Nếu như ngôn ngữ của văn học là nghệ thuật ngôn từ, thì một số loại hình nghệ thuật khác (như sân khấu, âm nhạc, điện ảnh…) lại sử dụng ngôn ngữ tổng hợp, dĩ nhiên vẫn sử dụng đến ngôn ngữ của văn học để chuyển tải ý tưởng tác phẩm, tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật của loại hình đó. Cụ thể là: sân khấu và điện ảnh thì phải có kịch bản, lời thoại; âm nhạc thì phải có ca từ… Chỉ riêng một số ngành như: mỹ thuật, kiến trúc và nhiếp ảnh là không dùng trực tiếp ngôn ngữ văn học để cấu thành ngôn ngữ nghệ thuật.
Góc bình yên – Tranh sơn dầu của Phạm Bình Chương (Hà Nội)
Đứng trước các tác phẩm mỹ thuật, không chỉ với đông đảo công chúng mà ngay cả người trong nghề nhiều lúc cũng không đọc hết được ý tưởng của tác giả gửi gắm trong đó, vì sự trừu tượng của ngôn ngữ tạo hình. Chính vì vậy, vai trò của lý luận phê bình mỹ thuật càng trở nên cần thiết và là cầu nối không thể tách rời giữa tác phẩm và người xem. Ở một phương diện nào đó, lý luận phê bình mỹ thuật như công việc của dịch giả, dịch từ ngôn ngữ tạo hình sang ngôn ngữ văn học để công chúng đọc và hiểu được tác phẩm mỹ thuật một cách tương đối đầy đủ.
Ở nước ta trong nhiều năm qua, công tác lý luận phê bình mỹ thuật vẫn bị xem là “giậm chân tại chỗ”, do có một thời gian dài chúng ta quá đặt nặng nội dung mà xem nhẹ hình thức, trong khi bất cứ nội dung nào cũng đều chứa đựng hình thức, và ngược lại. Bên cạnh đó, có nhiều quan điểm mỹ thuật cứng nhắc, đã trở thành lối mòn mà ít được đổi mới, gây hạn chế trong việc tiếp cận các trào lưu mỹ thuật của thế giới đương đại. Môi trường mỹ thuật thiếu sức lan tỏa đến công chúng, ví dụ tranh treo tại các gallery thì hầu như bị “đóng khung” trong một không gian chật hẹp, người thưởng lãm thì thưa thớt. Nhiều cuộc triển lãm tranh cũng vậy (kể cả ở thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), có những lần được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, song cũng chỉ rầm rộ trong ngày cắt băng khai mạc, còn những ngày tiếp theo thì cứ “vắng tanh như chùa bà đanh”, phòng triển lãm dường như bị quên lãng. Vì sao vậy, công chúng không thích, hay không hiểu gì về triển lãm mỹ thuật nên họ ngần ngại chăng?…
Vắng bóng người xem trong các triển lãm mỹ thuật có muôn vàn lý do, song công tác truyền thông cũng là một vấn đề cần bàn, coi nhẹ việc tuyên truyền dường như nơi nào cũng có. Nhiều triển lãm mỹ thuật đến cái băng rôn quảng cáo cũng còn “keo kiệt”, chỉ treo ở vài điểm trung tâm gần nơi tổ chức. Cuộc triển lãm nào cũng mời đầy đủ các thành phần, phòng ban chức năng, nhưng đi dự cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”. Trong khi đó, một chương trình xiếc – nhạc, một show ca nhạc của một số ca sỹ trẻ hát nhạc thị trường…, thì mỗi lần đi diễn đều được quảng cáo rầm rộ, từ loa phát thanh đến các pano, áp phích; xe tuyên truyền lưu động dạo khắp các ngõ ngách thành phố cho đến nhiều thôn bản
Hiện nay, sự gắn kết giữa công chúng và tác phẩm mỹ thuật vẫn còn thiếu chặt chẽ, tạo ra khoảng cách xa vời. Chẳng hạn ở Huế đã có vài ba lần mở trại sáng tác điêu khắc quốc tế, số tác phẩm để lại tại các công viên khá nhiều, đủ phong cách điêu khắc từ cổ điển đến hiện đại được đưa đến từ các châu lục, phong phú về hình thức và kỹ thuật… Tuy vậy cũng vẫn không kéo được đông đảo công chúng về gần. Có lẽ vì người xem chưa hiểu hết, hoặc chưa đánh giá được giá trị của nghệ thuật điêu khắc chăng? Điều đó chứng tỏ rằng rất cần một sự định hướng về thẩm mỹ, về bản sắc dân tộc, về tính hiện đại trong tác phẩm mỹ thuật đối với công chúng, thậm chí cho cả những người sáng tạo mỹ thuật.
Những năm qua, với một số công trình nghiên cứu, xuất bản sách, bài viết trên báo chí, truyền hình, tuy số lượng chưa nhiều nhưng các nhà lý luận phê bình cũng đã góp phần làm cầu nối giữa tác phẩm mỹ thuật và người xem. Họa sỹ, nhà lý luận phê bình mỹ thuật Hải Yến đã nhận định: “Sự thay đổi đến chóng mặt trong sáng tác buộc lý luận phê bình phải thay đổi theo. Trong bối cảnh giao lưu như hiện nay, đòi hỏi công tác lý luận phê bình càng phải có đường lối chủ đạo, có nền tảng vững chắc”. Đồng hành với sự phát triển của mỹ thuật, một số họa sỹ đương đại cho rằng: Các nhà lý luận phê bình phải tự coi mình là người bạn song hành với người sáng tạo. Nhiều tác phẩm mỹ thuật nếu không có các nhà phê bình thì khó đến được với công chúng. Bởi lẽ ngôn ngữ mỹ thuật rất trừu tượng, và mỗi người sẽ cảm nhận một cách khác nhau. Nhiều tác giả không tự thuyết minh cho tác phẩm của mình mà lại nhờ đến các nhà lý luận phê bình nói hộ. Vì vậy, sáng tạo nếu không gắn kết được với lý luận phê bình thì sẽ rất lẻ loi.
“A Di Đà Phật” – Tranh khắc gỗ của Nguyễn Khắc Hân (Bắc Ninh), đạt Huy chương Vàng
Mỹ thuật toàn quốc năm 2015.
Lý luận phê bình mỹ thuật bấy lâu nay “khan hiếm”, có người viết thì vẫn thiên về khen ngợi là chính, phê bình rất ít được đề cập. Động cơ viết bài của một số nhà lý luận phê bình lại là do có người đặt bài, mục tiêu của người viết không phải chỉ giải mã cho các tác phẩm – định hướng nghệ thuật, mà cơ bản vẫn là để tâng bốc tác giả, “phù phép” để tác phẩm bay cao, bay xa mà thôi. Các họa sỹ, và cả những người hiếm hoi làm công tác phê bình mỹ thuật đều hiểu rằng, lĩnh vực phê bình không hề đơn giản, bởi vì nếu khen mà không trúng, không đúng thì nguy hại, chưa kể phê bình mà sai thì còn tệ hại hơn nhiều. Tuy nhiên không phải cứ khó là không làm. Hiện nay vẫn còn nhiều “cây bút” viết vì lương tâm nghề nghiệp, bài viết của họ hết sức trách nhiệm, có hiệu quả, được công chúng biết đến và đồng tình. Nhưng việc làm thế nào để khuyến khích các nhà Lý luận phê bình mỹ thuật chuyên tâm hơn, yêu nghề hơn, thì vẫn là câu hỏi không dễ có câu trả lời.
Đứng trước sự “trì trệ” thấy rõ này, thiển nghĩ đã đến lúc chúng ta nên xác định lý luận phê bình mỹ thuật là “hàng độc và hiếm”, cần được coi trọng. Theo đó, thái độ ứng xử của các ban – ngành chức năng với lý luận phê bình mỹ thuật cần phải được đổi mới, không thể đánh giá nó ngang hàng như các ngành khác, hãy chấp nhận “hàng độc và hiếm” thì giá cả sẽ “đắt đỏ”. Cùng với việc tăng thù lao cho các bài viết lý luận phê bình mỹ thuật thì cần đẩy mạnh công tác truyền thông. Tủ sách nghệ thuật cần được đi đến các vùng sâu, vùng xa đô thị. Như vậy từng bước công chúng sẽ quen dần với mỹ thuật, thấy sản phẩm mỹ thuật không còn xa lạ, sản phẩm mỹ thuật gắn bó với cuộc sống con người, đó là món ăn tinh thần vô giá. Mặt khác, những hội thảo, tọa đàm, nói chuyện và tiếp xúc với những người yêu mỹ thuật là rất cần thiết. Bởi thông qua đó, chúng ta có thể biến những người yêu nghệ thuật thành những người tuyên truyền về nghệ thuật. Như vậy sẽ làm cho đời sống mỹ thuật tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng và xã hội. Một số cuốn sách nghiên cứu phê bình có giá trị được giới mỹ thuật và công chúng yêu nghệ thuật ghi nhận như: “Mỹ thuật Lý Trần – Lê sơ” của Viện Mỹ thuật Việt Nam, “Con mắt cái đẹp” của Nguyễn Quân…, cần được đưa đến cho những người làm công tác văn hóa tiếp cận, tìm hiểu…, thông qua họ để đưa mỹ thuật đến với công chúng một cách gần gũi, bình dân hơn.
Có quan điểm cho rằng không cần nhà lý luận phê bình mỹ thuật tốt mà vẫn có tác phẩm mỹ thuật xuất sắc. Điều đó đúng, nhưng hẳn là sẽ không có đông đảo công chúng biết đến, thị trường mỹ thuật vì thế mà trở nên khó phát triển. Lúc đó sẽ chỉ là “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà thôi.
Gia Bảy