VNTN- Mỗi năm khi năm hết Tết đến, người dân tại xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai lại háo hức, nhộn nhịp ở Miếu Làng.

Miếu được lập nên ở phía cổng làng, trên một gò đất nhô cao nhìn ra những cánh đồng, sau lưng là một cây sảng cổ thụ cuốn mình với cây si từ thời Pháp. Ấy là người dân trong xóm được nghe cụ kị kể lại như thế, chính họ cũng không hề hay biết di tích này có tự bao giờ. Và đến ngày hôm nay, tục lệ đi Tết Miếu Làng vẫn còn gìn giữ, chưa bao giờ mai một, mất đi.

NƠI CỘNG ĐỒNG GẶP GỠ

Độ quá trưa mồng hai Tết, mỗi nhà lại soạn sửa một mâm cơm mang lên miếu. Đến lúc 1- 2 giờ chiều đại diện các gia đình sẽ đi bộ sang dâng lễ. Nói là đại diện thế nhưng nhà nào cũng ít thì hai, nhiều thì đến cả vài người; bởi đi Tết Miếu Làng vui lắm.

Bao giờ cũng thế, sân Miếu chật ních người. Già trẻ, gái trai, trẻ con đủ cả. Họ tay bắt mặt mừng vì Tết giờ mới được gặp nhau: người già hàn huyên chuyện tuổi tác sức khỏe, thanh niên làng rôm rả í ới nhau, lũ trẻ thì chơi quay chơi nịt.

Không những vậy, Tết Miếu Làng còn là dịp những người con xa quê tha phương trở về, hội ngộ với bà con lối xóm lâu ngày không gặp để kể chuyện ngày xưa, nói chuyện ngày nay với những thăm hỏi ân cần về cuộc sống nơi đất khách, về công việc bán buôn làm ăn của năm cũ. Và không quên gửi đến nhau lời chúc mừng cho một năm mới tốt đẹp hơn, sung túc hơn.

Năm nay, do ở khu vực không bị ảnh hưởng bởi Covid và lãnh đạo huyện đã có sự chỉ đạo, kiểm tra sát sao những trường hợp từ xa về, thế nên Miếu vẫn đón người dân trong xóm đến lễ.

Với những người dân ở đây, không cứ đến giờ nào khắc nào thì lễ, mà ai mang mâm cúng đến trước thì xếp sẵn ở phía cửa miếu, những nhà đến sau lại lần lượt theo hàng mà để. Họ đợi nhau cho tới lúc đủ hết các gia đình, không còn thấy ai “tay xách nách mang” thứ gì mới mời người đến thắp hương cầu cúng. Trước khi dâng hương, sẽ có một người phụ trách giữ quỹ công khai các khoản chi tiêu trong năm và tiến hành thu phí của năm mới. Xong xuôi đâu đấy phần chính của Tết Miếu Làng mới bắt đầu.

Mặc dù mỗi nhà mang đi một mâm cỗ, thế nhưng đã đến Miếu Làng thì mọi việc đều được cả cộng đồng tiến hành cùng lúc. Tất cả đều thắp nhang và cùng nhau hóa tiền vàng. Khi nào lễ xong, các nhà sẽ cùng nhau quây quần ngay trước sân, mang mâm lễ của mình ra và thụ lộc, chia lộc. Không cần biết là của nhà nào, cứ ai có mặt là khoanh chân mà ăn, có khi cứ thế ngồi xổm. Những ông già làng sẽ vào một góc; đám thanh niên trai tráng đàn ông sẽ ngồi với nhau để mà say sưa; còn đàn bà phụ nữ một góc tám chuyện. Thụ lễ chỉ có ít đũa ít bát, ai không có thì sẽ dùng tay, ấy thế mà hoan hỉ nói cười. Vui vẻ và hồ hởi. Sau cùng, khi đã "ưng cái bụng", họ sẽ trút một phần lễ mang về, mỗi người lại một làn, một thúng.

Tết Miếu Làng không chỉ mang ý nghĩa của cá nhân gia đình nào, mà đây còn là sự kiện quan trọng thể hiện trách nhiệm cộng đồng, cộng cảm. Họ tự kết nối với nhau bằng những sợi dây vô hình của tình cảm gắn bó từ những mảnh ghép của cuộc sống sinh hoạt thường nhật. Tất cả người dân tham gia Tết Miếu Làng có chung một niềm cảm xúc hân hoan của cộng đồng. Họ uống rượu, nhảy múa rồi chúc tụng nhau…

NƠI GẮN KẾT TÂM LINH

Giống như rất nhiều những dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi phía Bắc và người Việt nói chung, người dân nơi đây coi văn hóa tâm linh là dấu ấn đặc biệt trong các hoạt động tín ngưỡng cộng đồng. Miếu làng là nơi họ trao gửi niềm tin và nương náu khi cần, ngay cả trong những vấn đề sinh hoạt thường ngày, sắc thái tâm linh luôn được đề cao. Bất cứ nhà nào có việc hệ trọng, họ lại ra Miếu Làng cầu khấn thành tâm. Bởi trong sâu thẳm tiềm thức, họ luôn luôn quan niệm rằng một thế giới khác vẫn song hành với trần thế thực tại, luôn dõi theo chúng ta hằng ngày trong muôn mặt đời sống. Và Tết Miếu Làng là cơ hội để họ tỏ bày kính ngưỡng đấy theo một cách riêng không phải nơi đâu cũng có.

Cùng với mốc thời gian “không biết có tự bao giờ”, người dân ở đây cũng không hề tường tỏ Miếu Làng thờ ai – chẳng đích danh cụ thể vị thần vị thánh. Cũng chẳng có bất kì truyền thuyết, câu chuyện nào được ghi chép lại, dân làng nơi đây chỉ biết tuân theo lệ tục từ bao đời. Đến cả những người già nhất trong làng cũng chỉ nói một cách “ước lệ”: thờ ai thì thờ, thờ thổ công thổ địa của làng này thôi, nhưng mà thiêng lắm.

Trong mấy ngày Tết, họ quan niệm mồng 2 âm lịch là ngày các con cháu không kể nội/ngoại phải có mặt về quê ăn Tết cùng ông bà bố mẹ và đi Tết Miếu. Mâm cơm cúng mỗi nhà một khác tùy điều kiện và phù hợp với nhu cầu, nhưng có những thứ bắt buộc phải mang: 1 chai rượu với đôi ba chiếc chén, cùng thẻ hương và một sấp tiền vàng. Nếu có quên phải về nhà lấy, không được mướn nhà người khác hay cứ thế dâng lễ. Thế mới hiểu có những thứ với họ có thể xuề xòa, có sao dùng vậy trong cuộc sống trần thế; nhưng họ luôn tuân theo những phép tắc lề lối của tục lệ một cách vô thức, mặc nhiên - không cần hồi đáp.  

Khi bắt đầu buổi lễ, họ sẽ phải mời người đàn ông nhiều tuổi nhất xóm đến cúng. Không một ai có thể làm thay, không một ai có thể dám thay. Không cần phải là người làm thầy, nhưng chắc chắn phải là cao niên trong làng. Mấy năm nay, ông Lường Văn Long – 90 tuổi là người được giao trọng trách đặc biệt này. Thậm chí, hàng tháng vào ngày rằm và mồng 1 nhà ông cũng thay mặt mọi người trong xóm thắp hương tại đây. Công việc này sẽ được duy trì và trao truyền lại cho gia đình nào có người cao tuổi bậc nhất.

Trong khi ông Long đứng trước bàn thờ Miếu lầm rầm khấn vái nhỏ to, con trai ông là Lường Văn Viên đi châm một bó hương to phát cho từng người có mặt ở miếu. Không kể người lớn trẻ nhỏ, ai cũng cầm một nén để chắp tay khẩn cầu rồi lần lượt từng người tiến tới 2 phía cửa Miếu thắp hương. Trong suy nghĩ của những đứa trẻ, có lẽ chúng chẳng mảy may điều gì, hệt như bố mẹ và những người chung quanh – những thứ thuộc về tâm linh đều không thắc mắc mà cứ thế làm theo những gì vốn dĩ.

Tết giờ đây ở bất cứ nơi đâu đều đã phai nhạt ít nhiều nhưng riêng lệ Tết Miếu Làng ở xóm Đồng Chăn, Lâu Thượng này vẫn còn gìn giữ. Với nhiều người vẫn còn cảm thấy háo hức với Tết quê vì có nó. Miếu Làng không chỉ là nơi cộng đồng gặp gỡ, nơi sự chia sẻ trở thành niềm hân hoan mà đặc biệt hơn - đây là nơi đức tin được gửi gắm, lòng thành được cậy nhờ.

Và ở sâu thẳm trong mỗi hành động và lời cầu khẩn thì Miếu Làng là nơi mong ước của người dân được thực hiện hoá bằng một điều gì đó không hay, mà chính họ cũng không biết. Họ hành động một cách nghiêm cẩn, tuân theo những lễ nghi truyền thống. Mặc dù đôi khi ngay cả bản thân họ cũng không hiểu được sâu xa ý nghĩa của hành động đó biểu thị điều gì. Duy chỉ có một thứ họ biết chắc chắn, đấy là lời cầu cúng cho bản thân và gia đình, làng mạc sẽ được Miếu Làng chứng giám, chở che. Có thể là sự an lành, sung túc no đủ, hoặc một mong ước nào đó cho năm mới cận kề.

Một niềm tin tưởng như mơ hồ, nhưng lại tuyệt đối.

Tết ở quê vì thế mà đặc biệt và linh thiêng.

Hạnh Quyên

 

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục