– Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển, bà Sara Danius, công bố nhà văn Belarus, Svetlana Alexievich 67 tuổi đã giành được giải thưởng Nobel Văn học năm 2015.

Bà Alexievich là nữ nhà văn thứ 14 giành giải Nobel Văn học và là nhà báo đầu tiên được vinh danh cho giải thưởng này.
Svetlana Alexievich sinh ngày 31/5/1948 ở thị trấn Ivano-Frankivsk nước Ukraine, cha bà là người Belarus, mẹ là người Ukraine. Alexievich lớn lên ở Belarus, nơi cả cha mẹ bà làm nghề giáo. Bà học báo chí tại Đại học Minsk từ năm 1967 đến 1972. Sau khi tốt nghiệp, bà hoạt động trong nghề báo ở biên giới Balan rồi chuyển về thủ đô Minsk làm việc.
Svetlana Alexievich là cây bút kỳ cựu trong làng văn, làng báo với những tác phẩm miêu tả cuộc sống và chiến tranh Liên Xô trong thời kỳ hậu Xô Viết. Tác phẩm đáng chú ý nhất trong bản dịch tiếng Anh của bà là The war in Afghanistan (Zinky Boys) và Voices from Chernobyl. Văn chương của bà được giới chuyên gia văn học miêu tả là những câu văn tràn đầy âm điệu, một thứ văn chương mang sự đồng cảm vô cùng sâu sắc, nói về những mất mát, đau khổ và ca ngợi lòng dũng cảm của con người.
Văn chương và báo chí trong các trang viết của Svetlana Alexievich phản ánh hiện thực thời đại Liên bang Xô Viết. Bà đã tiến hành hàng ngàn cuộc phỏng vấn, viết sâu sắc về những sự kiện lớn như thảm hoạ Chernobyl, chiến tranh ở Afghanistan, và chiến tranh ở Liên Xô cũ và thời kỳ hậu Xô Viết.
Svetlana Alexievich đã khẳng định tài năng văn chương ngay từ cuốn sách đầu tiên
Các trang viết của bà được miêu tả như một biên niên sử văn học dạt dào cảm xúc. Bà từng nói rằng, đất nước Liên Xô như một ngôi mộ chung khổng lồ, là đất nước bị tắm máu vì các cuộc chiến tranh. Bà viết về lịch sử nhưng không phải lịch sử sự kiện mà là lịch sử của cảm xúc. Những gì bà mang đến cho chúng ta là thế giới tình cảm.
Cuốn sách đầu tiên của bà War’s Unwomanly Face xuất bản năm 1985, được tái bản nhiều lần, bán ra hơn 2 triệu bản và được xuất bản tại 19 quốc gia. Cuốn sách là lời độc thoại của một người phụ nữ trong cuộc Chiến thế giới thứ II nhưng lại là câu chuyện của hàng trăm người phụ nữ khác. Gần một triệu phụ nữ Liên Xô tham gia chiến tranh và điều đó chứa đựng nhiều vấn đề lớn. Những cuốn sách sau này của bà cũng đều viết về đề tài chiến tranh qua góc nhìn của trẻ em và phụ nữ.
Nhà văn Svetlana Alexievich đã vượt qua nhiều ứng cử viên nổi tiếng khác trong như nhà văn Haruki Murakami của Nhật Bản, nhà văn Ngugi Wa Thiong’o của Kenya, nhà viết kịch Na Uy Jon Fosse và nhà văn Mỹ Joyce Carol Oates.
THU LINH theo The Guardian