Vẫn tác phong “con nhà lính”, ông đưa ngay tôi đến Đền Rắn, Di tích Danh thắng – Nghệ thuật cấp tỉnh, nằm ngay trên địa bàn quê hương ông: xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc TP. Thái Nguyên).

Việc “tìm lại” di tích này là một câu chuyện dài, mà có thể nói, ông Lâm là người có công chính để mang lại cho địa phương tấm Bằng công nhận di tích quý giá được UBND tỉnh cấp lại vào năm 2016.

Theo cuốn “Từ điển Thái Nguyên” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản năm 2016, trang 708 – 709 ghi: “Đền Rắn còn có tên là Tứ Đại Vương, được dựng thế kỷ XII ở Gò Đình thuộc xóm Già, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ”. Ngoài những giá trị về lịch sử (còn lưu giữ được 2 bản sắc phong của vua Khải Định năm thứ 2 (1917) và năm thứ 9 (1924), 1 lọng rước và 1 bài vị), thì trong thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền (1941 - 1945), Đền Rắn là địa điểm bí mật của cán bộ Mặt trận Việt Minh họp bàn việc xây dựng cơ sở cách mạng ở giáp Đông Gia. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Đền đựợc dùng làm lớp học của Trường Đồng Tiến (cấp I và một số lớp cấp II). Những năm có chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, khu vực Đền là nơi sơ tán của Trường Phổ thông cấp II Đồng Tiến…

Ông Lâm kể lại: vào năm 2008, tôi được Đảng ủy xã Huống Thượng (khi ấy thuộc huyện Đồng Hỷ) trưng tập vào Tổ sưu tầm và biên soạn lịch sử Đảng bộ xã. Vì thời gian đã lâu, tài liệu ít, nhân chứng còn lại cũng rất ít, nên công việc của chúng tôi gặp nhiều khó khăn và lúng túng.

Được sự giới thiệu của anh Vũ Thanh Khôi, Trưởng phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, tôi gặp được bác Trần Tiến (nguyên là Phó ban Thiếu niên nhi đồng tỉnh). Bác Tiến cho biết: Tháng 3/1951, tại trường học của xã Đồng Tiến (lúc này đang học tạm trong khu vực đền Rắn), Trung ương Đoàn làm lễ đổi tên Đội Thiếu nhi Cứu quốc và Nhi đồng Cứu vong thành Đội Thiếu nhi Tháng Tám. Tại đây, lần đầu tiên thiếu niên và nhi đồng được mang khăn quàng (thiếu niên mang khăn quàng đỏ, nhi đồng mang khăn quàng xanh).

Tiếp xúc với các cụ cao tuổi và nhiều nhân chứng khác, ông Lâm nắm được một thông tin rất quý: Đền Rắn trước đây đã từng được tỉnh xếp hạng là Di tích danh thắng - nghệ thuật cấp tỉnh, đã từng có tấm biển cắm ở đây. Bán tín bán nghi, ông sang hỏi Sở Văn hóa - Thể thao thì được trả lời là trong hồ sơ quản lý hiện hành, Đền Rắn không có tên trong danh mục Di tích cấp tỉnh.

Với tư duy khoa học, ông “đào bới” khắp nơi để tìm cho ra tư liệu, bằng chứng, quyết tâm dựng lại lịch sử của ngôi đền. Cũng từ đây, ông mới biết đến và đặt chân đến những địa chỉ tin cậy, nơi lưu trữ những tài liệu lịch sử chính thống và cực kỳ quan trọng: Viện Lịch sử Việt Nam, Viện Hán Nôm, Viện Thông tin Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (trực thuộc Sở Nội vụ), Kho Lưu trữ, Văn phòng Tỉnh ủy… Rồi từ đó, ông được tiếp xúc với các tài liệu thành văn của các cơ quan Đảng, chính quyền, văn khấn của các cụ để lại, đặc biệt là hương ước của xã Huống Thượng (lập 23/8/1942).

Niềm vui bất ngờ là tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, ông đã tìm thấy bản gốc Quyết định số 1073/VX, ngày 10/12/1962 của Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên công nhận các di tích lịch sử và danh thắng trên địa bàn. Từ sự khởi đầu ấy, đã đưa ông đến với công việc đầy đam mê, để rồi thành danh một “nhà nghiên cứu lịch sử” hàng đầu của tỉnh.

Câu chuyện trên chỉ là một minh chứng cho sự thành công từ đam mê nghiên cứu lịch sử của ông Nguyễn Ngọc Lâm. Điều khiến tôi ngạc nhiên, là niềm đam mê ấy đã bị gián đoạn suốt hơn 30 năm, cũng vì “binh nghiệp” mà ông không thể thỏa chí.

Ông sinh năm 1956 tại chính xóm Cậy, xã Huống Thượng này. Ba năm học cấp III Lương Ngọc Quyến (1971 – 1974), ông đã yêu thích môn học lịch sử. Có hai người thầy cùng tên là Minh: Trần Minh và Nguyễn Xuân Minh, đều là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, khi tham gia giảng dạy tại Trường Lương Ngọc Quyến đã trở thành những người truyền lửa đam mê lịch sử cho ông.

Hết năm cuối cấp III, ông đăng kí thi vào Khoa Sử của Đại học Sư phạm Việt Bắc và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vậy nhưng, vừa thi xong tốt nghiệp 9 ngày thì ông đã có giấy gọi nhập ngũ và lên đường bảo vệ Tổ quốc mà không kịp dự thi đại học (ngày đó 2 kỳ thi khác nhau). Rồi ước mơ bị bỏ dở từ đấy.

Tôi thắc mắc: trong quân ngũ ông không “làm gì” để nuôi ước mơ nghiên cứu lịch sử sao? Ông cười: Không đâu! Tháng 6/1974 nhập ngũ, huấn luyện xong tôi được cử học về kỹ thuật vũ khí, chuyên ngành vũ khí phòng không. Bốn năm sau, tháng 6/1978 mới ra trường, vào Cam pu chia chiến đấu. Rồi bị thương ở huyện Mi Mốt, tỉnh Công Pông Chàm. Tôi bị sập hầm, khi đó chưa xếp hạng thương binh. Sau này vết thương tái phát, đi giám định lại và được công nhận thương binh hạng ¾.

Hồi phục vết thương, tôi tiếp tục công tác, rồi cấp tốc cùng đơn vị hành quân ra bảo vệ Biên giới phía Bắc, tôi theo đơn vị về nước và đi học Trường Quân chính, chuyên ngành chỉ huy pháo phòng không, rồi làm cán bộ tiểu đoàn (D30 sửa chữa tổng hợp, Cục Kỹ thuật, Quân đoàn 3); học tại chức ngành Điện tử Viễn thông Đại học Bách khoa Hà Nội. Rồi những năm 1992 – 1993 tôi lại học ở hệ 1 Học viện Hậu cần, sau về làm Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Hậu cần kỹ thuật Trường Quân sự Quân đoàn 3, sau chuyển sang là Chủ nhiệm Kỹ thuật Sư đoàn 31, Quân đoàn 3...

Nhưng đó chưa phải là lý do chính đưa ông đến với công việc đầy đam mê, để rồi thành danh một “nhà nghiên cứu lịch sử” hàng đầu của tỉnh. Câu chuyện bắt đầu từ khi ông về nghỉ chế độ tại quê nhà (tháng 10/2005). Chỉ 6 tháng sau, tức là vào tháng 4/2006, dù sức khỏe vẫn còn yếu (đang nằm viện) ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm. Mang tất cả nhiệt tình cách mạng của người cựu chiến binh, sĩ quan quân đội và những kiến thức đã thu nạp suốt cuộc đời binh nghiệp, ông “vực” lại phong trào của địa phương. Làm Bí thư năm trước, thì ngay năm sau (2007) Chi bộ xóm Cậy đạt TSVM tiêu biểu, rồi tiếp tục các năm sau nữa vẫn giữ vững thành tích là chi bộ TSVM và vững mạnh tiêu biểu; xóm Cậy trở thành lá cờ đầu trong phong trào bê tông hóa đường giao thông của huyện Đồng Hỷ. Từ tháng 12/2006, ông được bầu vào Ban Thường vụ, làm Trưởng ban Kiểm tra Hội Cựu chiến binh xã và tham gia 2 khóa. Tháng 8/2012 được bầu làm Phó Chủ tịch Hội CCB huyện…

Xuất phát từ vai trò là Cán bộ Hội Cựu chiến binh xã, ông được Đảng ủy phân công tham gia Ban Biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Huống Thượng.

Chỉ cho tôi xem bảng Danh sách bộ đội xã Huống Thượng từ năm 1945 đến nay, ông Cao Xuân Kiên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nói: Lập bảng danh sách này rất khó, có thể nói trong cả tỉnh này không có xã nào làm được đâu. Đây là công lao chính của anh Lâm cùng với anh em chúng tôi đấy. Còn đồng chí Nguyễn Thị Hường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã thì giới thiệu: Nhờ đồng chí Lâm giúp đỡ, chúng tôi đã sưu tầm được gần như đầy đủ ảnh của Bí thư, Chủ tịch xã qua các thời kỳ và phóng lên treo ở phòng họp của Đảng ủy để giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Sau khi biên soạn thành công cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Huống Thượng, ông Lâm tiếp tục biên soạn lịch sử đảng bộ của các xã trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Công việc đó giúp ông tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và dần trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử có tên  tuổi của tỉnh.

Không ít lần, cuốn lịch sử mà ông chủ biên khi ra Hội đồng “bị” các thành viên căn vặn, ông đã chứng minh rất thuyết phục với những tài liệu, chứng cứ cụ thể, khiến nhiều người phải điểu chỉnh nhận thức về vấn đề/ sự kiện mà xưa nay họ vẫn nghĩ là đúng. Chính cách “đào sâu” lịch sử, luôn tìm hiểu rất kỹ, rất sâu, đảm bảo tính khoa học đã làm nên thương hiệu “người làm tư liệu số 1” của ông.

[video width="1920" height="1080" mp4="https://vannghethainguyen.vn/uploads/Nha-nghien-cuu-lich-su-Nguyen-Ngoc-Lam.mp4"][/video]

Clip: Ông Nguyễn Ngọc Lâm cho biết lí do phải "đào sâu" khi nghiên cứu lịch sử.

Tôi còn ấn tượng mãi khi ông Lâm chuyển cho tôi xem ảnh chụp bản chứng nhận tặng Huy hiệu 80 năm tuổi đảng của Ban Chấp hành Trung ương cho đồng chí Trần Vũ (Đảng bộ thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ). Trên chứng nhận ghi rõ: “Ngày vào Đảng: 18/8/1929; Ngày chính thức: 17/11/1929” - trong khi Đảng ta thành lập ngày 03/02/1930. Cho đến nay tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng về căn cứ xác định tuổi đảng cho những trường hợp như trên. Ông Lâm còn “khoe”: tôi còn tài liệu về 2 Đảng viên nữa trên địa bàn Đồng Hỷ có ngày vào Đảng sớm hơn ngày thành lập Đảng, nhưng chưa thấy được công nhận tuổi đảng như đồng chí Vũ.

Chứng nhận tặng Huy hiệu 80 năm tuổi đảng cho đồng chí Trần Vũ

Rồi lại cũng chính ông Lâm là người đã tìm ra nữ Đảng viên đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên. Đó là đồng chí Triệu Thị Đỉnh, sinh năm 1912 (quê ở xã Đồng Mỗ, huyện Đồng Hỷ, nay là phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên) được kết nạp vào Đảng tháng 6 năm 1930 tại Hải Phòng, khi mới 18 tuổi)…

Không nề hà với công việc, ông đã giúp đỡ hoàn thành một loạt cuốn sách lịch sử đảng bộ địa phương ở huyện Đồng Hỷ với chất lượng tốt: xã Khe Mo (2014), Văn Hán (2016), Hóa Trung, Linh Sơn (2017). Từ năm 2017 khi xã Linh Sơn sáp nhập về TP. Thái Nguyên, ông tiếp tục viết cho các xã, thị trấn của Đồng Hỷ: Hóa Thượng, Tân Long, Hòa Bình, Vân Lăng, TT. Sông Cầu và cung cấp tư liệu, góp ý, sửa chữa bản thảo cho 5 xã mà ông không trực tiếp viết (Quang Sơn, Nam Hòa, Tân Lợi, Hợp Tiến, Minh Lập); chủ biên cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương (TPTN) bị “đình trệ” gần chục năm nay; góp ý và cung cấp tư liệu cho các cuốn lịch sử đảng bộ: tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Định Hóa, Võ Nhai, các cuốn lịch sử đảng bộ quân sự TP. Thái Nguyên và huyện Võ Nhai, lịch sử đảng bộ một số xã thuộc Phổ Yên, Phú Bình, Võ Nhai, Sông Công… Từ tháng 12/2016 ông tham gia Hội đồng thẩm định lịch sử cấp tỉnh và đến nay đã tham gia hơn 40 Hội đồng, trong đó nhiều lần giữ vai trò Phản biện.

Hỏi ông về những băn khoăn và mong muốn khi thời gian đã sang thềm năm mới, ông cười hiền: Tôi có băn khoăn và cũng mong muốn là làm sao Chính phủ sửa đổi quy định để việc xác định người hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có tính sát thực hơn. Bởi theo quy định hiện tại, căn cứ để công nhận là rất khó đạt. Hầu như thân nhân người có công chỉ trông chờ vào việc xuất bản cuốn lịch sử đảng bộ địa phương. Còn các nhà biên soạn thì lại viết “né” đi (không chỉ rõ tên và hoạt động của nhân vật) nhằm tránh phiền phức, liên đới.

Nên chăng có quy định “kết hợp” giữa tư liệu lịch sử với họp xin ý kiến nhân dân địa phương để làm căn cứ, như vậy vừa đảm bảo chính xác, vừa tạo điều kiện để ghi công những bậc tiền bối cách mạng, tăng thêm hiệu quả giáo dục truyền thống. Cơ quan có thẩm quyền cũng nên cấp Bằng công nhận đối với Lão thành cách mạng và Cán bộ Tiền khởi nghĩa để các gia đình thờ cúng và giáo dục truyền thống cho con cháu, chứ không nên chỉ trao tờ quyết định A4 như hiện nay.

Luôn nhiệt tình và cẩn trọng với từng chi tiết viết về các nhân vật, sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Lâm đã có nhiều cống hiến và để lại ấn tượng tốt đẹp trong giới khoa học lịch sử của tỉnh Thái Nguyên.

Trần Thép 

 

 

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục