Giả dụ chúng ta có một buổi sáng tự do trong phòng sách, không biết anh sẽ hứng thú chọn lấy cho mình điều gì, một tiểu thuyết, một tập thơ hay một cuốn luận…
Tôi có hứng thú đặc biệt với thơ. Thú thật, tôi không bỏ qua bất cứ tập thơ nào mà mình bắt gặp. Có thể tôi sẽ quên đi, không nhìn đến nữa, nếu đó là tập thơ dở, nhưng ít ra, tôi đã đọc và biết nó dở. Một buổi sáng tự do trong thư phòng, đó là điều kiện tuyệt vời để đọc, nhất là đọc thơ. Sẽ tuyệt vời hơn nếu đó là 1 tập thơ hay, một tập thơ cho ta cảm giác rằng thời gian của mình đã không bị uổng phí. Xin anh đừng nhíu mày về điều này. Chúng ta đang nói về một buổi sáng tự do. Tuy vậy, vốn là kẻ tham lam, tôi có thể sẽ tạt ngang để đọc mấy trang tiểu thuyết hoặc ngó nghiêng cuốn tiểu luận phê bình (xem tác giả viết gì). Và nữa, tôi cũng mong rằng buổi sáng chưa vội đi qua khi các sách công cụ như triết học, lý thuyết nghiên cứu văn học vẫn luôn nằm trong tầm với của tôi.
Anh sẽ dừng lại lâu với những tập thơ, những nhà thơ thế nào?
Sau khi đã đọc, với những tập thơ theo tôi là hay, đọc được, tôi thường xếp riêng để có thể đọc lại nhiều lần hoặc sử dụng trích dẫn trong quá trình viết nghiên cứu - phê bình và giảng dạy. Tôi sẽ dừng lại lâu hơn với những tác phẩm kích thích được hứng thú của mình hoặc những tác giả lớn, có tên tuổi. Điều này xem ra cũng là lẽ thường trong cách lựa chọn đọc của số đông công chúng. Với những tác giả lớn, ngoài việc đọc tác phẩm hiện thời trên tay, tôi có thêm cảm hứng từ việc liên hệ, xâu chuỗi những gì đã đọc trước đó về họ. Với những tác giả mới, tác giả trẻ, tôi đọc bằng sự tò mò hứng thú và hi vọng. Đôi khi, gặp được một tiếng thơ ưng ý, tôi có cảm giác thực sự khoan khoái. Ngay lập tức, trí não tôi xếp họ vào những ngăn ô dữ liệu, để tiếp tục đón đợi.
Khi đọc họ, anh bắt đầu như một người thưởng thức hay như một nhà phê bình?
Câu hỏi của anh làm tôi nhớ lại một lần, khi đó tôi đến trường học để đón con gái nhỏ của mình, cô giáo của cháu hỏi rằng, vậy anh là nhà văn, nhà báo, thầy giáo hay bộ đội? Quả là, những nhân cách này tồn tại (trong tôi) và chi phối khá lớn đến cách nhìn thế giới của tôi. Tuy vậy, khi bắt gặp một tập thơ, tôi là một người đọc và đi tìm cho mình những khoái cảm trong thơ. Thơ hay đến với ta tự nhiên như hương thơm và màu sắc của đóa hoa. Trước tiên, ta thấy thơm, thấy đẹp, sau đó mới dừng lại để tìm hiểu xem hương sắc ấy đến từ đâu. Như thế nghĩa là nhà phê bình đứng sau lưng người đọc thưởng thức. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy, có khi bắt gặp những trường hợp “thơ khó” gã phê bình kia lại hăng hái xông ra, đối diện với thử thách, nhằm lý giải cho người đọc thưởng thức về cái hay, cái đẹp của thơ. Có lẽ, nhìn một cách linh hoạt, mềm mại hơn, những nhân cách, phận vị ấy luôn hòa đồng, hỗ trợ cho nhau. Cái đích cuối cùng là thỏa mãn được cảm xúc và lý trí của mình trước các hiện tượng thơ mà ta bắt gặp.
Anh thấy chân dung tác giả thường hiện ra rõ nhất ở đâu, trong một bài thơ thôi, hay qua cả tập thơ?
Điều anh hỏi về chân dung tác giả tức là chân dung nghệ thuật trong tác phẩm, phải không? Nếu phải viết chân dung nghệ thuật, ta sẽ cần tham chiếu cả quá trình sáng tác của tác giả. Ở một bài, một tập, có thể đậm nhạt, nhưng sẽ là thiếu sót, thậm chí là phiến diện nếu chúng ta không bao quát một cách tương đối đầy đủ những gì thể hiện trong tác phẩm làm nên chân dung tác giả. Đó là cách làm khoa học và kín kẽ. Chân dung tác giả không phải là chủ thể trữ tình trong thơ, nếu xét chi li các khái niệm này. Chủ thể trữ tình là hình tượng được tác giả sáng tạo nên, nó có tính cách đại diện, có điểm trùng nhập phản ánh con người tác giả, nhưng không trùng khít. Trong khi đó, nếu nói về chân dung tác giả, ta buộc phải xem xét con người tiểu sử, nhân cách, cá tính, các tác nhân rộng - hẹp chi phối sự tồn tại và sáng tạo, phương thức - phương tiện- phong cách - thói quen trong hành vi sáng tạo nghệ thuật của anh ta… Và như thế, một bài, một tập là chưa đủ, trừ khi tác giả đó chỉ có một bài, một tập.
Tôi tưởng, các nhà thơ dù công bố nhiều thì thực ra cả đời cũng chỉ viết một bài thơ, một tập thơ thôi…
Đây là cách nói uyển ngữ của các nghệ sĩ. Với tư duy khoa học thì bài là bài, tập là tập, đời thơ là đời thơ. Tuy vậy, cách nói ấy cũng có cơ sở khi ta hiểu rằng, thi sĩ là người sống thơ trước khi làm thơ, và đời anh ta là một bài thơ. Mặt khác, nếu có thể, sự hiện ra của một bài thơ, một tập thơ, chỉ là những mảnh vỡ của một cõi thơ duy nhất mà thôi. Nhưng, tôi cũng nghiệm ra rằng, những nhà thơ có nội lực, có tư tưởng và tham vọng, thường tự “vong thân” để sống nhiều cuộc đời. Thơ ca trong tình thế ấy trở nên hết sức đa dạng, và việc dựng chân dung nghệ thuật của một tác giả càng đòi hỏi một cái nhìn bao quát hơn, sâu hơn nữa.
Khi nào thì thơ khiến anh đứng dậy, bỏ đi?
Khi thơ làm tôi chán và mệt mỏi. Cái chán có thể đến từ thơ dở, cũng có khi đến từ việc đọc quá nhiều. Mệt mỏi sinh ra từ sự quá tải. Tôi từng từ chối viết (muốn viết lại phải đọc) về thơ khi thấy mình đã bão hòa cảm xúc, không thể tiếp nạp thêm được nữa.
Vậy sau đó, điều gì sẽ đưa anh quay trở lại, ngồi xuống?
Tôi là kẻ khá chung thủy và gắn bó với thơ. Có khi, chỉ mới rời đi mấy bước, tôi đã trở lại. Mấy bước chân ấy cho tôi khoảnh khắc để bình tâm hơn. Nếu chẳng phải là thơ quá dở, đến mức “vô phương cứu chữa”, sao không gạn đục khơi trong, không thay đổi một vài góc nhìn (nhất là có thể đứng từ góc độ của chính tác giả) để hóa giải định kiến, biến cái chán chường kia thành “khoái cảm” của việc đọc. Trong trường hợp đã mỏi mệt vì thơ, có lẽ tôi cần thời gian lâu hơn để giảm tải, nhưng tôi biết, với những tác phẩm hay, khó, làm tôi cực nhọc, sự trở lại là một niềm hạnh phúc.
Trong thời đoạn mà thơ ngày càng mơ mồ trong tâm trí của cộng đồng, kể cả với nhiều trí thức, thì anh lại dành tâm sức và bền bỉ theo con đường nghiên cứu - phê bình gắn vào thi ca. Có lúc tôi nghĩ đó là tình yêu, có khi tôi lại nghĩ đó là một kiểu phận sự…
Anh thấy đấy, “Vắng cô thì chợ vẫn đông/ Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui”. Tôi chưa bao giờ xem công việc phê bình thơ của mình là phận sự. Đó là tình yêu thì nghe dễ chịu hơn, nhỉ? (Cười). Dẫu vậy, như đã nói ở trên, tôi có hứng thú với thơ hơn nhiều thể loại khác. Có lẽ, vì hứng thú ấy mà tôi gắn bó, tìm hiểu thơ. Từ hứng thú đến việc tìm hiểu và gắn bó là một quá trình.
Tôi được biết anh kỳ công đọc thơ, từ các đại diện của mỗi thời kì, mỗi khuynh hướng, cho đến các hiện tượng, phong cách nổi bật, và cả những tác giả mới xuất hiện. Anh thực sự tìm điều gì khi đọc một phổ rộng như vậy?
Anh làm tôi khá ngượng khi dẫn vào câu chuyện này. Tôi không dám tự tin để nhận rằng mình có thể đọc được các đại diện của mỗi thời kỳ hay khuynh hướng, cũng như khó lòng mà bao quát được các tác giả mới. Đời sống thơ ca ở Việt Nam phong phú lắm, anh biết mà.
Tuy vậy, trong phổ đọc theo khả năng của mình, tôi vẫn đi tìm những bài thơ hay, những thi sĩ thứ thiệt, những giá trị vừa phù hợp với mình, vừa có thể nuôi dưỡng, vẫy gọi hay dẫn dụ tôi đi trên con đường văn chương “mênh mông chật chội” (Tên một cuốn sách của Lại Nguyên Ân). Ở một cấp độ khác, tôi muốn nhìn bằng con mắt của mình, cảm nhận bằng tâm hồn mình, suy nghĩ bằng trí óc của mình trước những bước đi của lịch sử thơ ca Việt Nam. Nghe có vẻ trịnh trọng nhỉ? Nhưng quả là như vậy, tôi ý thức được trách nhiệm tự thân khi tham dự vào đời sống văn học nước nhà. Mỗi người làm phê bình, hay sáng tác, nghiên cứu lý luận, lịch sử văn học, tựa như những mảnh ghép nhỏ, làm thành bức tranh văn học. Thêm nữa, về phía cá nhân mình, đọc - viết là quá trình kiến tạo nên chính bản thân tôi.
Một thi sĩ - tiểu thuyết gia tầm vóc có lần đã cá với tôi rằng 99% người viết ở Việt Nam mình bắt đầu từ thơ sau đó chuyển sang văn xuôi. Anh có tin điều đókhông?
Không biết là “thi sĩ - tiểu thuyết gia tầm vóc” ấy có bắt đầu từ thơ không? Thôi cứ để tôi nghi ngờ con số 99% ấy đã. Nếu “cá” thì chắc là thi sĩ - tiểu thuyết gia kia sẽ thua, vì làm sao để đưa ra con số chính xác ấy được, căn cứ vào đâu? Nếu chỉ là phán đoán tương đối, hiểu theo nghĩa là đại đa số người viết đều bắt đầu từ thơ, có lẽ sẽ thuyết phục tôi hơn.
Vâng đúng là con số 99% ấy được nói đến theo nghĩa là đại đa số. Quay trở lại câu chuyện, tại sao đại đa số chúng ta lại bắt đầu như thế và chuyển sang như thế, theo anh?
Tôi cũng bắt đầu bằng thơ, từ những bài báo tường nho nhỏ ở trường làng, sau đó là đôi bài thơ đăng báo địa phương, cũng có lúc nuôi ý định viết tiểu thuyết - truyện ngắn, vài ba cái ký - ghi chép nhân những chuyến đi, mấy cái tản văn mộng mơ hoài niệm xa xôi xưa cũ. Chẳng đâu vào đâu cả, và giờ thì tôi viết nghiên cứu - phê bình văn học. Nghe có vẻ mâu thuẫn, anh thấy vậy không? Kẻ không sáng tác được lại đi làm cái nghề phê bình sáng tác. Cơ mà, phê bình đâu phải là dạy dỗ hay chỉ bảo. Phê bình vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật. Đó cũng là một dạng sáng tác và nhà phê bình cũng là nhà văn.
Trở lại với câu hỏi của anh, nhiều người viết bắt đầu từ thơ, nguyên nhân sâu xa có lẽ nằm ở “vô thức tập thể” của họ chăng? Chính vần điệu đã nuôi dưỡng con người trên xứ sở này từ khi chưa lọt lòng. Mặt khác, cư trú trong không gian văn hóa nông nghiệp gắn với tiết nhịp của mùa màng - thời gian và cảnh quan đã hình thành cảm niệm về quy luật tuần tự - lặp lại, có thể là cơ sở cho những thực hành nghệ thuật, từ văn học dân gian đến văn học viết. Ca dao, dân ca với thể lục bát là một dẫn chứng. Gần hơn, từ khi đến trường, học sinh đã thuộc lòng những bài thơ trong sách giáo khoa (không phải là các thể loại khác), rất có thể ký ức đó hỗ trợ rất nhiều cho việc viết lách sau này, ít ra là tạo nên mối liên hệ thân thuộc của người viết với những tổ chức ngôn từ có vần - điệu. Sự chuyển dịch từ thơ sang các thể loại khác có nhiều nguyên nhân. Có thể do người viết nhận ra năng lực thực sự của mình, sở thích thay đổi, môi trường/ điều kiện sinh sống - trải nghiệm, những đòi hỏi tự thân của việc viết và khả năng đáp ứng của thể loại (người ta cần tiểu thuyết cho những tự sự dài hơi, phức tạp, bề bộn; cần truyện ngắn cho những lát cắt cô đọng, đậm đặc; cần ký sự cho những trải nghiệm thực tế giàu thông tin, tư liệu…). Mặc dù vậy, trong đời sống văn học, không hiếm trường hợp “nhiều trong một” - một nhà văn có thể viết nhiều thể loại.
Thế nhưng, sau tất cả, thực tế là thơ vẫn chưa bao giờ bỏ đi, chẳng bao giờ vắng mặt?
Vâng! “Sau tất cả, mình lại trở về với nhau” (Lời một bài hát của Erik). Thực sự là tôi không hình dung được đời sống này sẽ như thế nào nếu vắng mặt thơ. Lịch sử của thơ rất dài rộng, và không hề có dấu hiệu nó sẽ biến mất. Những thay đổi để hiện diện vẫn luôn diễn ra. Cuộc sống đòi hỏi như vậy. Đó cũng là quy luật để một hiện tượng văn hóa - xã hội - lịch sử - thẩm mĩ như thơ có thể tồn tại.
Nhiều người tin rằng thơ vẫn luôn ở bên chúng ta vì nó mang những nghĩa lí, ích dụng nhất định. Nhưng ai đó cũng cả quyết rằng thơ hiện diện chính vì bản thân nó là Nghệ Thuật, là Cái Đẹp, nó tránh xa những nghĩa lí, ích dụng…
Vấn đề anh đưa ra, theo tôi là không đơn giản. Mấu chốt nằm ở chỗ, chúng ta hiểu về nghĩa lí và ích dụng của thơ như thế nào? Ai kia cả quyết, chắc là nghĩ đến thứ nghĩa lí, ích dụng bên ngoài thơ. Bản thân thơ, trong tư cách một tiểu loại, thuộc loại hình nghệ thuật ngôn từ (Văn học) nó là Nghệ Thuật, là Cái Đẹp. Ích dụng hay nghĩa lí cũng từ đó mà sinh ra, mà hướng tới. Chẳng có Cái Đẹp, Nghệ Thuật nào là vô ích hay vô nghĩa lí cả. Thơ hiện diện vì chính bản thân nó là Nghệ Thuật, là Cái Đẹp đã là nỗ lực cao nhất, hướng tới điều thực sự có ích, có nghĩa lí rồi. Tôi sực nhớ đến một vấn đề khác, khá trọng đại trong đời sống văn học Việt Nam, đó là chính trị và văn chương/ chính trị của văn chương. Tôi nhấn mạnh đến chữ “của”. Chính trị của văn chương là giá trị gợi lên từ Nghệ Thuật, từ Cái đẹp. Ích dụng, nghĩa lí nằm ở chỗ ấy.
Anh chưa nói về chữ “và”? Trong mối quan hệ này anh quan tâm cốt yếu điều gì?
À! Thực ra câu chuyện liên quan đến chữ “và” kia đã hiện diện nhiều, mạnh mẽ vô cùng ở Việt Nam rồi. Ở đó, văn chương và chính trị là hai diễn ngôn, trong khi, “của” lại phản ánh mối quan hệ bên trong, tòng thuộc của một diễn ngôn với phẩm chất của nó. Nói cách khác, chính trị của văn chương là hiệu quả đến từ Cái Đẹp, từ Nghệ Thuật. Còn, chính trị và văn chương là diễn ngôn này chi phối diễn ngôn kia. Trong mối quan hệ này, tôi quan tâm đến tình thế của văn chương và nghệ sĩ cùng hệ giá trị có tính lịch sử của con người, thời đại.
Tôi nghĩ đó là một mối quan tâm đích đáng và trách nhiệm. Thơ có thể nâng người ta lên, nhưng thơ cũng có thể ghìm níu người ta xuống. Đó là vấn đề của thơ hay vấn đề của chúng ta, thưa anh?
Cả hai. Theo tôi là như vậy. Chúng ta đọc thơ, thấy hân hoan vui sướng hay buồn đau khắc khoải, thấy khổ ải dằn vặt hay thanh thỏa tiêu dao, thấy độ lượng nhân văn hơn hay thấy mình ti tiện hẹp hòi khi soi bóng vào thơ… đều là kết quả của một quá trình hạnh ngộ. Thơ nâng ta lên, thơ ghìm ta xuống, là bởi ta sống cùng thơ, và bởi thơ còn gõ mạnh vào trái tim và khối óc chúng ta. Như vậy, mối tương giao ấy đến từ hai phía. Một ngày, khi ta rời bỏ thơ, hoặc khi thơ rời bỏ ta, chẳng còn gì để nói với nhau nữa, thì nâng lên hay ghìm níu còn có nghĩa gì.
Ở ta hôm nay, trong khi một cộng đồng đã bắt đầu bàn nhiều đến những chuyển động của thơ ca thế giới cũng như tiêu chí đòi hỏi của giải thưởng Nobel, thì cũng có một cộng đồng khác vẫn say sưa với những buổi gặp mặt đọc thơ tại các câu lạc bộ. Anh có cảm thấy một sự bất ổn nào đó trong chuyện này không?
Bất ổn là điều bình thường mà! Quy luật của đời sống luôn chạy về phía những bất ổn/ giới hạn để tạo nên những “bước nhảy” mới, nhằm thúc đẩy sự vận động, phát triển. Điều bất ổn hơn chính là khi ta thấy không có gì bất ổn (Cười).
Nhưng, nhìn từ thực tế của sự tồn tại, những khát vọng Nobel hay những say sưa câu lạc bộ đều đáng được tôn trọng, xem như đó là vẻ sinh động của đời sống văn hóa - xã hội. Cái bất ổn chỉ nảy sinh khi chúng ta nhầm lẫn hoặc ảo tưởng. Một cá nhân đã ý thức rằng sinh hoạt thơ câu lạc bộ để vui tuổi già thì không nhất thiết phải đưa các tiêu chí đòi hỏi của Nobel với họ làm gì. Mặt khác, thơ câu lạc bộ (theo nghĩa là thơ phong trào, thơ tâm tình bạn bầu thù tạc, vần điệu biểu cảm dưỡng sinh…) cũng không nên quá ảo tưởng. Ở phía ngược lại, một nhà thơ chuyên nghiệp, một nghệ sĩ - trí thức mà không có khát vọng lớn, tư tưởng lớn, đóng góp lớn, mang hoài bão Nobel thì cũng nên hoài nghi danh vị thi sĩ của mình. À! Mà Nobel đâu phải là tất cả giá trị. Phải không?
Vâng, tôi rất chia sẻ với anh điều này, nhưng các thành viên Viện Hàn lâm Thụy Điển nghĩ sao thì chúng ta chưa biết. Trở lại với Việt Nam mình, thực tế là những điệu thơ du dương, ngâm nga cũ vẫn cứ hiện hữu giữa một bối cảnh đời sống đầy tốc độ như hôm nay. Sâu xa của câu chuyện này là gì, theo anh?
Vấn đề anh đưa ra lại vẫn nằm trong những băn khoăn về sự bất ổn nhỉ? Bản thân tôi thấy không sao cả anh ạ! Ai cần du dương cứ du dương. Ai ngâm nga cứ ngâm nga. Ai lao đi trong tốc độ xin cứ việc. Sâu xa của chuyện thơ du dương, ngâm nga vẫn tồn tại, nằm ở chỗ, nó hợp lí theo một nghĩa nào đó. Tuy nhiên, trong cái nhìn cẩn trọng hơn vào từng hiện tượng của đời sống - văn hóa xã hội và lịch sử mĩ học, thứ thơ du dương vần điệu có bề dày trong truyền thống thơ Việt Nam (từ quá khứ đến hiện tại). Như đã nói ở trên về những khởi đầu của người viết với thơ, tôi cho rằng, cái bóng của thơ vần điệu du dương vẫn tỏa lên đời sống thơ ca Việt Nam một cách rộng lớn bởi “vô thức tập thể”, bởi môi trường - điều kiện sống và sức ì của thói quen - thị hiếu. Nói một cách đơn giản, người ta quen đọc lối thơ ấy, quen ngâm nga du dương, thích thú với vần điệu vỗ về, nên thật khó lòng mà rời bỏ nó. Thêm nữa, một khi thói quen đã trở thành định kiến, họ phủ nhận những giá trị khác, lập nên những thành trì trong tiếp nhận và sáng tạo.
Ở một phía khác, một số người viết tiên phong ở ta đang chuyển đổi mạnh mẽ, với lối viết và tiếng nói gần hơn với các đồng nghiệp của các nền thơ ca khác trên thế giới. Những trường hợp như thế, liệu họ có mâu thuẫn giữa sự thôi thúc bên trong với sự vẫy gọi của bên ngoài không, theo anh?
Quả tình, tôi cần anh làm rõ hơn thế nào là “thôi thúc bên trong” và “sự vẫy gọi của bên ngoài”? Nếu một nhà thơ nào đó có điều kiện tiếp xúc với các nền thơ ca khác trên thế giới, lại đang chuyển đổi mạnh mẽ, thì mâu thuẫn ở đây là gì? Thôi thúc tự thân đối với một nhà thơ có thể là gì nếu không phải là để sáng tạo những giá trị, vừa tương thích với đời sống hiện tại - bên ngoài, thậm chí là cả những dự phóng về tương lai hay chất vấn lại quá khứ, vừa tỏ bày và định hình được bản sắc của mình?
Câu hỏi anh đưa ra, có liên quan đến sức ì của truyền thống mĩ cảm du dương, ngâm nga ở trên. Mâu thuẫn được nói tới ở đây có lẽ hướng về phía những người canh giữ thành trì mĩ cảm ấy. Nhưng, như tôi đã nói, mâu thuẫn và bất ổn là lẽ thường. Để vượt thoát được, như tôi hiểu về công thức của A.Einstein (E=mC2), cần phải có một tốc độ lớn, một năng lượng lớn. Mà, anh thấy đấy, những người muôn năm cũ vẫn chùng chình, nhịp nhàng, không vội vã. Tốc độ không đổi, năng lượng không đổi, thì cứ: “Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai” (Nguyễn Du).
Chúng ta đang rất mong chờ tốc độ, năng lượng như anh nói. Vấn đề là, tôi cảm thấy, chúng ta đang rất mong chờ những nhà thơ biết trào tiếu, biết chơi trò, biết bất tín, biết rũ bỏ mọi nghiêm cẩn, biết xoay thế nhìn và chuyển dịch khỏi các giới hạn; nhưng khi có những người viết như thế trình hiện, chúng ta lại không khỏi hoài nghi, rằng tâm thức người Việt không như thế…
Quả là như thế. Nhưng, vẫn có những hiện tượng như anh nói tồn tại, như Dư Thị Hoàn, Bảo Sinh, Văn Thùy, Lê Vĩnh Tài, Đặng Thân, Inrasara, Bùi Chát, Lý Đợi, Từ Huy, Nhóm Ngựa trời, Hà Cao, Nhã Thuyên, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Lu (Nguyễn Hoàng Nam), Như Quỳnh Iris de Prelle… hay trước đó như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng… Tâm thức hay bản sắc đều là những huyền thoại, những tưởng tượng được tạo dựng. Thế nên, sẽ có những thế giới song hành trong cảnh quan văn hóa xã hội và thi ca hiện tại. Điều quan trọng là những tạo dựng ấy có mang lại giá trị thực hữu nào cho chúng ta hay không? Sự hoài nghi có lẽ nên đặt vào chỗ đó.
Sự hoài nghi mà anh nói, tôi nghĩ, sẽ giúp nhiều người tin vào thi ca hơn đấy. Không ít những lúc, trong trạng thái hoàn toàn bình tâm, tôi đã nghĩ rằng mình không nên viết thơ nữa. Rồi đến một lúc, cũng hoàn toàn bình tâm, tôi lại tự phản bội lại suy nghĩ trước đó của mình, và viết. Anh hãy khuyên tôi điều gì đi?
Lúc nào anh muốn dừng thì dừng, thấy cần phải viết thì viết. Tôi làm sao mà khuyên được (Cười). Tôi không phải là Rainer Maria Rilke để nói với anh rằng, nếu người ta không cho anh viết thì anh có thể chết, khi ấy hãy viết. Trong tình thế, viết là hiện hữu, mất tiếng nói là mất hiện hữu, thì việc viết có vẻ là cần thiết để xác lập sự tồn tại của chúng ta. Nhưng bởi vì, hiện hữu của ta luôn đặt trong mối liên hệ với người khác, nên nếu không thể mang lại điều gì hữu ích cho những mối liên hệ ấy, thì im lặng có khi lại là cách tốt nhất để bảo trì và di dưỡng thế giới của chính mình, cũng như không “gây hại” cho “cá nhân và tập thể”.
Hình như các nhà phê bình thường tiết kiệm lời khuyên hơn các nhà thơ (Cười). Trân trọng cảm ơn anh với những câu chuyện thật hào hứng, mà cũng thật trăn trở.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...