Những thiết chế văn hóa mang dấu ấn Gang Thép

VNTN- Hơn 60 năm hình thành và phát triển, khu công nghiệp Gang thép - cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam đã đóng góp không nhỏ cho sự hình thành và phát triển TP. Thái Nguyên (thành lập năm 1962).

Video: Người dân tập thể dục, thể thao và thư giãn ven hồ Thiên Nga

Khu Gang thép Thái Nguyên được khởi công xây dựng từ năm 1959, ra mẻ gang đầu tiên vào 29/11/1963. Ngày này được lấy làm “Ngày Truyền thống Công nhân Gang thép”.

Đường tròn Gang thép

Đường tròn Gang thép

Mặc dù chỉ cách trung tâm thị xã Thái Nguyên khoảng 10km, nhưng khi thành lập Công trường xây dựng Khu Gang thép, nơi đây chủ yếu là những quả đồi hoang như bát úp nối tiếp nhau, được công nhân đặt tên: “Đồi O”, “Đồi F”, “Sáu đồi”… Với sức người (hàng vạn lao động từ các tỉnh chủ yếu là đồng bằng Bắc Bộ), lao động thủ công là chính, đã san đồi, bạt núi, xây dựng nhà máy.

Đây là khu công nghiệp nặng – công nghiệp luyện kim đầu tiên, nơi cho ra lò mẻ gang đầu tiên của Tổ quốc, được luyện từ quặng sắt Trại Cau trong lò cao số 1. Những năm tháng chiến tranh, nơi đây đã kịp thời cung cấp nguyên liệu, sản xuất vũ khí cho tiền tuyến, vì vậy phải hứng chịu vô vàn bom đạn của kẻ thù…

Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Gang thép Thái Nguyên đã ngày một lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, đã mang lại cho người dân phía Nam Thành phố một hệ thống thiết chế văn hóa khá đồ sộ và phát huy tác dụng tốt trong suốt thời gian qua.

Dưới đây, xin giới thiệu khái quát về sự hình thành, tồn tại và phát triển của những thiết chế văn hóa đó.

Người dân TP. Thái Nguyên được hưởng lợi từ những thiết chế văn hóa của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Trong ảnh: Xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa năm 2018.

Người dân TP. Thái Nguyên được hưởng lợi từ những thiết chế văn hóa của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Trong ảnh: Xem bắn pháo hoa đêm Giao thừa năm 2018.

1. Nhà Văn hoá Công nhân Gang thép

Thiết chế này đóng vai trò là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hoá thông tin, thể thao của Công ty Gang thép và khu vực phía Nam thành phố Thái Nguyên. Tại đây đã diễn ra nhiều hội diễn, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp có quy mô toàn quốc và khu vực.  

Nhà văn hóa được khởi công xây dựng năm 1989, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1992, nằm trên địa bàn phường Hương Sơn, TPTN.

Nhà văn hóa được khởi công xây dựng năm 1989, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1992, nằm trên địa bàn phường Hương Sơn, TPTN.

Nhà Văn hoá có phòng biểu diễn 700 ghế ngồi, phòng hoá trang, sân khấu biểu diễn quy cách đủ điều kiện để các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước tổ chức biểu diễn. Nhiều thiết chế phụ trợ nằm ngay trong khu nhà, như: Phòng Tiếp khách VIP, Phòng Hội thảo 80 m2 và 120 m2, Phòng Trưng bày Bảo tàng truyền thống công nhân Khu Gang thép 120 m2.

Sân Nhà văn hóa là nơi thường tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng

Sân Nhà văn hóa là nơi thường tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng

Các phòng có diện tích từ 40 m2 đến 120 m2 là nơi hoạt động của các câu lạc bộ: Thanh niên, Nữ công, Người cao tuổi, Thể hình, Mĩ thuật, Âm nhạc và hệ thống các phòng làm việc của bộ máy lãnh đạo, viên chức Nhà văn hoá.

Hồ Phúc Lợi (còn gọi là hồ Thiên Nga) nằm trong quần thể Nhà văn hóa công nhân Gang thép

Hồ Phúc Lợi (còn gọi là hồ Thiên Nga) nằm trong quần thể Nhà văn hóa công nhân Gang thép.

Ngoài ra, Nhà Văn hoá công nhân Gang thép còn quản lí một quần thể thiết chế hoạt động văn hoá - thể thao ngoài trời gần 40.000 m2, một bể bơi tiêu chuẩn 25m x 50m, 2 sân quần vợt, 1 sân khấu ngoài trời có 8.000 chỗ ngồi.

Quang cảnh bên ngoài Bể bơi Gang thép

Quang cảnh bên ngoài Bể bơi Gang thép

2. Tượng đài Công nhân Gang thép

Được khánh thành ngày 29/11/1993 tại ngã 4 đường tròn Khu Gang thép. Tượng đài cao 16m đặt giữa đảo hoa tròn, biểu trưng cho hạnh phúc của gia đình người thợ với hình tượng hai vợ chồng người công nhân sát cánh bên nhau, chung sức xây dựng Khu Công nghiệp Gang thép và một bé trai nâng chiếc búa tượng trưng cho thế hệ kế tiếp giữ gìn và phát huy sự nghiệp vẻ vang của công nhân Khu Gang thép Thái Nguyên.

Tượng đài Công nhân Gang thép tạo nên một dấu ấn văn hóa đặc trưng cho khu vực phía nam TP. Thái Nguyên, nơi có nhiều khu tập thể, nhiều thế hệ cán bộ, công nhân và gia đình họ sinh sống.

Tượng đài Công nhân Gang thép tạo nên một dấu ấn văn hóa đặc trưng cho khu vực phía nam TP. Thái Nguyên, nơi có nhiều khu tập thể, nhiều thế hệ cán bộ, công nhân và gia đình họ sinh sống.

3. Sân vận động Gang Thép

Được khánh thành năm 1978. Sân có sức chứa khoảng 16.000 chỗ ngồi, là sân vận động lớn thứ 2 của tỉnh, sau Sân vận động Thái Nguyên (sức chứa 20.000 chỗ).

Nơi đây đã từng diễn ra nhiều trận đấu trong nước và quốc tế. Đặc biệt là “sân nhà” của đội bóng đá Gang Thép lừng danh một thời. Cũng là nơi nuôi dưỡng tài năng các cầu thủ bóng đá không chuyên của Công ty.

Quang cảnh bên ngoài Sân vận động Gang thép

Quang cảnh bên ngoài Sân vận động Gang thép

4. Đường 36

Theo “Từ điển Thái Nguyên”, mục từ “ĐƯỜNG 36” cho biết: “Đường nội thị tại Khu Công nghiệp Gang thép Thái Nguyên. Phía tây giáp phường Trung Thành, phía đông giáp phường Hương Sơn”.

Đoạn đường này có chiều dài khoảng 1 km, từ điểm giao cắt đường sắt đến Tượng đài Công nhân Khu Gang thép; mặt đường rộng 36m, nên nhân dân gọi là Đường 36 (nay là đoạn cuối của đường Cách Mạng Tháng Tám xuất phát từ đường tròn trung tâm TP. Thái Nguyên).

Đường do Công ty Gang thép Thái Nguyên đầu tư xây dựng năm 1974, có dải phân cách ở giữa, mặt đường trải nhựa, sau trải Apphan, có hệ thống đèn chiếu sáng.

Hiện tại, ngoài mặt đường (trải áp phan) và đèn đường đã được thay đổi so với trước (khi mới khánh thành, sử dụng đèn “tàu chuối”, nghĩa là lắp bóng neon vào máng, công suất nhỏ, do vậy phải sử dụng 2 dãy cột ở 2 bên hè; nay sử dụng đèn pha led công suất lớn nên chỉ dùng 1 dãy cột đèn ở giữa dải phân cách), còn nhìn chung, đoạn đường vẫn giữ nguyên như trước đây.

5. Bệnh viện Gang Thép

Được xây dựng tháng 3/1961 với quy mô 100 giường bệnh, do nước Cộng hoà Dân chủ Đức giúp đỡ về thiết bị; địa điểm đặt tại phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên.

Bệnh viện Gang Thép nhìn từ ngoài cổng

Bệnh viện Gang Thép nhìn từ ngoài cổng

Ngày 21/3/1963, Chính phủ quyết định nâng cấp Bệnh viện Gang thép với quy mô là một Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, đặt dưới sự quản lí trực tiếp của Công ty Gang thép Thái Nguyên. Kể từ đó, ngày 21/3 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Bệnh viện.

Năm 2000, Bệnh viện Gang thép được Chính phủ quyết định chuyển về tỉnh Thái Nguyên do Sở Y tế Thái Nguyên quản lí. Từ 18 khoa, phòng năm 2008, đến nay Bệnh viện đã có 23 khoa, phòng với đầy đủ các máy móc hiện đại.

6. Trường Trung học phổ thông Chu Văn An

Cũng cuốn “Từ điển Thái Nguyên” cho biết, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An tiền thân là Trường Bổ túc Văn hoá cấp III tại chức Gang thép thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên với mô hình trường trong lòng xí nghiệp và được thành lập ngày 20/11/1972.

Một lớp học sinh (lớp 12) chụp hình lưu niệm trước lúc ra trường

Một lớp học sinh (lớp 12) chụp hình lưu niệm trước lúc ra trường

Năm 1984, đổi tên thành Trường Phổ thông Trung học Kỹ thuật Công nghiệp Gang thép; năm 2000, đổi tên thành Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, chuyển đổi mô hình quản lí từ Công ty Gang thép Thái Nguyên sang Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên. 

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên, dẫn đầu về chất lượng giáo dục trong khối các trường Trung học phổ thông không chuyên của tỉnh và luôn ở tốp 200 trường học sinh có điểm thi đại học cao nhất toàn quốc.

Trường đã được tặng thưởng 1 Huân Chương Độc lập hạng Ba, 3 Huân chương Lao động (Nhất, Nhì, Ba).

Nội dung: Trần Thép

Ảnh: Thanh Lên, Tuấn Dũng 

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục