Dạo này ông viết nhiều trên các báo, tạp chí văn nghệ. Công việc của một nhà phê bình nhiếp ảnh có vẻ được phát huy trong những ngày dịch dã này? Ông đã viết bao nhiêu bài trong thời gian qua?
Thực ra thời dịch dã đã không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nhiếp ảnh của tôi. Bởi cũng may là Thái Nguyên không căng lắm và nhờ địa bàn rộng nên tôi vẫn tranh thủ đi chụp được. Riêng việc viết những bài lý luận phê bình thì tôi không đặt ra những kế hoạch gì cụ thể. Trong thực tế hoạt động chợt thấy thứ gì không ổn ở khâu nào đó của chuyên môn hoặc tổ chức thì viết xoáy vào đó thôi. Còn những bức ảnh tôi bình thì như gặp duyên, chợt thấy nó hay, phát hiện rằng nó có tứ, nó đem lại cảm xúc mạnh cho mình…, thì bình. Thời gian có dịch Covid – 19 tôi cũng tranh thủ được khoảng 15 bài gì đó, gửi cho một số tạp chí và cũng để cho đầy đặn quyển sách tiểu luận phê bình nhiếp ảnh mà cuối năm nay sẽ được in.
Ông là người khá thẳng thắn sắc sảo, nhiều khi còn đáo để khi làm phê bình. Giới nhiếp ảnh phản hồi thế nào sau các bài viết “không ngại va chạm” của ông?
Tôi nghĩ đã làm công việc phê bình nghệ thuật thì phải thẳng thắn, không cứ gì chỉ trong nhiếp ảnh. Sự thẳng thắn sẽ tiết kiệm được thời gian của mình và của bạn đọc. Còn “sắc sảo” hay “đáo để” là do bạn đọc gán cho, chứ tôi luôn không cố tỏ ra như thế. Những phản hồi sau các bài tôi đã viết thì độc giả có sẵn ba thái cực: Ủng hộ, tẩy chay căm ghét và trung dung. Tôi viết lý luận nhiếp ảnh với một niềm tin rằng mình đang đóng góp cho việc lôi kéo khán giả lại gần với môn nghệ thuật mới mẻ này và kích thích cho những người cầm máy tham gia cùng cởi mở trao đổi chuyên môn... Còn khi viết phê bình thì tôi nhắm thẳng vào sự thật, nêu đích danh những hiện tượng tiêu cực đang tồn đọng trong giới nhiếp ảnh và nghề ảnh. Đó là những sự việc ai cũng thấy mà ngại công khai nói ra. Nếu gạt bỏ bớt đi được vài ba những thói tật và trả lại cho nhiếp ảnh một môi trường trong sáng, nhưng “phần thưởng” đưa lại cho bản thân là sự cô đơn thì tôi nghĩ cũng đáng để vui vẻ mà nhận.
Tuy thế, tôi cũng chưa vấp phải cú “va chạm” nào để “ấn tượng” xấu lại cho mình. Mọi thứ vẫn nằm trong các tiên liệu (trước và sau khi bài báo được công bố). “Va chạm” ấn tượng của tôi lại là những khi bị bắt buộc phải sửa chữa (thậm chí phải viết lại) một số bài theo gợi ý rất tỉnh táo của biên tập viên báo Văn nghệ Thái Nguyên. Có lúc tôi đã tự ái định... không cộng tác nữa. Song nhờ sự tỉnh táo nghiêm túc của họ mà tôi đã tránh được nhiều những vấp váp có thể sẽ phải gặp trong chuyên môn và trong cuộc sống cá nhân.
Sau một thời gian khá dài chú tâm với việc phê bình nhiếp ảnh, ông rút ra những điều gì?
Nói là rút ra được điều gì đó thông qua viết phê bình nhiếp ảnh thì quả là chưa. Đang “hăng máu” nên tôi chưa có ý định ngồi viết hồi kí! Nhưng tôi nhận thấy mình còn bồng bột, dễ bị cảm xúc xui khiến mà bất chấp đến thua thiệt cho bản thân. Tôi luôn muốn đưa phê bình nhiếp ảnh gần gũi với thực tế sáng tác hơn. Trả lại cho nhiếp ảnh cái giá trị “khoảnh khắc” đã từng khiến các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác phải ghen tị. Và tôi thấy việc truyền đạt các phương thức tiếp cận, tìm hiểu một tác phẩm nhiếp ảnh thật đơn giản, dễ hiểu tới người xem còn là một khoảng trống mênh mông mà các nhà nhiếp ảnh bấy lâu vì nhiều lý do đã “bỏ quên”, thì giờ những người làm lý luận phê bình nhiếp ảnh phải tìm cách khơi thông, trước hết vì sự tồn tại của chuyên ngành nhiếp ảnh.
Công việc phê bình nghệ thuật nói chung đều cần các công cụ lý thuyết chuyên ngành. Là nghệ sĩ sáng tác chứ không phải nhà nghiên cứu hàn lâm, ông “sắm sửa đồ nghề” lý thuyết của mình từ khi nào? Làm giàu chúng bằng cách nào, đọc sách của các bậc thầy hay xem ảnh của họ?
Lý thuyết chuyên ngành thì tôi chưa hề được học. Đọc những tài liệu bảo là “hàn lâm” thì tôi ít thấy chất trí tuệ thực tiễn. Còn “đồ nghề” của tôi có lẽ nó xuất phát từ cái công việc mà Công ty Gang thép ngày xưa tôi đã được đào tạo: Nghề kiểm tra chất lượng sản phẩm. Cái “lý thuyết” tôi nếu được coi là có, thì chỉ là ghi chép lại từng bước công việc quen thuộc hàng ngày mình vẫn thực hiện mà thôi. Tôi thích đọc những bài viết của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn… họ viết dễ hiểu, không quanh co và mạch lạc quan điểm. Tôi muốn học được từ họ cách ứng xử với những nhà văn hóa mà họ từng đã nghiên cứu. Tìm hiểu cách họ thu thập dữ liệu, cách họ làm gì để có thể nhìn sâu vào quá khứ hay chuẩn bị hành trang mà đón đợi những thuận lợi và khó khăn ở tương lai. Cốt làm sao để không bị bất ngờ.
Theo quan sát của tôi thì các bài phê bình của ông được nhiều đồng nghiệp khen và thích thú, nhưng ở chiều ngược lại thì ông có bị ai mắng mỏ gì không? Có ai nhờ ông đăng bài khen, hoặc gỡ bài bị ông chê xuống không?
Thông thường tôi rất ngại, khi bình phẩm về những tác phẩm của bạn bè và đặc biệt là những người có chức sắc… Vì dễ bị người xem cho đó là vì vị nể hoặc nịnh cấp trên. Chỉ khi tôi thấy có tác phẩm nào đó có tứ, thì tự tìm đến tác giả để liên hệ xin file ảnh rồi bình về nó. Có người đã rất bất ngờ, vì nghĩ mình chỉ là người mới cầm máy và chụp cho vui chứ chưa hề gửi dự thi bao giờ.
Có những bài tôi không gửi tới các báo, tạp chí mà chỉ đưa lên trang cá nhân để trao đổi trong phạm vi hẹp rồi có thể gỡ sớm. Bởi nếu để thì e rằng có thể sẽ châm ngòi cho những tranh cãi không có lợi. Hoặc khi nó được đăng tải trên báo chính thống thì có thể sẽ hệ lụy đến cái chung hoặc đẩy ai đó vào thế khó… Nhưng nếu chỉ liên quan đến học thuật, hoặc phải đả phá những vấn đề như đạo ảnh hay chuyện tiêu cực, thì tôi không ngại đẩy tới tận cùng, mặc sức người có tác phẩm liên quan nặng, nhẹ phản đối (điều đó cũng từng xảy ra, tôi không tiện chỉ đích danh).
Từ góc nhìn của một người làm phê bình, ông thấy tình trạng hiện nay của lý luận phê bình nhiếp ảnh Việt Nam thế nào? Tác động trở lại của nó đối với hoạt động sáng tác ra sao?
Có thể nói lý luận phê bình nhiếp ảnh ở Việt Nam đang không được chú ý đến một cách nghiêm túc và khoa học. Người sáng tác ảnh thì cứ cắm cúi lao vào chụp và chụp, mà không chú ý đến hiệu quả công việc của mình sẽ có ý nghĩa với xã hội ra sao. Người quản lý thì dửng dưng mà bỏ bê công tác lý luận phê bình (bằng chứng là nhiệm kì trước ở Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã để một loạt những người làm lý luận phê bình xin nghỉ giữa chừng. Nguyên nhân theo tôi nghĩ chủ yếu do lãnh đạo Hội khi đó đã coi nhẹ những cố gắng hoạt động của Ban này).
Một yếu tố nữa khiến lý luận phê bình nhiếp ảnh đã bị thu hẹp, khi chỉ chú ý tới công tác sáng tác, trưng bày nhiếp ảnh. Họ xa rời những nhu cầu quan tâm, tìm hiểu của người thưởng lãm nhiếp ảnh là đại bộ phận quần chúng nhân dân lao động. Khi lý luận phê bình ca ngợi tác phẩm đoạt giải nhất một cuộc thi mà chỉ nói tới bố cục, tới việc phối màu và những vất vả khó khăn của tác giả làm nên bức ảnh, nhưng lại hời hợt giới thiệu nội dung sâu xa mà tác phẩm muốn truyền đạt đến người xem, thì coi như lý luận phê bình nhiếp ảnh mới làm được phần nhỏ nhiệm vụ của mình.
Gần đây có người viết rằng nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam có 5 căn bệnh trầm kha, đó là: bệnh nhàm, bệnh “diễn”, bệnh giống hệt nhau, bệnh photoshop, bệnh “chụp mà không hiểu gì”. Ông là người cũng đã từng chỉ ra những căn bệnh đó trong các bài phê bình của mình. Theo ông, giới nhiếp ảnh nước nhà sẽ phải tiếp tục sống chung với những căn bệnh ấy bao lâu nữa?
Những căn bệnh trầm kha của nhiếp ảnh (nhàm – diễn – photoshop…) mà bạn nhắc đến ấy, cũng rất may là nhiều người từ lâu đã nhận ra. Có thể rồi trong tương lai nó sẽ còn biến tướng thêm nhiều nữa… Và nó hẳn lì lợm như con virus bám mãi và chui sâu cả vào mã gien của nhiếp ảnh ở thì tương lai. Song bản thân nhiếp ảnh cũng chỉ là thứ sản phẩm, hàng hóa do con người tạo ra. Nó có ích, thì sẽ được con người chăm chút giữ lại. Và nó chắc chắn bị thải loại, nếu con người thấy không cần đến nó nữa.
Dù đã là Uỷ viên Ban lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhưng có lẽ nghiệp chính của ông vẫn là sáng tác, là “xách máy lên và đi”?
Ngay sau khi nhận được quyết định tham gia Ban lý luận phê bình, tôi đã mua thanh lý được đôi cái ống kính của mấy anh làm lý luận phê bình của nhiệm kì trước nhượng rẻ lại và đồng thời nâng cấp cái gầm xe cho chắc chắn để đi chụp ảnh với bạn bè… Tôi quả thực rất ngại, nếu mang cái tiếng là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các ban bệ trong bộ máy Hội trung ương...
Ông tiếp cận với nhiếp ảnh thế giới khá lâu rồi, và hàng ngày vẫn không ngừng học hỏi qua internet. Việc tiếp cận ấy cho ông những điều gì đáng nói nhất?
Rất may là tôi đã được làm quen với nhiếp ảnh từ khi còn ở nước ngoài. Và đặc thù của nhiếp ảnh tại Việt Nam là du nhập – du nhập theo mọi con đường bất kể được coi là chính danh hay cho rằng “nhập lậu”. Nhưng mỗi một cá nhân dù có mang hết tài năng của mình gắn với một công việc nào đó, thì khả năng lĩnh hội của anh ta cũng rất giới hạn, nó chỉ như miếng xốp thấm nước. Nếu số phận đặt anh lên miền núi thì anh ta ngấm đẫy nước ngọt, lại có cả sương mai đậu nhẹ bên ngoài… Còn số kiếp anh ta sẽ mặn mòi, nếu như đã bồng bềnh trên mặt biển. Thôi thì nhiếp ảnh luôn dành đủ chỗ cho mọi người yêu quý nó. Chỉ có bản thân mới hiểu rõ mình cần gì? Và phàm là người tinh thì sẽ biết chọn thày để học.
Cũng chỉ là người có bản lĩnh, mới biết chọn rồi theo đuổi việc mình yêu. Tôi sớm học được từ các bạn ảnh ở nước ngoài cái trạng thái tự do để được thả niềm ham muốn theo sở trường mà chụp những gì mình yêu thích.
Phạm vi mà hiện nay nhiếp ảnh ứng dụng vào cuộc sống rộng mênh mông, việc học hỏi những kiến thức và áp dụng công nghệ từ các nước có nền khoa học và văn hóa phát triển nhằm cải thiện chất lượng công việc và cao hơn thế là phải biết lựa chọn để đưa cái hay, cái đẹp phù hợp với thuần phong, mĩ tục về quê hương nhằm góp phần nâng cao dân trí là điều rất cần thiết, không thể thiếu – điều này có ý nghĩa với mọi công dân nước Việt.
Nếu chọn 5 bức ảnh mang tính dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông chọn những bức nào? Vì sao?
Tôi sẽ chọn 3 bức chụp về hoạt động công nghiệp Gang thép Thái Nguyên – nơi đây là bệ đỡ để biến tôi từ một nông dân thành người có nếp sống công nghiệp và cũng là môi trường để nhào nặn tôi thành nghệ sĩ nhiếp ảnh; là: “Khơi nguồn”, “Dải nơ công nghiệp” và “Hoa thép”. Một bức phong cảnh chụp trung du, ghi lại vẻ yên bình của mảnh đất Thái Nguyên, “Chiều trung du”. Bức còn lại sẽ là “Thung lũng Bắc Sơn”, chụp cảnh miền núi hùng vĩ ở thời khắc Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.
Ông đang chuẩn bị bản thảo cho cuốn sách thứ hai. Khi nào thì nó sẽ được công bố? Cuốn này có gì khác, có gì hay hơn cuốn đầu tiên của ông, “Tiêu điểm thời gian”, từng được giải B Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương năm 2018?
Cuốn Tiểu luận phê bình nhiếp ảnh mới của tôi đang được biên tập, dự kiến cuối năm nay sẽ được ra mắt. Nó có nội dung “nối dài” với cuốn “Tiêu điểm thời gian”. Có thể nghĩ nó như là tập hai cũng được.
Ông là người rất quan tâm đến đời sống văn học chứ không chỉ nhiếp ảnh. Ông viết ký khá hay và đã từng được giải Cuộc thi sáng tác văn học của Văn nghệ Thái Nguyên 2014-2016. Có khi nào ông làm thơ, hay viết truyện không?
Tôi hiện đang chú ý tới những độc giả đặc biệt, có tính đặc thù mà bản thân tôi tin rằng sẽ ít bị cạnh tranh. Tuy vậy tôi cũng đã nghĩ đến việc sẽ trở lại với thể ký và truyện ngắn trong thời gian sắp tới. Còn thơ thì... thôi, để các nhà thơ làm.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam:
Có ba loại viết về các tác phẩm văn học nghệ thuật: Nhà báo viết theo nhu cầu truyền thông, nhà sáng tác viết theo cảm nhận, nhà nghiên cứu viết dưới góc đô khoa học xã hội. Các bài viết của Vũ Kim Khoa cuốn hút người đọc, đặc biệt là những người chụp các lứa tuổi bởi cách cảm nhận tinh tế của một người chụp có nghề, có thành tựu sáng tạo qua nhiều chặng đường, các trải nghiệm đa dạng, từ sự chắt lọc, nhặt ra những hạt vàng trong lớp bụi thời gian. Cảm thụ là của riêng, viết từ tâm nên thật, không ngại người đọc hiểu lầm, hiểu khác, bởi Vũ Kim Khoa không có ý áp đặt người đọc. Cái thật và logic của các câu chuyện thật cần với những ai quan tâm, thật tâm vì nghề ảnh - một thứ nghề xen trộn giữa thành công và thất bại, tưởng chẳng cần học mà lại không phải như vậy, một nghề tưởng như dễ mà lại không phải thế.
Nhà báo Lưu Quang Phổ (báo Thanh Niên):
Tôi nghĩ Vũ Kim Khoa là một hiện tượng thú vị trong lĩnh vực phê bình nhiếp ảnh. Đọc các bài viết của ông, người ta thấy các khen, chê về nhiếp ảnh luôn được diễn giải bằng những câu chuyện, các điển cố được rỉ rả một cách văn chương, làm ta nhớ rất lâu. Các bài viết của Vũ Kim Khoa cũng cho thấy vốn sống, vốn đọc, vốn từ ngữ, khả năng so sánh, suy luận… của ông. Nhiếp ảnh Việt Nam có lẽ đang cần nhiều hơn những nhà nhiếp ảnh có nền tảng tốt như thế.
Bằng lối viết phê bình nhiếp ảnh bay bổng, văn vẻ, Vũ Kim Khoa cũng không bị trộn lẫn với nhiều nhà phê bình nhiếp ảnh thường tầm chương trích cú hoặc dẫn chủ trương, nghị quyết. Nếu một ngày đẹp trời nào đó, ông cao hứng viết bút ký hay truyện ngắn, thậm chí phê bình văn học, hoặc đăng thơ trên Văn nghệ Thái Nguyên, thì cũng là điều không bất ngờ.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...