VNTN - Thưa nhà văn Phan Thái, được biết ông vừa ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về đất và người Thái Nguyên, với nhan đề “Bình minh máu”. Chúng tôi rất tò mò về câu chuyện lịch sử được ông lựa chọn thể hiện trong tiểu thuyết mới nhất này?

Nhà văn Phan Thái: Ở cuốn “Bình minh máu”, tôi mong muốn tái hiện phần nào sự thật về những ngày đen tối trong một giai đoạn lịch sử của vùng mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên). Cuộc nổi dậy của đội ngũ công nhân Mỏ than Phấn Mễ ngày 30/4/1945 thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí, bản lĩnh và sức mạnh của những người thợ. Từ đó mỗi người đã thoát khỏi xiềng xích nô lệ áp bức bóc lột của giới chủ thực dân phong kiến, trở thành người làm chủ vùng mỏ, làm chủ vận mệnh của mình. Và ngày 30/4 trở thành ngày truyền thống của đội ngũ công nhân Mỏ than Phấn Mễ hôm nay.

Vậy là cuốn tiểu thuyết viết về một giai đoạn lịch sử của vùng mỏ Phấn Mễ với cuộc nổi dậy của đội ngũ công nhân Mỏ ngày 30/4/1945, như nhà văn Minh Hằng đã cảm nhận: “Sáng 1/5/1945 là một bình minh đặc biệt - bình minh của tự do được đổi bằng máu”. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về sự kiện lịch sử đặc biệt này? 

 

Nhà văn Phan Thái: Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Chủ mỏ người Pháp trở thành người làm thuê cho Nhật. Từ thời điểm đó, thợ Mỏ Phấn Mễ chịu hai tầng áp bức, bóc lột. Ngày 12/3 Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị của Đảng đã được những người Cộng sản nhanh chóng phổ biến tới thợ mỏ bằng nhiều hình thức. Lúc này các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên phong trào cách mạng đã có bước phát triển mới. Phẫn nộ bởi sự tàn nhẫn của Nhật và Pháp, dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản, công nhân Mỏ đã nổi dậy giết chết hai tên đốc công người Pháp làm tay sai cho Nhật, giải tán đồn bảo an binh, bao vây đồn Nhật buộc chúng phải rút chạy và sau đó thành lập chính quyền công nhân.

 

Có thể nói cuộc nổi dậy là bước tập dượt quan trọng, từ biên chế tổ chức của chính quyền công nhân Mỏ, chúng ta có một lực lượng quan trọng tham gia đấu tranh giành chính quyền trên địa bàn tỉnh vào ngày 25/8/1945, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

 

Vâng, đây có lẽ là sự kiện mà nhiều người Thái Nguyên lần đầu tiên được biết tới? 

 

Nhà văn Phan Thái: Cuộc nổi dậy của công nhân Mỏ Phấn Mễ là cuộc nổi dậy duy nhất trong cả nước diễn ra trước Cách mạng Tháng Tám của đội ngũ công nhân. Thậm chí ở những trung tâm công nghiệp lớn như Hòn Gai, Nam Định... cũng chưa tiến hành được. Có lẽ đây là sự kiện diễn ra tại một cơ sở, nên còn ít người biết và chưa hề có một tác phẩm văn học nào đề cập. Chính điều đó đã thôi thúc tôi tái hiện sự thật lịch sử của vùng mỏ.

“Bình minh máu” chỉ tái hiện một giai đoạn lịch sử của vùng mỏ bắt đầu từ mùa xuân năm 1943 đến 30/4/1945. Liệu với lịch sử hơn 100 năm được hình thành từ năm 1910 đến nay của Mỏ than Phấn Mễ có là “của để dành” để ông tiếp tục khai thác và sáng tạo nên những tác phẩm dài hơi hơn? 

 

Nhà văn Phan Thái: Rất có thể là như vậy. Trong hơn 100 năm hình thành và phát triển, Mỏ than Phấn Mễ đã từng có nhiều sự kiện rất đáng quan tâm:

Năm 1917, công nhân Mỏ kéo về tỉnh lị tham gia cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên.

Năm 1926 - 1927, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã về Mỏ làm thợ nguội và tuyên truyền mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Ngoài cuộc nổi dậy năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhà máy điện Giang Tiên là nơi ta đặt Xưởng Quân giới do nhà khoa học Trần Đại Nghĩa trực tiếp chỉ đạo để sản xuất vũ khí.

Năm 1954 một lượng lớn tù binh Pháp tại các mặt trận được đưa về đây cùng công nhân Mỏ khai thác than cung cấp cho nhu cầu phát điện của Thủ đô. (Một số con của tù binh hiện vẫn sinh sống tại Mỏ).

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước trước đây, cũng như sau này trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, tại Mỏ cũng diễn ra nhiều sự kiện mang tính đặc thù.

Tuy nhiên, viết như thế nào, viết để làm gì cũng là cả một vấn đề. Và sáng tác về đề tài lịch sử tuy thú vị, đầy ý nghĩa, nhưng cũng có rất nhiều cái khó.

 

Vậy ông có thể chia sẻ thêm về cái khó cũng như cái thú vị khi viết về đề tài lịch sử đối với ông là gì? 

 

Nhà văn Phan Thái: Cái khó nhất là xây dựng hình tượng nhân vật. Trong lịch sử, nhân vật đó chỉ như một đốm lửa, không có dòng ghi chép nào về thân phận của họ, các giai thoại lưu truyền trong dân gian cũng rất mong manh. Để tác phẩm thành công, nhân vật phải thực sự sống động và xuất hiện “bằng da bằng thịt” trong mỗi hành động chứ không thể mờ ảo nhạt nhòa.

Thú vị thì tôi thấy có nhiều. Trong 3 cuốn tiểu thuyết trước: “Nắng phía sau mặt trời”, “Thanh gươm và cây tính tẩu”, “Linh Sơn tử chiến”, các nhân vật chính đều là người Tày - Nùng - Sán Dìu, tôi phải nghiên cứu phong tục tập quán, văn hóa… kể cả nghi lễ cưới hỏi, ma chay, làn điệu dân ca của từng dân tộc. Khi mô tả trận chiến cách đây gần 1.000 năm thì trang phục của binh lính ra sao, bện giầy cỏ để đi thế nào, gươm đao, võ nghệ của binh lính cũng phải hiểu biết để tái hiện, không thể cho đâm chém bừa. Cách xưng hô của tướng lĩnh và binh lính cũng phải phù hợp với giai đoạn lịch sử… Thậm chí lúc biên tập sách chuẩn bị gửi cho nhà xuất bản tôi mới phát hiện mình có một sai sót nghiêm trọng đó là cho một cô gái người Nùng mặc váy. Thực tế thì phụ nữ Nùng cả ngàn năm nay không mặc váy.

 

Như vậy “Bình minh máu” đã là cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ 4 nhà văn viết về đất và người Thái Nguyên. Điều đó cho thấy ông đang dành nhiều tâm sức về mảng đề tài này? 

 

Nhà văn Phan Thái: Thái Nguyên là một tỉnh giàu truyền thống lịch sử văn hiến, truyền thống cách mạng. Tuy nhiên các nhà văn trong và ngoài tỉnh khai thác mảng đề tài lịch sử để sáng tác các tác phẩm văn học về mảnh đất và con người Thái Nguyên chưa nhiều. Tôi thấy rằng nếu người cầm bút Thái Nguyên không tìm hiểu để viết về Thái Nguyên thì rất khó để người nơi khác có thể tìm hiểu và viết, bởi không ai hiểu về mảnh đất mình đang sống bằng chính mình. Mặt khác viết về đề tài lịch sử cũng là một cách để tri ân các thế hệ đi trước đã cống hiến hy sinh góp phần làm nên hình hài đất nước hôm nay.

Có nhà văn cho rằng: “Tiểu thuyết lịch sử là lịch sử được viết lại bằng trí tưởng tượng và minh triết của nhà văn. Cho nên, các nhà viết tiểu thuyết lịch sử có quyền hư cấu, diễn giải lịch sử theo hiểu biết của mình, theo tư tưởng riêng của mình. Vấn đề là nhà văn làm sao hư cấu, bịa mà như thật”. Ông nghĩ sao về điều này? 

 

Nhà văn Phan Thái: Tôi không hoàn toàn đồng tình và cũng không có ý tranh luận về điều trên. Tôi chỉ nghĩ trong sáng tác văn học về đề tài lịch sử, các tác giả có quyền hư cấu nhưng phải dựa trên sự thật lịch sử và tôn trọng những gì đã diễn ra trong quá khứ. Hư cấu quá mức dẫn đến phản ánh không đúng cả về sự kiện lẫn nhân vật trong lịch sử sẽ gây hiểu lầm cho người đọc. Tôi mới viết được 4 cuốn tiểu thuyết về đề tài lịch sử đã diễn ra trên mảnh đất Thái Nguyên, nên thành thực mà nói chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên trong cả 4 cuốn sách đó, bối cảnh, sự kiện, địa danh và nhân vật chính hầu như đều được tái hiện một cách trung thực. Tôi muốn để các độc giả thấy rằng cha ông chúng ta đã sống và chiến đấu trên mảnh đất này như thế nào.

Sau những tái hiện trung thực ấy, ông có thấy việc hư cấu, sáng tạo nhằm đem lại sự cân bằng trong tác phẩm trở thành một “vấn đề” của mình không? 

 

Nhà văn Phan Thái: Trong quá trình sáng tác, tôi không nghĩ quá nhiều về sự “cân bằng” giữa hư cấu với việc tái hiện trung thực sự thật lịch sử. Ví dụ như ở cuốn “Bình minh máu” viết về một sự kiện lịch sử diễn ra chưa quá xa. Một số người chứng kiến sự kiện đó và con cháu những người thợ hiện vẫn đang sinh sống tại Mỏ. Toàn bộ hoạt động khai thác, các viên chủ mỏ cùng sự áp bức bóc lột, cũng như người lãnh đạo cuộc nổi dậy… cùng nhiều sự kiện là có thật và là chuyện không thể bàn cãi. Tôi chỉ hư cấu toàn bộ các mối quan hệ và hành động liên quan của nhân vật trong quá trình diễn ra sự kiện lịch sử.

Các nhà văn, các nhà nghiên cứu thường đặt ra các thuật ngữ. Tôi chỉ nói ngắn gọn về các tác phẩm của mình: Tiểu thuyết, kể cả tiểu thuyết lịch sử là hư cấu. Tuy nhiên, bằng tác phẩm, tôi tái hiện lại những giai đoạn lịch sử và gửi gắm vào đó một thông điệp nhân văn để mọi người hiểu về lịch sử và tự hào về những truyền thống lịch sử đó.

Mỗi khi viết xong một tác phẩm về đất và người Thái Nguyên, dường như ông luôn chọn địa điểm ra mắt tác phẩm gắn liền với những nơi, những sự kiện được thể hiện trong tác phẩm đó. Ông có thể chia sẻ về điều này? 

 

Nhà văn Phan Thái: Tôi sáng tác các tác phẩm văn học về đề tài lịch sử, ngoài vì yêu thích sáng tác, còn là sự thể hiện tình cảm với mảnh đất và con người Thái Nguyên, sự tri ân những cống hiến lớn lao của các thế hệ đi trước. Không phải ai cũng hiểu rõ về lịch sử trên mảnh đất mình đang sống. Chính vì vậy trước khi cuốn sách đến tay độc giả cả nước, tôi muốn những người sống tại nơi đã từng diễn ra sự kiện đó được đọc và kiểm chứng những điều tôi viết. Ví dụ cuốn “Linh Sơn Tử chiến” thì một số bác kể rằng tại Linh Sơn, rất nhiều cụ cao tuổi và các bạn trẻ chuyền tay nhau đọc. Họ muốn biết ngày trước các trận chiến ở đó diễn ra thế nào. Và mới đây nhất, cuốn “Bình minh máu” cũng được ra mắt tại Mỏ than Phấn Mễ, bởi tôi mong muốn để công nhân và cán bộ Mỏ thêm hiểu và tự hào về lịch sử truyền thống vẻ vang của đơn vị.

Cảm ơn nhà văn với những chia sẻ hết sức chân thành, cởi mở cũng như những tình cảm, niềm tự hào, sự tri ân với lịch sử và trách nhiệm của người cầm bút trong ông. Chúc ông sức khỏe, bút lực dồi dào để tiếp tục cống hiến cho văn chương nói chung và những sáng tác về đề tài lịch sử Thái Nguyên nói riêng.

Thực hiện: Bích Hồng – Thanh Tâm

Ảnh: Khắc Thiện

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục