàng trải nghiệm mùa trại online đầu tiên.

Với hoạt động chính là học tập, trao đổi những vấn đề về văn chương, các trại viên đã trải qua hai ngày thực sự bổ ích khi được gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn nhiệt huyết, uy tín, giàu kinh nghiệm sáng tác. Đó là nhà văn Lê Phương Liên, nhà văn Phong Điệp, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh và nhà văn Văn Thành Lê.

Thông qua trục 3 câu hỏi chính (Văn học có ích lợi gì cho cuộc sống con người? Vì sao bạn viết văn? Bạn mong muốn một cuộc sống như thế nào cho bản thân?), với tinh thần tương tác, thảo luận cởi mở cùng phong cách truyền giảng khoa học, gần gũi, nhà văn Lê Phương Liên (nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam) đã mang đến những kiến thức nền tảng và rất bổ ích về văn chương nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng. Nhà văn Phong Điệp - chủ nhân của gần 30 đầu sách, trong đó có rất nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi được độc giả yêu mến cũng đã có những chia sẻ rất sâu sắc, trong đó tập trung về một số kỹ năng quan trọng của công việc thực hành sáng tác. Đó là cách vượt qua những khó khăn khi bắt đầu viết, cách tạo ra sự khác biệt cho tác phẩm, hay việc rèn luyện thói quen quan sát - một kỹ năng rất quan trọng đối người viết… Cuộc trao đổi đã gợi nên nhiều cảm hứng cho các tác giả trong việc sáng tác cũng như việc làm mới tư duy của mình.

Trại sáng tác tiếp tục được truyền cảm hứng và trang bị những tri thức, những trải nghiệm thực hành sáng tạo đầy thú vị, với sự trao đổi từ Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh và nhà văn Văn Thành Lê. Qua đây các bạn trẻ đã có những hiểu biết sâu sắc hơn về 3 công việc quan trọng của nhà văn là “đi, đọc, viết”; đồng thời học được cách tạo nên những câu chuyện mới mẻ của riêng mình qua thói quen đặt câu hỏi trước những gì diễn ra xung quanh, cũng như tự tin đưa ra chính kiến và sự lựa chọn của mình.

Một nội dung hữu ích khác là những gợi mở về kỹ năng đọc sách. Với kinh nghiệm của một người luôn bền bỉ lan tỏa văn hóa đọc đến các bạn trẻ và một người đang làm việc ở Nhà xuất bản Kim Đồng, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh và nhà văn Văn Thành Lê đã có những chia sẻ rất cụ thể, từ cách lưu giữ khoa học những điều hay mình đọc được thông qua “sổ đọc sách”, đến việc giới thiệu các cuốn sách hay ở nhiều thể loại, đặc biệt là những tác phẩm về văn học thiếu nhi nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Phần chia sẻ đã thực sự khơi dậy tình yêu với sách và việc đọc sách ở các trại viên. “Em vốn không thích đọc sách, vậy làm thế nào để em có thể hứng thú với sách và nên bắt đầu việc đọc sách như thế nào?”, một trại viên chân thành bày tỏ. Và giảng viên cũng đã ân cần: “Khi đặt câu hỏi này tức là em đã quan tâm đến việc đọc sách, ý thức được sự quan trọng của nó và có mong muốn thay đổi. Hãy bắt đầu từ những cuốn sách thuộc lĩnh vực mà em thấy cần thiết, yêu thích và hứng thú”.

Không khí các buổi học còn trở nên sôi nổi hơn với phần tương tác giữa giảng viên và trại viên về những vấn đề sáng tác các em quan tâm hay đang gặp vướng mắc, khó khăn.

Như vậy, với sự tận tình, lịch duyệt của mình, các giảng viên đã mang đến cho Trại sáng tác những tri thức quý giá, phong phú, giúp những người tham dự được làm đầy sâu hơn vốn hiểu biết và các kỹ năng văn chương.

Kết thúc thời gian học tập, trại viên được thực hành sáng tác và gửi sản phẩm để các giảng viên nhận xét, góp ý.

Đã có hơn 100 sáng tác được gửi về, ở cả 2 thể loại là thơ và xăn xuôi. Những bản thảo đầu tay này đã được các giảng viên đón nhận đầy nâng niu và phát hiện ra không ít trong số đó những tín hiệu rất đáng khích lệ. Đó có thể là một góc nhìn, một ý tưởng, một thông điệp, một chi tiết thú vị… tuy chưa nhiều nhưng đã làm nên điểm sáng lấp lánh cho tác phẩm. Đáng mừng hơn, Trại đã có những cây bút trẻ đầy triển vọng, thể hiện rõ năng khiếu văn chương, như bạn Trần Vũ Ngọc Vân, Hoàng Bảo Ngọc, Thiên An (Trường THPT Chuyên Thái Nguyên), Nguyễn Minh Phương (Trường THPT Gang Thép), Nguyễn Quý Nhi (Trường THPT Định Hóa)… Những thành quả sáng tác tốt nhất của Trại sẽ được Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên giới thiệu tại ấn phẩm ra ngày 25/9/2021, như một sự lan tỏa những niềm vui trái ngọt đầu mùa tới bạn đọc yêu văn chương.

Với mong muốn cùng các trại viên khơi dậy tình yêu với sách và việc đọc sách, Ban tổ chức đã chu đáo chuẩn bị những món quà kỷ niệm tặng các trại viên. Đó là những quyển sổ và chiếc bút xinh xắn, giúp lưu những câu văn hay như cách Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh gợi ý. Đó còn là những bộ sách văn học thiếu nhi, với các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam và thế giới - tặng thưởng cho 10 cây bút trẻ tiêu biểu tại mùa trại này. Qua những món quà ý nghĩa, Ban tổ chức mong muốn được tiếp thêm tình yêu văn chương đến các bạn cùng lời chúc hãy tự tin và bền bỉ trên hành trình phía trước của mình.

“Em cảm thấy rất vui và may mắn khi được tham gia trại viết này. Tất cả những kiến thức em học hỏi được không hề có trong sách giáo khoa mà em đã học. Với em những hiểu biết đó vô cùng bổ ích, giúp em hoàn toàn có cái nhìn khác về con người, sự vật và thế giới xung quanh. Kiến thức ấy còn giúp em cảm nhận, tiếp thu và học tốt hơn ở môn Ngữ văn ở nhà trường”. Đó là những cảm nhận của em Phạm Ánh Mai, Trường THCS Hoàng Ngân, Định Hóa.

Sự thay đổi tích cực còn đến với các trại viên lớn tuổi. Dường như các cô chú đã quan sát, rung cảm với cuộc sống bằng con mắt và tâm hồn trẻ thơ hơn nên các sáng tác mới cho thiếu nhi đã gần gũi hơn rất nhiều. Và không chỉ gây ấn tượng với các trại viên, Trại sáng tác còn nhận được những tình cảm yêu mến của các giảng viên.

***

Với sự tận tâm ủng hộ của các giảng viên, sự tham gia tích cực của các trại viên, cùng sự tâm huyết, nỗ lực vượt qua trở ngại, bắt kịp xu thế của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, chúng ta đã cùng nhau hóa giải những băn khoăn ban đầu, biến khó khăn thành niềm vui, làm nên một mùa trại với biết bao cảm xúc ngọt ngào. Và có lẽ, điều ngọt ngào nhất chính là việc nuôi dưỡng tình yêu với văn chương, với con người, như gửi gắm của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tại buổi tổng kết Trại:

“Một hành trình đã mở ra rồi. Không quan trọng là thành công đến đâu, quan trọng là chúng ta tin rằng mình làm được. Và quan trọng là chúng ta đã chọn chữ nghĩa để gửi tâm hồn mình, gửi tình yêu của mình vào cuộc sống. Mong rằng tình yêu ấy sẽ mãi lan tỏa, sẽ làm chúng ta sống tốt hơn, làm cho thế giới này tốt hơn.”

Hy vọng lời nhắn gửi đầy yêu thương của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, cùng với những điều đã có được từ Trại sáng tác năm nay sẽ là một trong những hành trang quý giá trên con đường chinh phục chặng đường văn chương phía trước của mỗi chúng ta. Xin chúc cho những người viết yêu thích sáng tác văn học thiếu nhi sẽ có thêm thật nhiều năng lượng tươi mới để cùng trở lại với chúng tôi vào những mùa trại sau.

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục