Nguyễn Bảo Long - một “Người Hà Nội” gốc gác, có truyền thống gia đình làm nghệ thuật, xuất phát từ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và trở thành nghệ sĩ saxo nổi bật bằng tài năng và đam mê của mình dành cho Jazz.

Jazz - KHỞI SINH CHO MỘT NHÂN DUYÊN TIỀN KIẾP

Trước khi bước vào thế giới của Long, tôi muốn nhắc đến người đã khai sinh ra anh ấy lần nữa - NSUT Quyền Văn Minh. Người đặt nền móng cho khoa jazz Nhạc viện Hà Nội lúc bấy giờ đã trở thành người truyền dạy trực tiếp vào những năm tháng đầu tiên Long cầm trên tay chiếc kèn saxophone của mình. Điều này trở thành nguyên cớ để anh ấy được biết đến Jazz một cách chính thức và bài bản.

 “Nghệ sỹ là những kẻ được sinh ra với Thiên chức là người truyền cảm hứng cho cuộc đời. Còn thầy giáo dạy nghệ thuật lại chính là người truyền cảm hứng đầu tiên cho những kẻ mang thiên mệnh ấy. Khó! Bởi dạy nghệ thuật đơn thuần là chưa đủ, còn cần phải nuôi dạy những tâm hồn đủ đẹp, đủ văn minh để làm nghệ sỹ”. Long đã tỏ tường như thế khi nói về người thầy của anh.

Nhưng, không phải bất cứ ai khi được thu nhận những tinh hoa ấy đều có thể trở thành người kế cận, chứ chưa cần phải là người-kế-cận-tuyệt-vời. Long cũng không cố gắng để trở nên như thế, trở thành như vậy. Âm thầm nuôi dưỡng trong dòng chảy của mình một niềm say sưa bất tận với Jazz đã tôi luyện, Long là một gã thổi kèn rất Nghề và Nghệ. Nghề bởi saxo. Nghệ bởi Jazz.

Tôi nhớ rất rõ trong một tối tại Tadioto - nơi diễn ra rất nhiều những chuỗi thăng hoa của Long cùng những cộng sự, người ngồi cùng bàn khi ấy đã ghé vào tai tôi thế này, đại ý: chị vẫn hay ủng hộ các chương trình của bạn bè nghệ sỹ - điều này là dĩ nhiên. Nhưng có phải ai cũng đến đâu chứ. À thì ra, mặc dầu trong những thứ có vẻ mâu thuẫn về câu cú của tiếng Việt, mình biết chị ấy cũng là người kén lắm. Đấy là nhạc sĩ Giáng Son. Và chúng tôi đã say sưa nguyên tối với Nguyễn Bảo Long và JumforJazz, cả rượu vang và ít ỏi oliu nữa. Tất nhiên, chúng tôi biết đôi mắt nhắm hờ không phải vì men và đôi tay gõ nhịp không phải vì nồng độ. Mà chất dẫn và xúc tác là những âm thanh vang lên xung quanh. 

Hồng - khán giả lâu năm, không quen biết với tôi khi ngồi cạnh đã bày tỏ: “Mình đã từng nghe anh Bảo Long cách đây 3 năm rồi, và giờ vẫn nghe”. Sau đấy, không quên một thẳng thắn, rằng:

- Hình như ở Hà Nội, anh Long là người chơi saxophone hay nhất. Anh không nghe được ai.”

Mình im bặt. Xấu hổ thế, vì đã được nghe live bao giờ, tuyền nghe qua spotify. Có nghĩa, anh ấy đã là một fan cứng lặng lẽ.

Người ta vẫn thường nói về âm nhạc cổ điển với rất nhiều những tính từ mà chỉ cần đọc tên thôi đã nhận ra một trường cảm giác khó hiểu, khó chịu; và Jazz lại là một điều gì đấy khó thẩm thấu. Thế nhưng cuối cùng Long lại là người mang nó đến với công chúng bằng một cách tinh tế và khó đoán. Nhưng tôi nghĩ, không có gì hơn ngoài sự đam mê và thủy chung với Jazz – không ràng buộc và phóng khoáng. Long yêu Jazz bằng một trái tim rất nhiệt, duy nhất. Khi bước lên sân khấu, chỉ có anh ấy và Jazz đối thoại. Điều này lí giải cho câu hỏi tại sao rất nhiều người bước ra từ Jazz và Saxophone lại không thể gắn bó và chối bỏ cơ duyên này. Thêm nữa, đặc biệt hơn, ngoài việc Long chọn Jazz thì Jazz cũng đã chọn anh ấy.

Tôi đã từng nói dối nhưng thú nhận ngay sau đây luôn luôn là sự thật, ngay cả khi đời thường vẫn cho rằng “ nghệ thuật là ánh trăng lừa dối” – đôi lúc; ấy là về tinh thần của Jazz mà Nguyễn Bảo Long đã thấu cảm và chạm đến những tầng vỉa rất sâu của nó, ở đấy là cả một không gian phóng khoáng đến tự tại. Ai cũng có thể trôi rất xa trong những mường tượng của mình. Những tinh anh nhảy nhót trên những đỉnh đầu người, trên những âm thanh phát ra từ tiếng kèn, sau cổ họng rất sâu của kẻ rút ruột với những vòng hòa thanh ngẫu hứng.

Long đã rất điềm tĩnh để quả quyết rằng: “Âm nhạc là một ngôi đền thiêng. Và tôi bày tỏ sự kính ngưỡng theo cách riêng. Của tôi”. Một tuyên ngôn làm nghề, nhưng cũng chính là một tuyên bố với Jazz.

JumpforJazz – KHỞI SINH CHO MỘT NHÂN DUYÊN TRỌN KIẾP

“Tốt nghiệp & rời khỏi nhạc viện, Bảo Long tiếp tục tu luyện, tạo cho mình một hướng đi riêng. Cùng với các nhạc sĩ trong & ngoài nước, anh lưu diễn tại nhiều nơi từ Bắc vào Nam, từ Á châu sang Âu châu. Anh nhận được sự hâm mộ lớn lao khắp nơi. Nhưng anh cũng trở về với ước muốn nâng cao sự mến mộ nhạc Jazz trong nước – anh trở thành người chỉ dạy và nâng đỡ rất nhiều người mới tập nhạc hay muốn điêu luyện hơn. Bảo Long thành lập JumpforJazz trong thập niên qua cũng vì mục đích đó.”

Nguyễn Quí Đức – người đồng hành với Bảo Long trong những chuỗi buổi diễn tại phố Tông Đản đã viết như thế khi nói về con người này. Long – một người đàn ông vạm vỡ nhưng kiệm lời đã chọn Jazz để bộc bạch bản ngã, và chúng tôi – tất cả những ai trân trọng và trân quí tài năng này đều biết JumpforJazz là tất yếu, là hiển nhiên với anh ta. Một rộng mở cho một mong muốn thẳm sâu của những người nghệ sĩ chân chính đầy tử tế.

“Long giới thiệu Jump for Jazz đến với chúng ta vài năm trước, một ý tưởng truyền bá nhạc jazz đến cho những người thưởng thức mới mà không liên quan đến một địa điểm cụ thể. Đây chính là một ý tưởng đáng giá để phát triển giới thưởng ngoạn nhạc jazz tại Việt Nam. Ban nhạc Jump for Jazz đồng hành cùng anh gồm các thành viên Thế Anh, piano; Toàn Thắng, contre-bass; và Hoàng Hà, trống. Thắng và Hà làm đúng chức năng để luôn luôn chuyển đẩy nhịp điệu, với sự tập trung sâu đậm. Đặc biệt là Thế Anh, đã tỏ ra có tài năng sáng chói với bàn tay phải, đưa ra những giai điệu ngẫu hứng nhịp nhàng với những ngón đệm tay trái giữ đúng nhịp và hợp âm.”

Jump for Jazz đã xuất hiện song hành với Nguyễn Bảo Long kể từ khi nó được hoài thai. Trong mọi sự kiện lớn nhỏ, như hình với bóng. Sự ăn ý và tung hứng trên sân khấu đã khiến cho những đôi tai lắng nghe phía dưới cảm thấy mọi trần trụi đẹp đẽ được bày ra trước mắt, không ai cảm thấy còn có thứ gì làm của để dành trong âm nhạc mà họ mang lại. Dành trọn cho khán giả. Cả cho chính họ nữa.

Nguyễn Bảo Long đã không còn để khán giả tán dương một mình tài năng của anh, mà có lúc họ phải ngạc nhiên về bất kì ai trong ban nhạc. Thành công của anh ấy là tìm ra những người đồng hành xứng đáng. Và công chúng được đến gần hơn với Jazz trong những sự phong phú đa tầng. Không hề đơn điệu.

Đêm nhạc tưởng niệm Ennio Morricone vào mùa thu năm trước tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh khép lại với những tràng pháo tay không thể ngớt, những cảm xúc tuôn trào và cả những giọt nước mắt xúc động từ cả nghệ sĩ và khán giả, khi tiếng kèn hòa cùng tiếng piano, trống & contre-bass biến hóa thành một không gian khác biệt. Vẫn là âm nhạc của Morricone, với phần phối khí tài tình của Bảo Long, chất jazz đậm đặc của Jumpforjazz và sự chuẩn mực mẫu mực của SPO đã làm nên một hành trình phiêu lưu mới. Và đấy là đặc ân xứng đáng cho những gì bảo Long tạo dựng cùng ban nhạc của mình.

Nguyễn Bảo Long và JumpforJazz có lẽ sẽ có thêm nhiều những cuộc hành hương như thế này để đưa nhiều ai đó, hoặc số ít người, thậm chí là một vài mến mộ trên chuyến tàu tìm về quá khứ mà đức tin là âm nhạc cổ điển cùng người dẫn dắt là chiếc saxo. Thứ âm nhạc đầy kén chọn này luôn khước từ số đông và chọn những đồng điệu làm của để dành. Và mình thì rất tin là thêm nhiều người nữa sẽ được dung nạp trong hành trình vạn dặm ấy.

Jazz với long là một nhân duyên. Và JumpforJazz là một hạnh ngộ.

Nội dung và thiết kế đồ họa: Hạnh Quyên

 

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục