Vậy là sau 40 ngày, cuộc thi “Tôi và Thái Nguyên” đã chính thức khép lại với gần 100 bài dự thi được gửi về và Bộ giải thưởng xứng đáng được dành vinh danh cho các tác phẩm, tác giả. Song, đó chưa phải là điều thành công nhất, mà thành công nhất ở Cuộc thi lại nằm ở sự cộng hưởng, nhân lên niềm thương nhớ chân thành từ hàng vạn tấm lòng dành cho đất và người Thái Nguyên.

Cuộc thi hướng đến đông đảo công chúng nhằm mở ra cơ hội để mọi người được thể hiện suy nghĩ, tình cảm dành cho đất và người Thái Nguyên.

Nói về ý tưởng tổ chức cuộc thi “Tôi và Thái Nguyên”, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Khi đề xuất về ý tưởng tổ chức Cuộc thi, chúng tôi nghĩ về những người đã đến, đã ở lại, đã đi qua, đã dành một phần đời, một góc tâm hồn cho Thái Nguyên... Chúng tôi nghĩ đến những người chưa từng tới, nhưng vẫn lặng lẽ lưu giữ một niềm thương nhớ Thái Nguyên trong lòng.

Có lẽ vì thế mà cuộc thi đã “chạm” vào trái tim của nhiều người ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên, đã đánh thức trong nhiều người niềm khao khát được giãi bày.  Để rồi từ đó những kỷ niệm sâu sắc, những câu chuyện đầy ắp nỗi niềm, những tâm tình mang tên Thái Nguyên đã lần lượt được các tác giả chia sẻ thật hay và cảm động thông qua các bài dự thi của mình.

Mỗi người chỉ tham gia 1 bài dự thi nên gần 100 bài viết cũng chính là gần 100 tác giả ở Thái Nguyên và 15 tỉnh thành khác trên cả nước. Họ là những người cựu binh, công nhân, nông dân, giáo viên, người nội trợ, công chức, học sinh, sinh viên ở nhiều thế hệ. Các tác giả đã viết về Thái Nguyên bằng lời kể chân thật và cảm xúc tự nhiên, dung dị.

  Một điều thú vị trong Cuộc thi này, cũng là điều khiến Cuộc thi như được “tròn” hơn, đó là các vùng đất của cả 9 huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên gồm: Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ đến Phú Bình, Phổ Yên, Sông Công, Thái Nguyên đều lần lượt được các tác giả gọi tên với những nhung nhớ, yêu thương trong các tác phẩm gửi về cho Ban Tổ chức.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương (áo kẻ) và nhà thơ Nguyễn Thành Phong say sưa theo dõi Chương trình

Là người gắn bó mật thiết với Thái Nguyên, giám khảo của Cuộc thi - nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ: Thái Nguyên đối với tôi là quê hương. Khi đọc các tác phẩm tham gia Cuộc thi này, tôi có cảm giác hồi hộp và cũng khá cồn cào. Dù ít, dù nhiều mỗi tác phẩm đều có sức gợi với tôi. Có tác phẩm gợi bằng câu chữ, thậm chí chỉ là một địa danh thôi cũng đã gợi kỷ niệm rồi. Có tác phẩm gợi nhớ một tuổi thơ rất trong trẻo những cũng đầy lam lũ. Có tác phẩm gợi đến giai đoạn mà những con người Thái Nguyên và không chỉ Thái Nguyên trên khắp cả nước tụ hợp về Thái Nguyên, đặt nền móng xây dựng một trong những thành phố công nghiệp đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Còn có những kỷ niệm gợi về một thời chiến tranh phá hoại với biết bao mất mát, đau thương.

[video width="1920" height="1080" mp4="https://vannghethainguyen.vn/uploads/Phong-van-Nha-van-Nguyen-Binh-Phuong.mp4"][/video]

Cùng với nhà văn Nguyễn Bình Phương, 2 giám khảo còn lại của Cuộc thi là nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Hà Thu Nga - Biên tập viên Ban Văn Nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Họ đều là những người hiểu sâu sắc về Thái Nguyên. Một điều đặc biệt đối với Ban Giám khảo của Cuộc thi “Tôi và Thái Nguyên” đó là cũng giống như các tác giả dự thi, các thành viên trong Ban Giám khảo đều dành cho Thái Nguyên một tình cảm nặng sâu.

Tham gia trong tiết mục giao lưu tại chương trình tổng kết và trao giải Cuộc thi, nhà báo Phan Hữu Minh bộc bạch: Tôi từng ở vị trí Ban Giám khảo của rất nhiều các cuộc thi, nhưng có thể nói đây là cuộc thi tôi đọc các tác phẩm dự thi kỹ nhất, kỹ đến từng chi tiết. Tôi trân trọng bởi nhận thấy, đó đều là những cảm xúc thật, các câu chuyện thật được các tác giả kể lại để thể hiện tình yêu với con người và mảnh đất này.

Nhà báo Phan Hữu Minh, thành viên Ban Giám khảo và 2 tác giả đoạt giải tham gia giao lưu tại chương trình tổng kết và trao giải

Trải lòng về câu chuyện trong tác phẩm dự thi của mình, nhiều tác giả đã không giấu được sự xúc động, bởi ở đó có những ký ức, những địa danh với họ đã trở thành máu thịt hoặc ở đó họ như được gặp lại bóng dáng của đấng sinh thành.

[video width="1920" height="1080" mp4="https://vannghethainguyen.vn/uploads/Phong-van-tac-gia-doat-Giai-Nhat.mp4"][/video]

Với ý nghĩa mà Cuộc thi mang lại, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chúc mừng và tri ân các tác giả trong và ngoài tỉnh đã dành tình cảm sâu nặng, thể hiện trách nhiệm của mình đối với Thái Nguyên thông qua các tác phẩm tham gia Cuộc thi; biểu dương và ghi nhận sáng kiến tổ chức Cuộc thi của Hội VHNT tỉnh. Đồng chí khẳng định: Đây chính là hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả để chào mừng 190 năm Ngày thành lập Tỉnh.

Ở một khía cạnh khác, Cuộc thi này không chỉ là sân chơi của các tác giả mà thông qua đó đã góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa và đặc biệt là những nét riêng có của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời khơi dậy và bồi đắp tinh thần yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc, cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh học tập, lao động sản xuất để góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng phồn thịnh như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Niềm vui vỡ òa khi được xướng tên nhận giải

Bài viết, thiết kế: Kim Ngân

Ảnh: Thanh Lên

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục