Nhà nông nghèo chẳng có đồ chơi. Lập thì hiếu động. Hôm đó mải theo con chuồn chuồn, Lập ngã xuống ao. Người ta chỉ thấy khi cậu đã tím tái, nổi phềnh trên mặt ao. Một bà hàng xóm đi chợ về ngang qua, ban đầu bà cứ ngỡ nhà Lập vứt con vật gì xuống đó. Bà la toáng: Sao nhà nó vứt chó hay lợn gì xuống đây? Ui trời… trẻ con chết… Nghe bà kêu, người làng túm đến. Một ông bạo gan xuống vớt Lập lên. Lập đã tắt thở, người lạnh toát. Hô hấp đủ mọi cách đều vô vọng, người ta bó chiếu mang Lập đặt ở đầu bờ tre cách chỗ cậu ngã dăm mét, để gia đình lo hậu sự.

Khi mọi người đã về hết, bà Dương Thị Lụa - mẹ Lập vẫn ôm thằng em Lập mới lẫm chẫm tập đi khóc vật vã. Nhưng rõ lạ, bà khóc tới vài tiếng, mà chả thấy chảy nước mắt. Linh tính người mẹ, bà ra chỗ Lập nằm thì thấy con đang thoi thóp, ọ ọe nôn ra chút nước. Mừng quá bà thắp hương khấn gọi hồn: “Ba hồn bảy vía con ở đâu thì về nhập cành xoan…”. Chồng bà lập cập chạy đi mua gói kẹo về nhử. Năm đó Lập 3 tuổi.

Mút chút kẹo thì Lập sống lại, nhưng sau đận ấy cậu không còn được bình thường. Cậu bé Lập hiếu động tươi vui, giờ ít nói cười, lầm lì và chỉ ưa phá phách. Ngày ngày Lập tai quái moi đồ đạc trong nhà. Đài, quạt, vào tay là Lập chọc phá tung tóe để lấy nam châm… Chiếc đồng hồ đeo tay của bố phải tiết kiệm tiền mãi mới mua được Lập cũng đem dìm ngay xuống nước cho chết, rồi tháo ra “nghiên cứu”. Bố cậu giận tím mặt nhưng có đánh chửi thế nào Lập vẫn chả sợ. Cậu cứ dương mắt nhìn trân trân không chớp.

Nhìn, chửi là “sở thích” của Lập. Nhìn ai một lúc, kiểu gì cậu lại chửi họ rất bậy. Ông già bà cả trong làng Lập cũng chửi, mẹ bà Bào… mẹ bà Giáp... đều bị chửi. Những người ở gần hiểu thì thông cảm. Còn những người nồng tính hoặc không biết thì tức điên ruột. Những Lúc đấy bà Lụa lại phải xuống nước năn nỉ: “Bà thông cảm cho con. Cháu ngã xuống ao chết, coi như vứt đi rồi!”.

Lập thường sợ tắm, đi học người hôi như cú. Lũ bạn hay lấy cậu ra làm vật tiêu khiển. Mấy thằng nghịch ác trong trường túm vào dọa dẫm, chửi “hội đồng”, Lập vẫn nhìn chằm chằm. Ngứa cẳng chúng “tặng” Lập cái đấm, cái đạp. Mắt Lập vẫn dương cóc cãnh. Lập chẳng thấy đau, mà chỉ coi như gãi ngứa. Suốt 9 năm học Lập bị “tẩn” đều đặn, cậu cũng chẳng thấy buồn, chỉ thấy lòng hiu hắt khi học trước quên sau. Lập thực sự mất trí, gần như chẳng nhớ thứ gì!

Tuy vậy cậu cũng không phải đồ bỏ. Lập không cãi mẹ và rất chịu làm việc. Lập biết mò cua bắt ốc hàng ngày để bán lấy tiền đóng học. Nhìn con gầy, bé như cái kẹo, oằn lưng vác nặng bà Lụa xót: “Thôi con ơi, con đừng vác nặng kẻo khục xương”.

Học hết lớp 9 Lập ngao ngán: “Nhà thì nghèo, học chả vào. Thôi con bỏ, ở nhà đi làm thuê, làm mướn”.

Từ đấy Lập lang thang làm thuê đủ nghề, bưng bê, bốc vác, đi phụ xây, rồi xây dựng. Làm việc chân tay nặng nhọc, mà ráo mồ hôi đã hết tiền, Lập không muốn suốt đời như cái máy. Một lần đi xây nhà cao tầng ở Hà Nội, cậu bạn cùng làm đứng trên tời, cáp đứt dây, tời rơi từ tầng 12 xuống, ngay trước mặt Lập. Lập hãi, thế là bỏ việc. Cậu về nhà tự buôn ga bán cho sinh viên và bắt đầu nung nấu ý muốn làm “ông chủ”.

Làm ga cũng nặng nhọc nhưng được cái tự do, có thời gian cho thú độ xe của mình. Cậu lần mò vào các diễn đàn trên mạng và bắt đầu buôn xe cub - một dòng xe rất cũ của hãng Honda. Rồi cứ thế, Lập lạc vào thế giới của đồ xưa và bị mê hoặc.

Cậu nhận thấy những thứ bao người từng vứt đi như: chum, vại, quang gánh, quạt thóc, chạn bát, ti vi đen trắng, máy khâu, cối đá... nếu vào tay người am tường văn hóa, biết nâng niu sắp đặt thì nó chẳng khác gì những món đồ trang trí có giá trị. Những thứ đó thật có hồn, nhìn vào thấy bao nhiêu những kỉ niệm, những dấu vết của thời gian. Giờ có của ăn của để, nhiều người lại muốn tìm mà đâu dễ kiếm. Thế là một công đôi việc, vừa giao ga, Lập vừa lặn lội đến mọi hang cùng ngõ hẻm để sưu tầm tìm kiếm đồ xưa cũ.

Thấy con làm việc đã vất vả lại hàng ngày khuân về lỉnh kỉnh trăm thứ đồ đồng nát chất đầy trong nhà ngoài ngõ, bà Lụa cứ chì chiết: Thằng này dở thật rồi! Còn người làng cứ thấy Lập dầu mỡ lấm lem, gọi cậu là Lập “điên”, Lập “đồng nát”. Thế nhưng điều đó qua rất nhanh. Hàng về hàng lại đi, hơn nữa lọ mọ với đám chum vại, xe cũ… tính Lập đỡ khùng lại nhanh nhẹn ra, bà Lụa cũng không cản nữa.

Nhưng đấy chỉ là làm cò con. Cứ vật lộn mãi thế này cũng vất. Muốn nhiều người biết để bán chạy hàng, phải mất 2 triệu/ tháng tiền thuê “mặt tiền” của nhóm Chợ Thái trên facebook. Tại sao không tự mình lập fanpage? Lập lại thử mày mò tạo các nhóm, các chợ…

 Đấy là năm 2010. Giờ Lập đã nổi như cồn trên mạng. Với cái tên “Trần Lập đồ xưa”, cậu điều hành hơn 20 fanpage và có những nhóm lượng thành viên lớn.

Có tiếng tăm, giờ Lập cũng không phải lọ mọ đi lượm đồ. Cậu chỉ việc ở nhà lướt ngón tay trên mặt điện thoại là có tiền. “Em không bao giờ ship cod anh ơi! Anh chuyển tiền ít nhất là một nửa, em sẽ gửi hàng cho… Còn anh chị yên tâm, cứ lên mạng tìm hiểu mọi người đánh giá về em như thế nào…”. Vừa tiếp khách trong không gian lỉnh kỉnh “trăm thứ bà dằn”, Lập liên tục trả lời khách như thế.  Ngoài ra Lập còn vanh vách cung cấp cho khách về nguồn gốc, giá trị, cách ứng dụng của từng món đồ. Khách đồng ý là lên đơn, tính tiền. Đơn tính xong Lập còn tỉ mỉ chép lại. Lập thú thật: Em ghi vào đây cho đỡ quên. Vì cái “tội” quên của em mà ngày xưa em đã mất khối khách. Còn mất mười mấy cái fanpage rồi”.

Khách hàng của Lập chủ yếu là ở các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình… và nhiều nhất là ở các tỉnh phía Nam, ở Thái Nguyên cũng có nhưng còn ít. Thành phần khá đa dạng, đông nhất là những người ưa hoài niệm, đội ngũ kiến trúc sư, các họa sĩ, nhà sưu tập. Ngoài ra Lập còn cung cấp những đơn hàng lớn cho các khu du lịch sinh thái, các khu bảo tồn, quán cà phê phong cách vintage… Hơn 10 năm không biết bao nhiêu món đồ đã qua tay Lập, chỉ biết cậu đã từng bán nhiều đơn hàng cả trăm triệu. Có khách thiết kế khu du lịch lấy tới 400 triệu tiền hàng.

[video width="854" height="480" mp4="https://vannghethainguyen.vn/uploads/Dang-Dinh-Lap-xom-Hoc-Huong-Thuong-TPTN-1.mp4"][/video]

Clip: Tâm sự của ông chủ “đồng nát” Đặng Đình Lập, xóm Hóc, xã Huống Thượng, TP. Thái Nguyên

Việc kiếm đồ, cũng qua mạng xã hội, Lập xây dựng vệ tinh ở khắp nơi. Ngoài ra Lập đào tạo hẳn một đội ngũ “nhân viên” chuyên nghiệp. Đấy là những bà đồng nát, những người đi mua cây cảnh, chủ hiệu thu mua sắt vụn… Đội hình này rải khắp Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. Họ gom được nhiều đồ là “a lô” cho Lập. Lương Lập trả công bằng theo từng món sản phẩm. Ngày lễ, tết cậu vẫn có thưởng với những người làm tốt và đăng công khai.

“Giờ có tiếng kiếm tiền cũng dễ. Làm ăn uy tín tiền khắc đến với mình”. Lập đủng đỉnh khoe hai đơn hàng khách vừa đặt, tiền đã nổi. “Chiều nay trừ mọi chi phí, em được dăm triệu tiền lãi”. Thì ra vừa nói chuyện với tôi Lập vừa “in búc” bán được bộ bàn ghế tay cong thời bao cấp, và dăm cặp bánh xe bò.

Nhìn hai cô “công chúa” 4 tuổi ríu rít chơi đùa, Lập hạnh phúc: “Vợ chồng em hiếm muộn, chạy chữa tứ phương chẳng được. Cuối cùng phải xuống Hà Nội cấy trứng. Ăn chực nằm chờ cả tháng trời dưới đấy, chi phí hết hơn 200 triệu mới đậu hai đứa nó. Nhờ kinh doanh đồ xưa, mà em được nhiều lộc”.

Lập mất trí thật, nhưng điều gì Lập thích thì, làm đâu ra đấy. Vợ Lập bảo, Lập bán hàng giỏi thật nhưng vô số tội. Tội ở bẩn, tội hay nói trống không với khách, nhiều người còn bằng tuổi cha chú mình. Họ không biết bệnh nên dễ mất lòng. Đặc biệt giao cho Lập việc nhà là hỏng. Nhiều lần bận buổi sáng nhờ Lập ở nhà trông con, nấu nướng. Chiều về Lập vẫn chẳng cơm cháo gì, con thì đã cởi truồng tồng ngồng, khóc váng xóm, Lập cũng không thấy. Quát Lập như quát con, cậu chỉ ậm ừ rồi đâu lại đóng đấy. Bà Lụa thì phô: “Ai lại “rửa đít” cho con nó cứ dí thẳng vào vòi nước nóng. Có lần con bỏng phải đưa đi viện đấy! Nó như một đứa trẻ nhưng được cái tháo vát, biết nhiều việc. Hàn nó cũng làm được, xây cũng tốt. Mà nó đã ham việc gì, đố ai dứt ra được”.

Và điều này tình cờ tôi đã được kiểm chứng. Hai tháng trước Lập tâm sự, muốn dựng cái lầu trà khung sắt và lợp tấm lợp để tiếp khách. Tôi xui, kiếm cái khung chuồng trâu hỏng trên dân tộc, lợp lá hoặc ngói vào, kê cái chõng tre thì “hết nước chấm”. Đúng ý, Lập khoái! Tưởng chỉ nói cho vui, hôm sau Lập đã gửi cái ảnh khung chòi bằng gỗ chắc chắn! Lập khoe, chưa kiếm được chuồng trâu, mình em tự làm bằng gỗ cũ. Ngày hôm sau Lập lại gửi hình cái chòi gỗ hoàn thiện lợp lá dày dặn, ở giữa kê bộ bàn ghế bằng những chiếc cối đá xếp lại. Ngồi ở đấy view chính là hàng cối đá cũ phía trên có những chậu hoa mười giờ tươi tắn. Ngoài ra còn thoải mái mà ngắm cánh đồng, hưởng gió trời.

Bán đồ xưa kiếm khá tiền, nhưng cái được nhất là Lập được thỏa mãn thú chơi. “Mình phải đam mê thì đam mê với đuổi theo mình, không đam mê thì mệt lắm! Thế giới đồ xưa thật rộng lớn. Tiếp xúc với nó cho em nhiều kiến thức. Em may mắn được nhiều anh em đi trước hướng dẫn. Làm nghề này sướng nhất là được giao du với những con người thông thái, em lớn lên rất nhiều. Mình chơi với 10 người giỏi thì mình sẽ là người thứ 11. Và em thấy mình là người có ích”.

Ngồi trong không gian như một công xưởng những đồ xưa, nói về kinh doanh Lập chắc như đinh đóng cột: “Mình “nghèo bền vững” thì mình phải chọn con đường thực tế. Mua gian bán lận thì mai giàu, ngày kia sập. Thương hiệu là trên hết. Em phải giữ làm sao để mình không bị “phốt”. Hiện giờ em chỉ lo không có đồ để bán. Vì đồ cũ trong dân tìm mãi cũng hết. Mà không gom nhanh họ cũng cho vào bếp hoặc bán đồng nát, phí lắm!”.

Buôn bán tốt, vợ Lập vốn là công nhân công ty Samsung giờ cũng nghỉ làm để về nhà phụ với chồng. Túc tắc buôn bán, sắp tới hai vợ chồng đang định xây thêm nếp nhà Việt bằng đá ong để có không gian chơi đồ. Nhìn chồng bằng ánh mắt long lanh, vợ Lập bảo: “Em giờ cũng chỉ mê đồ xưa. Đi cùng anh ấy nhiều giờ chỉ ước một ngôi nhà nhỏ, khu vườn to với đầy đồ xưa, đẹp lắm anh ạ!”.

Gặng hỏi bà Lụa, Lập được như hôm nay bà vui như thế nào? Như cởi lòng, bà Lụa bảo: “Thì nở mày nở mặt. Giờ đi đâu làng xóm đều khen, cái thằng cu Lập thế mà lại khôn ngoan, tháo vát…”.

Về hạnh phúc, quan điểm của Lập rất rõ ràng: “Em chẳng hám xe hơi, nhà lầu, thành ông nọ bà kia. Em chỉ rau dưa, tương cà nhưng có vợ con bên cạnh thì làm gì cũng dễ anh ạ!”.

Vạn vật tùy duyên, cuộc đời Lập có lẽ cũng như những món đồ xưa, người không hiểu thì cũng chỉ là rác, là đồng nát, còn nếu biết nâng niu, chúng sẽ cất lên bao điều gây thương nhớ.

Nội dung và thiết kế: Quang Khải

 

 

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục